Phụ huynh “đốt tiền” cho con đi học thêm, liệu có cần thiết?

Cứ mỗi năm học mới đến, chuyện “học thêm dạy thêm” lại trở thành chủ điểm nóng. Mỗi người một ý kiến, tựu chung lại cho con đi học thêm rốt cuộc là vì con hay vì bố mẹ?

Không học, sao theo nổi con nhà người ta

Chị Nguyễn Thị Minh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Bây giờ con nhà ai cũng đi học thêm, lên lớp cô cũng chỉ giảng qua mà nhiều học sinh như vậy không thể quan tâm hết được. Về nhà thì bố mẹ cũng bận. Mà tiểu học bây giờ khó lắm, chẳng biết dạy con thế nào. Không cho con đi học thêm thì theo sao nổi các bạn trên lớp”.

Cùng tâm lý với chị Minh, chị Thùy Liên (Đội Cấn) kể rằng: “Ban đầu tôi cũng không định cho con đi học thêm. Nhưng đi học được nửa năm đầu, cháu học chậm hơn các bạn, lại thường xuyên bị cô giáo phê bình vì viết xấu và làm tính chậm. Không ít lần cô gọi điện về phàn nàn với gia đình. Thấy tình hình vậy, từ học kỳ 2 tôi bắt đầu cho con đi học thêm, vì ở nhà bố mẹ cũng không biết kèm ra sao. Hơn nữa ở lớp cháu nào cũng đi học thêm nhà cô cả”.

Trăm nghìn lý do để cho con đi học thêm

Khác với chị Minh, chị Liên, anh Dũng (Cầu Giấy) lại quan điểm rằng: “Con tôi năm nay lên lớp 3 nhưng tôi vẫn không có ý định cho con đi học thêm. Chương trình tiểu học chưa có gì là quá khó đến mức cần thiết đi học thêm. Chúng ta cứ hô hào giảm tải chương trình học, mà lại cứ ép con đi học thêm thế thì tự thêm gánh nặng cho con.”

Vấn đề học thêm - dạy thêm đến nay vẫn là câu chuyện tranh cãi không có hồi kết giữa các phụ huynh. Nhiều người cho rằng, thời gian học trên lớp là không đủ để con lĩnh hội hết kiến thức, thêm nữa cô giáo cũng không thể quan tâm đầy đủ đến từng em. Trong khi đó, bố mẹ lại không nắm được kiến thức và phương pháp để kèm cặp con ở nhà. Vì thế việc học thêm ngoài giờ là cần thiết để ôn tập và củng cố kiến thức cho trẻ. Cũng không ít phụ huynh vì quá bận rộn, nên chọn cách ký gửi con cho cô giáo, vừa yên tâm mà con lại có thêm thời gian học hành, tiện cả đôi đường.

Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng việc học thêm là không cần thiết, đặc biệt là với trẻ tiểu học. Bởi chương trình học trên lớp đã được thiết kế đủ và phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh. Nhồi nhét quá chỉ khiến con mệt mỏi và chán học.

Học sinh tiểu học có cần thiết phải đi học thêm?

Theo các chuyên gia, bậc Tiểu học là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với trường học, bạn bè. Nội dung kiến thức ở bậc Tiểu học khá đơn giản và không có gì quá phức tạp. Bố mẹ chỉ cần đầu tư một chút thời gian là có thể hướng dẫn giúp con học tập tại nhà mà không cần phải đi học thêm.

Với chương trình học hiện nay ở phần lớn trường Tiểu học, các em đã dành tới 8 tiếng mỗi ngày để học tập trên trường, khi về nhà lại tiếp tục đi học thêm sẽ thực sự là quá tải. Chúng ta vẫn hàng ngày kêu gọi cải cách giáo dục, giảm tải chương trình học. Nhưng chính phụ huynh lại là những người làm tăng gánh nặng học tập lên con em mình bằng những buổi học thêm, học phụ đạo. Không chỉ học thêm với thầy cô, nhiều gia đình có điều kiện còn thuê gia sư về phụ đạo thêm cho con hàng ngày.

Những đứa trẻ mệt nhoài vì học

Việc cho trẻ đi học thêm quá sớm dễ khiến các em ỷ lại, lười suy nghĩ mà trông chờ vào việc kèm cặp, ôn luyện của giáo viên, gia sư... Bên cạnh đó, học sinh tiểu học đang trong độ tuổi phát triển cả về trí tuệ và thể chất, khả năng tập trung còn thấp, mặc dù hoạt động chủ đạo đã chuyển từ vui chơi sang học tập, song chủ yếu vẫn là hình thức vừa học vừa chơi. Việc ép con học quá nhiều sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần, trẻ sợ học và càng lười học hơn. Khi bị ép buộc, trẻ học một cách máy móc và thụ động. Vì không có niềm yêu thích và say mê nên các em tư duy một cách chống đối, coi việc học như một nhiệm vụ khó khăn. Chính điều đó làm hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển tư duy ở trẻ.

Vì vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy ngừng tâm lý sợ con không bằng bạn bằng bè rồi cố ép bé đi học thêm. Việc học thêm chưa biết có mang lại lợi ích thực sự hay không, chỉ biết rằng có những đứa trẻ chỉ nghe thấy chữ “học” thôi đã thấy sợ hãi và run rẩy. Hãy để trường học là nơi con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, bé thực sự hứng thú hòa mình vào việc học tập để khám phá những miền đất tri thức đầy mới mẻ và thú vị. Đừng để con ngày ngày tới lớp trong trạng thái mệt rũ người và uể oải như bị đày đọa.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang