Tôi nhớ như in khi bạn tôi "cắt nghĩa" về tên của thành phố Mỹ Tho sau khi đọc được một số thông tin lịch sử trên tờ báo chính thống của tỉnh Tiền Giang.
"Khi đến định cư tại đây, cộng đồng người Việt vẫn sử dụng tên gọi Srock Mỳ Xó (nghĩa là những cô gái đẹp) nhưng bỏ đi chữ chữ "Srock", chỉ còn giữ lại "Mỳ Xó", và theo thời gian cái tên này chuyển thành "Mỹ Tho"".
Chuyện miền Tây có nhiều cô gái xinh đẹp không phải là lần đầu tôi được nghe. Dù có rất ít lần tin vào điều này thế nhưng nó vẫn khiến nhiều người tò mò, trong đó có cả tôi.
Vậy thì vì sao các thiếu nữ miền Tây nổi tiếng xinh đẹp?
Các hot girl miền Tây nổi tiếng một thời
"ĐƯỜNG NÉT" GẦN NHƯ CÓ TỪ TRONG MÁU!?
Cái này tôi từng nghe mẹ và bà của tôi kể lại rằng, con gái ở miền Tây từ thời xưa tới giờ vốn đã có gương mặt khả ái lại thêm cái tính thật thà, chân chất của người miền quê nên rất dễ được thương, được mến.
"Đặc biệt cái nét của người con gái ở miền Tây nó không phải là kiểu "sắc lẹm" hay quá tân thời. Gương mặt đa phần bầu bĩnh, ngũ quan hài hòa, đôi mắt to tròn long lanh cùng làn da trắng mịn,... tất cả những yếu tố cơ bản và thường gặp ấy đã trở thành một cái gì đó rất riêng của người phụ nữ vùng sông nước. Nhiều cô sắc nước hương trời cũng sở hữu những điểm đặc biệt ấy" - bà tôi từng kể.
Nếu bạn không tin, chúng ta có thể ngược dòng lịch sử một chút để trở về một nơi từ xưa đến nay nổi tiếng sinh ra nhiều hoàng hậu, mỹ nữ thời xưa......
VÙNG ĐẤT CÓ NHIỀU "QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG", SINH RA NHIỀU HOÀNG HẬU, ĐỆ NHẤT PHU NHÂN
Nếu có dịp đi Đồng Tháp, từ chân cầu Mỹ Thuận đi Quốc lộ 80 thêm 10km vào đến thị trấn Cái Tàu Hạ, hỏi thăm đường đến vùng Nha Mân (thuộc xã Tân Nhuận Đông, Châu Thành, Đồng Tháp), ai cũng biết. Vì nơi này vốn nổi danh là vùng đất có nhiều thiếu nữ xinh đẹp, con cháu cung tần mỹ nữ ngày xưa.
Ở thời điểm hiện tại khi đến đây, có lẽ bạn sẽ thất vọng bởi không thể nhìn thấy một thiếu nữ nào đẹp như trong trí tưởng tượng. Nhưng chuyện Nha Mân và những cô nàng xinh đẹp nức tiếng ở miền Tây vẫn còn lưu truyền mãi đến tận sau này.
Vùng đất này có nhiều dòng dõi, con cháu cung tần mỹ nữ từ sau khi vua Nguyễn Ánh thất bại và tháo chạy trong Khởi nghĩa Tây Sơn vào năm 1785. Vị vua này đã bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ ven các làng bên bờ sông Tiền, trong đó nhiều nhất là vùng Nha Mân (Đồng Tháp). Những mỹ nữ cung đình này sau đó thành duyên với thanh niên trai tráng địa phương, ai nấy đều sắc nướng hương trời, họ sinh con đẻ cái. Chính vì vậy mà sau này, xứ Nha Mân có nhiều thiếu nữ đẹp.
Hơn hết, Nha Mân sau này có 3 dân tộc sống cộng sinh: Việt - Hoa và Khmer bản địa. Sự quần cư này đã làm "tiền đề" cho những cô gái lai 3 dòng máu xinh đẹp và ưu tú.
