Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê

3 tháng thất nghiệp để thực hiện giãn cách xã hội, 12 con người trong căn nhà vé số đã trải qua chuỗi ngày kinh khủng nhất. Có người may mắn đón được xe về quê, có người tiếp tục nuôi hi vọng ở tấm vé đổi đời. Và cũng có người đã mãi mãi nằm lại cùng Sài Gòn, vì Covid-19...

Khác với giấc mơ "đổi đời" từ những tấm vé số của người mua, người bán vé số ở Sài Gòn chỉ mong kiếm được chút tiền lời để đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngưng hoạt động bán vé số từ ngày 9/7 khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng, mất đi nguồn thu nhập. Thậm chí, có người đã ra đi…

Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê - Ảnh 1.

Những tấm vé số với giấc mơ "đổi đời" ở Sài Gòn

Căn nhà cô quạnh

Nằm sâu trong con hẻm 406 (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), căn trọ nhỏ là nơi sinh sống của 12 người bán vé số. Đặc điểm chung của họ đều đến từ Phú Yên, hầu hết là người già hoặc khuyết tật. Vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận rời vùng quê yên bình để vào Sài Gòn, lăn lộn cùng những tấm giấy lộn đủ màu sắc với giấc mơ "đổi đời".

 
 

Suốt 3 tháng qua, cô Lan cùng những người mắc kẹt lại Sài Gòn trong căn nhà vé số chỉ biết sống tằn tiện dựa vào tình thương của người khác

Ngày thành phố giãn cách, cô Lê Thị Lan (59 tuổi) quay trở về nhà với 7 tờ vé trúng thưởng (mỗi tờ 100 ngàn), cô tự nhủ 15 ngày nữa, cô sẽ ra đại lý đổi số, rồi quay lại công việc thường nhật. Nhưng mà hết 15 ngày này đến 15 ngày khác, ngót nghét đã 3 tháng trôi qua, cô vẫn phải chờ đợi.

20 năm bám trụ ở Sài Gòn, chưa bao giờ cô Lan lại cảm thấy sợ hãi đến vậy. Trong số 12 người cùng đi bán vé số, 8 người may mắn được hỗ trợ về quê, 4 người kẹt lại thì không may nhiễm Covid-19. Đau xót hơn, chú Nghi đã tạm dừng hành trình "đổi đời" của mình ở tuổi 57.

Đưa tay quệt nước mắt, cô Lan chua xót nói: "Cô bị kẹt lại từ tháng 7 đến giờ, sợ lắm, ở trong nhà miết có dám đi ra ngoài đâu. Nhưng rồi cả 4 người đều nhiễm, ông Nghi ổng nặng nhất, đi bệnh viện có mấy hôm rồi mất…".

Chuỗi ngày mắc Covid-19, 3 người trong căn nhà vé số đánh cược tất cả những gì còn lại của mình với tử thần. Không tiền bạc, không dụng cụ y tế, căn hẻm thì bịt bùng rào chắn, bệnh tật và đói khát cùng lúc ập đến khiến tất cả đều chết lặng.

"Gần 60 năm cô sống ở đời, chưa bao giờ nó lại khủng khiếp đến thế. Hồi xưa giặc đến mình còn biết đường mà chạy, đằng này chả biết chạy đi đâu, 3 người 3 góc, động viên nhau ăn cơm với mắm để khỏi lả đi mà chết", cô Lan bật khóc.

 
 
 
 

Căn nhà trọ vốn dĩ là nơi sinh hoạt của cả 12 người, nay chỉ còn cô Lan và chú Hương...

Ngồi cách cô Lan vài bước chân, chú Nguyễn Thanh Hương (66 tuổi) tựa đầu vào tường, thất thần. Sự ra đi của người bạn già bán vé số khiến chú Hương rùng mình: "Năm ngoái còn vượt qua được, năm nay sao mà khủng khiếp quá. Đầu óc cứ suy nghĩ, nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được".

"Cô sống sót là mừng rồi, tưởng đâu chết hết rồi chớ, con cái nó nghe tin nhiễm điện vô khóc quá trời. Từ ngày ổng mất (chồng cô Lan), cô đi bán vé số để phụ con nuôi cháu ăn học.

Làm mấy chục năm mà nghỉ mới có mấy tháng mà đói, nói ra chua xót thiệt vì bán ngày nào xoay xở ngày đó, có dư dả gì đâu", cô Lan trầm ngâm.

Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê - Ảnh 4.

Bị khuyết tật từ năm 12 tuổi, chú Hương sống ngày tháng chật vật dựa vào những tấm vé số

"Cô chú chỉ muốn về quê…"

11h trưa, cô Lan bắc nồi cơm rồi nhìn về phía chú Hương, giọng buồn bã.

3 tháng nghỉ bán vé số, bữa trưa của mọi người chỉ còn lại cơm trắng và vài quả trứng dằm nước mắm. Cũng nhờ tiền trợ cấp của Nhà nước, những người còn lại trong nhà vé số mới trụ được đến bây giờ.

 
 

Bữa cơm mắm của 2 mảnh đời bị kẹt lại ở Sài Gòn

"Cô chú sống nhờ vé số nhưng không có năm nào như năm nay. Năm ngoái cũng dịch mà nó hết, nên sau khi đăng ký về quê không được, cô ở lại chờ đợi, ngờ đâu nó dính luôn, mất hồn. Giờ cô chỉ mong có xe để về quê, về nghỉ ngơi đã chứ không dám trông đợi gì nữa. Nằm riết ở nhà có biết làm gì đâu…", cô Lan tâm sự.

Trước đây, mỗi ngày với 200 - 300 tờ vé số, sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, ai tằn tiện thì cũng dư được vài triệu để gửi về quê. Tuy không nhiều nhưng việc làm đều đặn, giờ dịch Covid bùng phát, cần câu cơm đã mất, họ chẳng biết trông chờ vào đâu…

Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê - Ảnh 6.

Cô Lan nghĩ về những ngày phía trước, mờ mịt và mông lung

"Nghe nói sắp tới phát hành vé số trở lại", giọng cô Lan hi vọng. Được một lúc, người phụ nữ lớn tuổi lại thở dài, hướng mắt về phía chú Hương, bỏ ngỏ: "Mà biết có đi bán được không?".

Trong khi đó, chú Hương ngả đầu vào tường, nghĩ ngợi. Năm ngoái, chú Hương cũng ở lại Sài Gòn, nhưng năm nay, sao mà mông lung quá…

 
 

Hơn 100 ký gạo được 12 người nhà vé số chia lại của mọi người để ăn dần, tuy nhiên dịch bệnh ập đến, 8 người đã về quê, 1 người mất vì Covid, căn trọ chỉ còn lại 3 người

Phận đời lênh đênh trong căn nhà vé số ở Sài Gòn: Người mất vì Covid-19, người mòn mỏi đợi chuyến xe cuối cùng để về quê - Ảnh 8.

Chú Hương chỉ mong được hỗ trợ để trở về quê nhà

"Không đi làm thì không có tiền, mà đi thì lo lắm, chú cứ nghĩ đến ổng (chú Nghi) rồi thấy người ta chết, quá sợ hãi. Chú cũng nghe vé số sẽ phát hành lại nhưng mà nay không bán được thì sau này bán, chú chỉ muốn về quê", chú Hương nói.

Trong căn trọ ọp ẹp, 2 người lặng lẽ nhìn nhau, thở dài. Những ngày sắp tới, họ không biết sẽ bám trụ ra sao khi tiền đã hết, cơm ngày ba bữa cũng chẳng đủ no…

 
 
 
 

Hi vọng và chờ mong điều bình an nhất sẽ đến để những phận đời nghèo khó bớt nỗi nhọc nhằn, ưu tư...

 

Theo kenh14.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang