Sắp tới, "Chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước"
Từ 6 giờ ngày 24/6 đến 6 giờ ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, chủ yếu đều ở trong khu cách ly.
Cụ thể, 99 trường hợp trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong khu cách ly, 14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện (bao gồm: 1 trường hợp khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; 1 ca tại Bệnh viện quận 12; 1 ca tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh; 2 ca tại Bệnh viện Đại học Y Dược; 2 ca tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; 2 ca tại Bệnh viện Thống Nhất; 1 ca tại Bệnh viện Quốc Ánh; 1 ca tại Bệnh viện quận Bình Tân; 1 ca tại Bệnh viện Ung bướu; 1 ca tại Trung tâm Y tế Thủ Đức và 1 tại Bệnh viện Vạn Hạnh), ghi nhận từ báo Thanh niên.
Chiều qua 25/6, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban định kỳ, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đây là ngày có số ca nghi nhiễm cao nhất trong đợt "sóng" dịch COVID-19 thứ 4 ở TP.HCM.
Theo nhận định của chủ tịch UBND TP, nhìn con số tổng thể ca nghi nhiễm hôm qua lớn, nhưng số này phát hiện hầu hết trong khu cách ly, khu phong tỏa. Ngoài cộng đồng chỉ có khoảng 10 trường hợp đang điều tra, mà những trường hợp này vẫn chưa thể khẳng định là chưa rõ nguồn lây.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, số bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch.
Hiện nay, 68% bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị không có triệu chứng, chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp). Trong khi đó, trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.
"Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời gian tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm. "Có thể chúng ta cần tính tới phương án "sống chung với lũ". Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước" - báo Tuổi trẻ ghi lời ông Dũng trong cuộc họp.
Vì sao ổ dịch Covid-19 ở TP HCM khó kiểm soát?
Báo Người lao động đăng tải phân tích của PGS-TS Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho thấy: "TP HCM phức tạp ở chỗ đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm, đa ổ dịch. Thành phố là nơi giao lưu rất rộng rãi trên cả nước nên nó rất là phức tạp, trên địa bàn đông đúc và chật hẹp như thế áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khó khăn.
Và đặc biệt là mối liên quan giữa TP HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Nội tại thành phố có các khu công nghiệp nên có sự lây đan xen giữa khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác. Ngoài các bệnh viện thì còn chợ dân sinh rồi các khu công nghiệp và nhiều các địa điểm cộng đồng khác cũng có những ca là đặc thù của đợt dịch này, và số ca mắc rất cao, cùng một lúc xét nghiệm được rất nhiều ca bệnh.
SARS-CoV-2 là biến chủng Delta từ Ấn Độ. Đây là chủng lây lan rất nhanh cộng với điều kiện môi trường dịch bệnh đông người, không gian kín, nhà ở công nhân chật chội tạo điều kiện cho nó lây lan. Phức tạp hơn rất nhiều các tỉnh khác là như vậy.
Vì đã để ổ dịch trong cộng đồng lây lan lâu rồi thì không biết được nguồn lây. Lây lan rộng nên có thể có những ca chạy ra nhiều nhánh, rồi có nhánh phát hiện được những nhánh không và nhiều chuỗi lây khác chứ không riêng gì ổ dịch truyền giáo. Có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng thì chúng ta không biết nó đi từ đâu. Như đợt vừa rồi thì có ca từ TP HCM đã đi ra tới Hải Phòng, Thái Bình. Chưa kể trong TP HCM những lúc giao lưu giữa phường nọ với phường kia, giữa quận nọ với quận kia và nó lây lan diện rộng. Đây là cái việc vì sao nó nguy hiểm như vậy.
Tôi hy vọng TP HCM rút kinh nghiệm đợt giãn cách trước. Tất nhiên là không thể khống chế được ngay nhưng dần dần sẽ khống chế được. Đợt trước giãn cách theo Chỉ thị 16 vẫn còn tụ tập đông người, người ra người vào, giãn cách chậm, làm như vậy thì không thể không chế dịch".
Tổng hợp
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/phat-hien-667-ca-mac-covid-19-trong-mot-ngay-tp-hcm-tinh-toi-phuong-an-song-chung-voi-lu-161212606112324223.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.