Như chuyện vừa nói ở phần đầu bài, về tên của thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Mỹ Tho được gọi theo tiếng Khmer phiên âm, nghĩa là "vùng đất có nhiều người con gái đẹp". Không phải nghiễm nhiên mà người Khmer dành cái tên này để gọi Mỹ Tho, khi nằm dọc theo con sông Tiền, Tiền Giang đã lừng danh là vùng đất sinh ra những hoàng hậu, phu nhân có "quốc sắc thiên hương".
Bà Từ Dụ Hoàng Thái Hậu (hay còn gọi là Từ Dũ) tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810 tại đất Gò Rùa, huyện Gò Công, Tiền Giang.
Nam Phương Hoàng Hậu (sinh năm 1914, tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan) quê ở Tiền Giang
Hoàng hậu đầu tiên khiến công chúng luôn nhớ đến và thầm biết ơn là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức, 1810 - 1902). Hoàng hậu Tự Đức nổi danh là người phụ nữ có "quốc sắc thiên hương", hiền hòa, đức độ, hiểu biết sâu rộng và làm nhiều việc thiện. Bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM đã lấy tên bà.
Thiếu nữ Tiền Giang thứ hai trở thành hoàng hậu, uy danh lẫy lừng chính là Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, bà sinh ra ở Gò Công là con của một điền chủ giàu có, học thức. Bà từng đoạt giải Hoa hậu Đông Dương sau khi du học Pháp trở về. Nổi tiếng tài sắc vẹn toàn, bà đã trở thành vợ vua Bảo Đại.
Vào giai đoạn tiếp nối về các thiếu nữ xinh đẹp ở Tiền Giang còn có bà Đoàn Thị Giàu - vợ của bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đó là còn chưa kể các đệ nhất phu nhân, nữ hoàng sân khấu, nghệ sĩ,.. lừng danh lúc bấy giờ ví như Phùng Há, Thanh Nga,...
Ở thời hiện đại, các thiếu nữ miền Tây xinh đẹp được nhắc đến là diễn viên Tăng Thanh Hà, hoa hậu Đặng Thu Thảo, Hoa khôi - Diễn viên Nam Em, diễn viên Cao Thái Hà,...
Phụ nữ miền Tây nhiều thế hệ
VẬY PHỤ NỮ MIỀN TÂY Ở HIỆN TẠI ĐẸP RA SAO?
Tuy nhiên dần theo năm tháng, cái đẹp của người phụ nữ không chỉ riêng ở miền Tây mà bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng sẽ có những sự thay đổi nhất định để "theo thời, theo mốt". Nhất là khi cái chuẩn về sắc đẹp cũng liên tục dịch chuyển theo thời gian, nên con gái ở miền Tây nói riêng bây giờ cũng rất đa dạng trong phong cách.
Ví dụ về mái tóc thì ngày xưa bà tôi bảo phụ nữ ở đây ai cũng chuộng tóc đen, càng suôn mượt, càng óng ả thì càng đẹp. Giờ để hợp thời các chị em cũng không ngại thay đổi màu sắc, kiểu dáng vô cùng sành điệu.
Nhưng lạ là dù thay đổi ngoại hình, vóc dáng của mình đến thế nào thì thứ duy nhất mà chị em ở miền Tây không bao giờ đổi đó chính là làn da. Đối với họ, da càng trắng thì sẽ càng đẹp, càng trắng thì càng sang - mặc đồ gì cũng đẹp. Nên để sở hữu một làn da trắng mịn không tì vết ở một nơi có thời tiết đôi phần có hơi khắc nghiệt thì đó là cả một sự kỳ công!
ĐỂ DA KHÔNG SẠM, CHỊ EM MIỀN TÂY RA ĐƯỜNG KHÔNG BAO GIỜ THIẾU COMBO SAU: NÓN LÁ + KHẨU TRANG KÍN NỬA MẶT + 2 LỚP ÁO + BAO TAY + VỚ CHÂN!
Bạn có từng bắt gặp ảnh những cô thiếu nữ ở miền Tây mặc đồ bộ hoa sặc sỡ, dù trời không nắng vẫn mặc khư khư cái áo khoác vải lụa, ghim trên cổ áo một vài cái ghim tây cố định, có người chống nắng nhiệt tình đến độ luôn mang bao tay xỏ ngón cùng cặp với màu da kéo đến đầu gối, chỉ trừ khi đi ngủ hoặc đi tắm thì mới có dịp lộ da. Ngoài do thời tiết mưa thuận gió hoà thì đó cũng được xem là một trong những lý do khiến phụ nữ miền Tây từ lớn đến bé, ai cũng trắng như ai.
Phụ nữ miền Tây che chắn rất kỹ
Phụ nữ miền Tây mỗi người có ít nhất 2 cái áo khoác mặc mỗi ngày luân phiên nhau, đó là chưa kể vớ và bao tay, nón lá, "bộ đồ nghề" này theo họ từ khi trời còn chưa kịp sáng đến khi mặt trời mất dạng.
Nó vừa thay kem chống nắng, vừa bảo vệ da, không trầy xước. Có người còn mặc hẳn 2 lớp áo khoác. Dưới lớp áo khoác ấy đúng thật là một làn da mơn mởn, không tỳ vết, với những cô gái da mỏng có khi còn để lộ cả đường gân xanh.
Phụ nữ Việt chuộng da trắng
CHỊ EM MIỀN TÂY CHUỘNG KEM TRỘN, NHƯNG LẠI CÓ LÝ CỦA NÓ ĐẤY!
Câu chuyện dưỡng da trắng của những cô thiếu nữ ở miền Tây còn được biết đến trên mạng xã hội nhiều nhất là về kem trộn.
Kem trộn miền Tây
Kem trộn miền Tây được biết đến hơn chục năm nay, là một loại kem dưỡng được pha trộn từ nhiều loại kem và thuốc khác nhau mà trong đó thành phần chủ yếu thường chứa Corticoid, Hydroquinone, Aspirin pH8, Acid trichloroacetic,... có tác dụng tẩy trắng, tẩy nám, bong da.
Công thức kem trộn còn tùy thuộc vào từng người, mỗi người một kiểu, không có công thức nhất định nào, chỉ có công thức được truyền từ đời mẹ sang đời con, cháu,... Đôi khi những người phụ nữ miền Tây còn dùng công thức kem là chuyện phím, ngồi hàng giờ liền để bàn.
Nhiều người phụ nữ miền Tây cho rằng việc sử dụng kem trộn và ủ trắng thông qua việc mặc áo khoác, mang vớ chân, bao tay thường xuyên. Đó chính là lý do vì sao người ta luôn thấy những người phụ nữ miền Tây che chắn rất kỹ lưỡng.
Ngày xưa, một số người phụ nữ còn có cách ủ trắng táo bạo là bôi kem trộn sau đó mặc áo mưa hoặc quấn bao ni lông xung quanh vùng bôi kem để ủ trắng.
Làn da trắng với người phụ nữ miền Tây là yếu tố quyết định họ có mặc đẹp không, có sang trọng không, có trẻ hơn không,... Bạn có nhìn thấy phụ nữ miền Tây đeo những bộ vòng, vàng rất thời thượng và đôi khi họ dưỡng trắng là chỉ để đeo vàng thôi đấy!
Đối với một số người, dưỡng da mỗi buổi tối là việc không thể thiếu. Có người còn nói vui rằng: "Tối nào mà không bôi kem là không ngủ được!".
Đôi khi dưỡng trắng chỉ để... mang vàng
Tóm lại:
Bạn tôi mất một hồi lâu mới đưa ra kết luận cho những câu chuyện về các thiếu nữ ở miền Tây, nhìn chung nó cũng chỉ là một câu chuyện để bàn chứ không phải để tranh cãi:
"Quan niệm về cái đẹp rất rộng lớn, nó bị chi phối bởi cảm nhận khách quan, chủ quan của mỗi người trong đó có cả yếu tố về văn hoá, môi trường sống và hoàn cảnh lịch sử, cái đẹp không đơn thuần là làm thỏa mãn cảm xúc của mỗi người, nó còn có nhiệm vụ truyền cảm hứng, trước kia những người hoàng hậu, đệ nhất phu nhân cũng lừng danh khi họ góp phần làm phát triển nhận thức của phụ nữ trong cuộc sống".
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.