Cụ thể, biến thể lai này kết hợp gen của biến thể Delta và Omicron, được các nhà khoa học gọi là "Deltacron".
Theo các nhà nghiên cứu Pháp, Deltacron đã được xác định ở ít nhất 17 bệnh nhân ở Mỹ và Châu Âu.
Tác giả chính của nghiên cứu là ông Philippe Colson đến từ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo y khoa "IHU Mediterranee Infection" ở Marseille, Pháp.
Nghiên cứu vừa được đăng tải trên nền tảng medRxiv ngày 8/3 và hiện đang chờ bình duyệt.
Ảnh minh họa virus
Ông Colson cho biết: Vì có quá ít trường hợp được xác nhận nên còn quá sớm để biết liệu Deltacron có dễ lây lan hay gây ra bệnh nặng hay không.
Nhóm nghiên cứu của ông Colson đã mô tả ba bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm biến thể lai này với phần protein gai của Omicron và ‘phần thân’ của Delta.
Hai trường hợp nhiễm Deltacron khác cũng đã được xác định ở Mỹ, theo một báo cáo chưa được công bố của công ty nghiên cứu di truyền học Helix gửi cho medRxiv.
Các nhóm nghiên cứu khác cũng đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu kể từ tháng 1 - tất cả đều có protein gai của Omicron và thân của Delta.
Sự tái tổ hợp di truyền của coronavirus ở người xảy ra khi hai biến thể lây nhiễm vào cùng một tế bào của vật chủ.
Ông Colson cho biết: "Trong đại dịch SARS-CoV-2, hai hoặc nhiều biến thể đã cùng lưu hành trong cùng một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý... Điều này tạo cơ hội cho sự tái tổ hợp giữa hai biến thể này".
Chuyên gia cho biết thêm rằng nhóm nghiên cứu của ông đã đã thiết kế một xét nghiệm PCR "có thể nhanh chóng kiểm tra các mẫu dương tính với sự hiện diện của... virus này".
Các biến thể đáng lo ngại đang ‘ẩn náu’
Theo một nghiên cứu khác mới công bố của các nhà khoa học Tây Ban Nha, các biến thể đáng lo ngại trong tương lai có thể đang ‘ẩn náu’ trong các bệnh nhân ngày nay.
Nhiều hạt coronavirus bên trong người bị nhiễm COVID-19 có thể là những hạt bị đột biến, sau đó có thể biến thành một biến thể đáng lo ngại, theo một nghiên cứu được công bố ngày 8/3 trên Tạp chí Điều tra Lâm sàng.
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha, các biến thể đáng lo ngại trong tương lai có thể đang ‘ẩn náu’ trong các bệnh nhân ngày nay. (Ảnh minh họa)
Phân tích kỹ lưỡng các hạt virus thu được từ 10 người bị nhiễm biến thể Alpha ở Tây Ban Nha vào tháng 4 năm 2021, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số hạt đột biến giống với biến thể Omicron. Điều này không được chính thức xác định cho đến 7 tháng sau đó khi Omicron được phát hiện ở miền nam châu Phi.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy các đột biến đặc trưng của biến thể Delta và Iota trong nhóm bệnh nhân này.
Các nhà nghiên cứu cho biết: Mặc dù việc xác định biến thể chiếm ưu thế trong từng bệnh nhân có thể là đủ để chẩn đoán, nhưng việc giải trình tự gen kỹ lưỡng được sử dụng trong nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học theo dõi đột biến trong các hạt SARS-CoV-2 mà có thể phát triển thành các biến thể đáng lo ngại.
Đồng tác giả nghiên cứu, cô Celia Perales, Đại học Autonoma de Madrid, Tây Ban Nha, cho biết: "Loại virus nhân lên ở mỗi bệnh nhân trên thực tế là một hỗn hợp của các loại virus SARS-CoV-2 hơi khác nhau". Các virus khác nhau này chiếm tỷ lệ khác nhau trong toàn bộ "quần thể" virus, cô Perales phân tích.
Các biến thể chiếm thiểu số ở một người bị nhiễm COVID-19 có thể chiếm ưu thế ở người khác. Điều này xảy ra là do ngẫu nhiên hoặc do ‘lợi thế chọn lọc’ liên quan đến việc người bệnh đã tiêm vaccine hay chưa hoặc các yếu tố khác, nữ chuyên gia nói.
(Nguồn: Reuters)
https://soha.vn/phat-hien-kinh-ngac-ve-bien-the-sars-cov-2-lai-gai-cua-omicron-nhung-than-cua-delta-20220310081855067.htm
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.