Ngày nay, do công việc bận rộn cùng nhiều lý do khác mà có không ít phụ huynh giao con cho ông bà chăm sóc và nuôi dưỡng. Không thể phủ nhận những lợi ích của việc này như: Đỡ tốn kém chi phí, gia tăng mối quan hệ ông bà và cháu, bố mẹ có thời gian cho mình... thì những mâu thuẫn phát sinh cũng khiến người trong cuộc cảm thấy đau đầu.
Do sự khác biệt giữa hai thế hệ cùng những quan điểm trái ngược trong nuôi dạy con mà nhiều bố mẹ tỏ ra không hài lòng với ông bà. Thậm chí ở nhiều gia đình còn dẫn đến tình trạng mẹ chồng - con dâu không nhìn mặt nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống gia đình.
Mới đây, một phụ huynh tên Phượng My đã chia sẻ câu chuyện về vấn đề nhờ ông bà chăm sóc cháu, hy vọng sẽ có ích cho những bố mẹ đang sống trong gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt là có mâu thuẫn trong cách nuôi dạy và chăm sóc trẻ nhỏ.
''21 giờ, nhìn ra hẻm, tôi vẫn thấy bà cụ hàng xóm 75 tuổi cõng cháu đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Cậu bé 3 tuổi khóc nằng nặc đòi mẹ. Tôi hỏi chuyện, bà cụ nói: ''Hôm nay cuối tuần, ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng con gái đi dự tiệc nên chưa về''.
Là hàng xóm nhiều năm với bà cụ, tôi biết bà vất vả với cả cháu nội lẫn cháu ngoại cả chục năm nay. Các con bà đi làm về, ăn cơm xong rồi trông con, còn bà tiếp tục dọn dẹp, giặt giũ... 75 tuổi rồi mà phải làm hết cả việc của người trông trẻ, giúp việc nhà. Chưa kể khi cháu nghịch ngợm, té ngã bà lại bị con gái cằn nhằn: ''Có mỗi thằng cháu cũng chăm không xong!''.
Mẹ của em bé mãi đến 23h đêm mới về nhà, khi đó cả bà và cháu đã thấm mệt, nằm ngủ ở đất. Sợ con bị cảm lạnh, người mẹ lập tức dựng 2 bà cháu dậy, còn quát mắng rất to rằng bà không cho cháu nằm giường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu thì sao.
Hôm sau, bà cụ ốm và phải nhập viện. Tôi sang thăm và kể lại những hình ảnh mà người mẹ ấy chưa bao giờ nhìn thấy. Rằng bà đã cõng cháu ngược xuôi trên tấm lưng còng, bà chạy theo đút ăn vì sợ cháu đói, bà sợ cháu ngã không buồn quan tâm đến bản thân mình nên có mấy lần bị vấp sưng phù cả chân. Cũng chính bà tìm cách dỗ dành cháu khi đợi mẹ mãi không về. Người mẹ ấy sau khi nghe tôi nói thì nước mắt lưng tròng, hối hận xin lỗi mẹ''.
Hãy thương ông bà - người đã vất vả cả cuộc đời
Có nhiều bố mẹ vịn các lý do: đưa con đi gửi thì sợ người ta đánh, thuê người về nhà chăm thì không có tiền, nhìn qua nhìn lại chỉ thấy gửi cháu cho ông bà là... ổn nhất, vì ông bà thường thương cháu lại đỡ tốn tiền. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ỷ lại đã có ông bà chăm cháu nên khi tan sở lại còn tung tăng đi chơi với bạn bè đến tối mịt mới về. Ông bà vừa dỗ cháu ngủ vừa canh cửa để đợi con!
Ông bà đã hơn nửa cuộc đời chăm sóc các con, về già chưa được nghỉ ngơi thì lại chăm cháu. Ai có con nhỏ đều biết trông trẻ nhỏ rất mệt, cho ăn ngủ, tắm rửa, chạy theo đã ''hết hơi''. Thế nhưng, nhiều bố mẹ ỷ lại đã có ông bà chăm cháu nên khi tan sở lại còn tung tăng đi chơi với bạn bè đến tối mới về. Ông bà cao tuổi, lại lệ thuộc tài chính vào con nên đau lưng mỏi gối đến mấy vẫn chịu đựng.
Thương con nhưng cũng hay thương cha mẹ, các bạn ạ. Họ đã vất vả vì con rồi, đừng để họ vất vả thêm vì cháu!
Giải pháp để gia đình êm ấm?
Câu trả lời là không có giải pháp hoàn hảo 100%. Liệu cha mẹ có thật sự muốn nuôi dạy con theo cách của mình? Bạn có sẵn lòng chịu vất vả để con có được những thói quen tốt từ bé.
Giải pháp là ở gần, chứ đừng ở chung! Ở gần để vừa tiện bề thăm hỏi, chăm sóc lúc ông bà trăm tuổi. Ở riêng để dạy con theo ý mình, ông bà có sang chơi thì cũng về lại nhà mình, chứ có sống cùng đâu mà ảnh hưởng đến cháu!
Còn nếu không ở gần được thì cứ ở xa. Sắp xếp thời gian cố định tới lui thăm hỏi vẫn hơn là sống cùng nhưng ông bà ốm đau thế nào cũng chẳng hay biết.
Còn về phía ông bà thì sao? Có bao giờ bố mẹ hỏi các cụ xem có thích chăm cháu không? Hoặc nếu không phải chăm cháu thì các cụ sẽ làm gì?
Bởi vậy khi đã quyết định sống chung nhà (nếu không còn cách nào khác) thì hãy cố gắng vì nhau mà sống. Việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của bố mẹ, không phải của ông bà. Ông bà đã già cả nên họ chỉ giúp đỡ chứ không thể quán xuyến hay làm thay phần con cháu được.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.