Phụ nữ Afghanistan khổ nhục thế nào dưới thời Taliban hơn 2 thập kỉ trước mà trở thành nỗi ám ảnh đến tận bây giờ?

Hơn 20 năm rồi, phụ nữ Afghanistan được làm chủ cuộc đời nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tính bằng ngày bằng tháng, không ai chắc cái gọi là 'làm chủ' ấy có còn nữa hay không?

"Là một phóng viên ảnh chuyên đưa tin về Afghanistan trong suốt 2 thập kỷ qua, tôi tận mắt thấy những người phụ nữ của đất nước này đã vất vả như thế nào để đấu tranh cho tự do của họ và họ đã đạt được thành tựu ra sao. Giờ đây, họ đứng đấy, nhìn tất cả công sức của mình hóa thành tro bụi". Đó là lời tâm sự chua xót của nữ phóng viên Lynsey Addario khi viết về chuyện đang xảy ra tại Afghanistan những ngày gần đây. Cô thương cho thân phận phụ nữ và thương cho cả những gì họ bị cướp đi.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 1.
 

Ngày 16/8, trên tạp chí The Atlantic, Lynsey Addario đã có một bài tâm sự dài để kể hết những điều cô đã mắt thấy, tai nghe trong quãng thời gian sống ở đất nước Afghanistan, về cuộc sống của những phụ nữ sống dưới thời Taliban và cả những đổi thay của họ khi Taliban bị thất thế. Hơn 20 năm rồi, phụ nữ Afghanistan được làm chủ cuộc đời nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tính bằng ngày bằng tháng, không ai chắc cái gọi là "làm chủ" ấy có còn nữa hay không?

Trận đòn vô cớ làm thay đổi cuộc đời một phụ nữ

Buổi sáng mùa hè năm 1999, Shukriya Barakzai thức dậy với cảm giác chóng mặt và sốt. Theo quy định của Taliban, cô cần một Maharram (tức một người giám hộ nam) nếu muốn rời khỏi nhà đi khám bệnh. Chồng cô đi làm, và cô thì chẳng có con trai. Vì vậy, Shukriya nghĩ ra cách cạo đầu đứa con gái 2 tuổi của mình, mặc đồ nam cho cô bé để làm người giám hộ, và khoác lên mình chiếc Burqa.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 2.

Một bé gái 11 tuổi tự học tại nhà vào năm 2020, vài năm sau khi gia đình em chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh và tình trạng mất an ninh diễn ra ở tỉnh Ghazni, Afghanistan.

May là, những nếp gấp màu xanh của chiếc Burqa che khuất các đầu ngón tay của Shukriya. Bởi cô sơn móng tay màu đỏ nên vi phạm lệnh cấm của Taliban. Shukriya nhờ một người hàng xóm là phụ nữ đi cùng đến gặp bác sĩ ở trung tâm thành phố Kabul. Khoảng 4h30' chiều, họ rời phòng khám với một đơn thuốc. Cả 3 người đang đi về phía hiệu thuốc thì một chiếc xe tải chở vài lính Taliban tiến đến. Họ thường xuyên ngồi trên những chiếc xe bán tải đi vòng quanh Kabul tìm người Afghanistan "vi phạm quy tắc đạo đức" mà họ đặt ra để bêu xấu và trừng phạt.

Mấy tên lính nhảy ra khỏi xe tải và dùng dây cáp làm bằng chất liệu cao su quất liên tục vào người Shukriya cho đến khi cô ngã xuống. Khi họ nói xong, Shukriya đứng dậy, khóc nức nở. Cô bị sốc và nhục nhã. Cô chưa từng bị đánh như thế bao giờ.

"Bạn có quen thuộc với thứ mà chúng tôi gọi là bạo dâm không?", Shukriya hỏi tôi. “Giống như thể họ chẳng cần lý do, họ chỉ muốn đánh bạn, làm hại bạn, không tôn trọng bạn. Chỉ đơn giản là họ thích như thế. Ngay cả lý do để đánh cũng chẳng có”.

Shukriya ghi nhớ khoảnh khắc nhục nhã đầy căm phẫn ấy để bắt đầu quãng đời sống với tư cách là một nhà hoạt động nhân quyền. Trước khi thủ đô của Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến năm 1992, Shukriya đã theo học ngành khí tượng thủy văn và địa vật lý tại Đại học Kabul. 

Taliban khi đó là một lực lượng dân quân tương đối mới, họ nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào năm 1996, và kể từ đó, phụ nữ Afghanistan buộc phải bỏ học. Khi Shukriya bình phục sau vụ đánh đập vô cớ, cô đưa ra quyết định: Cô sẽ tổ chức các lớp học "chui" cho các bé gái tại khu chung cư rộng lớn nơi cô và gia đình sinh sống. Ở đó có khoảng 45 hộ. Sau đó, Shukriya tiếp tục giúp soạn thảo hiến pháp của Afghanistan và phục vụ 2 nhiệm kỳ trong Quốc hội.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 3.

Các giáo viên nữ tham dự cuộc họp về việc mở cửa trở lại trường học tại tòa nhà Trụ sở Giáo dục ở Kandahar, Afghanistan, ngày 19 tháng 12 năm 2001 (hình bên trái). Các học sinh trường Hazara theo học tại trường Marefat ở ngoại ô thủ đô Kabul vào ngày 10 tháng 4 năm 2010 (hình bên phải).

Những ký ức mãi là nỗi ám ảnh

Tôi đến Afghanistan lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2000, khi tôi 26 tuổi. Vào thời điểm đó, tôi đang sống ở Ấn Độ, chuyên đưa tin về các vấn đề phụ nữ ở Nam Á với tư cách là một phóng viên ảnh, và tôi rất tò mò về cuộc sống của những phụ nữ sống dưới thời Taliban. 

Afghanistan lúc đó đang có chút yên bình sau 20 năm chìm trong xung đột, bạo lực. Giữa những năm 1990, Taliban hứa sẽ chấm dứt bạo lực, và nhiều người Afghanistan, những người gần như đã kiệt sức vì nhiều năm sống trong bất an và bị tàn phá không ngừng, không còn muốn chống lại lực lượng nổi dậy này nữa. Nhưng để có được hòa bình thì họ phải trả giá bằng nhiều quyền tự do xã hội, chính trị và tôn giáo.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 5.

Những người phụ nữ đi bộ trở về làng ở tỉnh Badakhshan sau khi đến một phòng khám tiêm chủng vaccine và chăm sóc sức khỏe bà mẹ vào tháng 11 năm 2009. Thời điểm đó, khu vực này có tỷ lệ thai phụ tử vong cao nhất ở Afghanistan, một phần là do hệ thống giao thông kém.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 6.

Phụ nữ được tư vấn sức khỏe trước và sau khi sinh ở làng Charmas, một vùng sâu vùng xa của tỉnh Badakhshan, tháng 8 năm 2009.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 7.

Một phụ nữ chuyển dạ tại Bệnh viện Phụ nữ Rabia Balkhi ở Kabul vào năm 2000. Dưới thời Taliban, hầu hết phụ nữ bị cấm làm việc, nhưng một số phụ nữ được chọn làm hộ sinh (hình bên trái). Các nhân viên y tế nữ đang chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời ở Faizabad, Badakhshan năm 2009 (hình bên phải).

Vào thời điểm tôi đến Afghanistan lần đầu tiên, Taliban đã thực hiện việc tuyên truyền đạo luật Sharia (luật Hồi giáo). Theo đó, phụ nữ và trẻ em gái bị cấm học hành trong hầu hết mọi hoàn cảnh, và phụ nữ (ngoại trừ các bác sĩ nữ được tuyển chọn, đã được phê duyệt) không được phép làm việc bên ngoài nhà của họ hoặc thậm chí không được ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng. 

Phụ nữ ra ngoài bắt buộc phải mặc Burqa, một loại trang phục truyền thống bó sát đầu và trùm kín đến mắt cá chân, che kín hoàn toàn cơ thể. Tất cả các hình thức giải trí bị cấm đối với mọi người: Không âm nhạc, không truyền hình, không giao lưu giữa người với người ngoài gia đình (kể cả là cùng giới).

Hầu hết những người Afghanistan có học thức đã chạy sang nước láng giềng Pakistan và những nơi khác; những người ở lại phải thay đổi cuộc sống của họ để phù hợp với sự sai khiến của chế độ áp bức.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 7.
 

Khi đến đó, tôi phải tìm cách di chuyển khắp Afghanistan với một người đàn ông luôn đi bên cạnh và cố gắng chụp ảnh mà không bị bắt (việc chụp ảnh bất kỳ sinh vật sống nào cũng bị cấm dưới thời Taliban). Tôi đã liên hệ với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (một trong số ít các tổ chức quốc tế vẫn còn hoạt động ở Afghanistan) và một cơ quan của Liên hợp quốc chuyên giúp đỡ những người bị thương tật do bom mìn. Các tổ chức này đã bố trí những người đàn ông hộ tống tôi, có cả tài xế và phiên dịch viên. Chúng tôi đi qua các tỉnh Ghazni, Logar, Wardak, Nangarhar, Herat và Kabul để lén chụp ảnh và phỏng vấn phụ nữ Afghanistan.

Từ tháng 5/2000 đến tháng 3/2001, trong 3 chuyến đi, tôi đã di chuyển khắp Afghanistan với chiếc máy ảnh giấu trong một cái túi nhỏ. Tôi đến thăm nhà riêng, bệnh viện phụ nữ, trường học bí mật dành cho nữ sinh. Tôi đã được dự đám cưới dưới lòng đất, nơi nhạc phim Titanic vang lên trong những bức tường bê tông dưới tầng hầm, đàn ông và phụ nữ trang điểm đậm (cả sơn móng tay) nhảy múa xung quanh để thể hiện một niềm vui thuần khiết - một niềm vui giản đơn nhưng có thể bị trừng phạt nếu bị phát hiện.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 8.

Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát mới đây, 4 người phụ nữ này đã từng được ra ngoài làm việc. Vào tháng 5 năm 2000, khi những bức ảnh này được chụp, những phụ nữ lao động Afghanistan đã phải làm bạn với 4 bức tường.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 9.

Hai bé gái tại một salon làm tóc, trang điểm cho đám cưới của một người họ hàng ở Kabul vào năm 2009 (hình bên trái). Một đám cưới dưới lòng đất ở Herat được tổ chức vào tháng 3 năm 2001. Cả nhóm nhảy theo nhạc phim Titanic và âm nhạc Iran (hình bên phải).

Có lẽ sự im lặng cam chịu của cuộc sống dưới thời Taliban gây ấn tượng với tôi hơn bất cứ điều gì. Rất ít xe hơi, không âm nhạc, không TV, không điện thoại và không có cuộc trò chuyện tán gẫu trên vỉa hè.

Những con đường bụi bặm tấp nập những góa phụ mất chồng trong cuộc chiến kéo dài. Họ bị cấm làm việc, cách duy nhất để họ duy trì sự sống là... đi ăn xin. Ai cũng mang vẻ sợ hãi, từ trong nhà ra ngoài. Những người dũng cảm lắm cũng chỉ dám lí nhí lời nói trong miệng, vì sợ kích động Taliban đánh đập bởi mọi lí do, chẳng hạn như không có bộ râu đủ dài (đối với nam giới) hoặc Burqa không đủ dài (đối với phụ nữ), hoặc đôi khi chẳng vì gì cả.

Những trận đấu bóng đá ở Sân vận động Ghazi (Kabul) được thay thế bằng các cuộc hành quyết công khai vào các ngày thứ Sáu hàng tuần, sau khi cầu nguyện. Những thủ lĩnh Taliban sử dụng xe ủi đất hoặc xe tăng để lật đổ bức tường đè chết những người đàn ông bị cáo buộc là... đồng tính. Ăn trộm bị chặt tay, những kẻ ngoại tình thì bị ném đá đến chết.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 10.

Farzana, một phụ nữ đã tự thiêu sau khi bị chồng đánh đập, đang tập đứng nhờ sự giúp đỡ của mẹ. Cô chuẩn bị đến một phòng khám tư ở Herat vào tháng 8 năm 2010.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 11.

Rika, bị mẹ kế tạt axit vào mặt khi còn là một cô gái, trang điểm trong phòng của cô tại nơi trú ẩn do Phụ nữ Afghanistan điều hành ở Kabul vào tháng 5 năm 2014 (hình bên trái). Mẹ của Hanife (15 tuổi) chăm sóc cô tại bệnh viện khu vực Herat vào tháng 8 năm 2010. Hanife đã cố gắng tự tử bằng cách tự thiêu sau khi bị mẹ chồng đánh đập (hình bên phải).

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 12.

Maida-Khal (22 tuổi) đang gào khóc đòi công bằng trong phòng giam sau khi một tù nhân khác được thả ra khỏi nhà tù Mazar-e Sharif. Khi Maida-Khal 12 tuổi, cô kết hôn với một người đàn ông 70 tuổi bị liệt. Không thể chăm sóc tốt cho chồng, cô bị anh em của ông ta đánh đập. Khi cô đòi ly hôn thì bị bắt vào tù.

Trong những chuyến đi này, tôi đã chứng kiến sức mạnh và sự kiên cường của những người phụ nữ Afghanistan. Tôi thường tự hỏi mình rằng Afghanistan sẽ ra sao nếu Taliban thất thủ. Tôi tưởng tượng rằng những người đàn ông và phụ nữ, đón tiếp tôi bằng lòng hiếu khách, sự hài hước và sức mạnh tuyệt vời như vậy, sẽ có cuộc sống tốt đẹp, và những người Afghanistan đã bỏ trốn khỏi đất nước của họ cuối cùng cũng có thể trở về nhà.

Sự vùng lên mạnh mẽ đầy cương quyết

Vài tháng sau đó xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001, và tiếp đến là cuộc đổ bộ đến Afghanistan của Mỹ. Taliban sụp đổ, phụ nữ nhanh chóng chứng tỏ giá trị của mình đối với công cuộc tái thiết và điều hành đất nước. Có rất nhiều niềm lạc quan, quyết tâm và niềm tin vào sự phát triển và tương lai của Afghanistan. Nhưng ngay cả khi Taliban bị "thổi bay" khỏi hệ thống lãnh đạo của các thành phố và làng mạc, nhiều tư tưởng bảo thủ của họ, vốn có nguồn gốc sâu xa trong xã hội Afghanistan, vẫn tồn tại.

Tôi đã chụp được những bức ảnh cho thấy sự thất bại của Taliban ở Kandahar vào cuối năm 2001, và trong 2 thập kỷ sau đó, tôi đã quay trở lại đất nước này hàng chục lần với chiếc máy ảnh trên tay.

Từ Kabul đến Kandahar đến Herat đến Badakhshan, tôi chụp ảnh những phụ nữ đi học, tốt nghiệp đại học, được đào tạo làm bác sĩ phẫu thuật, làm nữ hộ sinh, ứng cử vào Quốc hội và phục vụ trong chính phủ, được lái xe, được đào tạo để trở thành cảnh sát, được đóng phim, được làm việc - với tư cách là nhà báo, dịch giả, người dẫn chương trình truyền hình, cho các tổ chức quốc tế. Nhiều người trong số họ phải đối mặt với tình trạng không thể cân bằng được công việc ở cơ quan và việc nuôi dạy con cái.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 13.

Người Afghanistan di tản khỏi làng Garooch, nghỉ ngơi trong một lều trại ở sa mạc Metalan vào ngày 14 tháng 2 năm 2009 (hình bên trái). Bà Rabia, một nạn nhân của vụ đánh bom ở tỉnh Helmand, ngồi trong một trại tị nạn ở ngoại ô Kabul vào tháng 12 năm 2008. Rabia bị mất một chân trong vụ đánh bom; chồng và con trai của bà đều thiệt mạng trong cuộc tấn công, xảy ra trong cuộc đụng độ giữa Taliban và quân đội NATO.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 14.

Christina Oliver, 25 tuổi, một lính thủy đánh bộ Mỹ, cởi mũ bảo hiểm đưa cho một cô gái Afghanistan. Oliver tham gia chiến dịch đánh đuổi Taliban khỏi khu vực để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội ở miền Nam Marjah, Afghanistan vào tháng 9/2010.

Những người phụ nữ làm nên lịch sử

Một trong những người tôi gặp trong các chuyến đi của mình là Manizha Naderi, người đồng sáng lập Tổ chức Phụ nữ vì Phụ nữ Afghanistan. Trong hơn một thập kỷ ở Afghanistan, tổ chức của cô đã giúp tạo ra một mạng lưới các nhà tạm lánh và các dịch vụ hòa giải, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho những phụ nữ Afghanistan có vấn đề về gia đình, là nạn nhân của lạm dụng hoặc đang ở trong tù mà không có người giám hộ. 

Naderi hiện sống cùng gia đình ở New York. Trong lần nói chuyện gần đây, tôi hỏi rằng liệu cô ấy có nghĩ mọi thứ đã trở nên tốt hơn đối với phụ nữ Afghanistan trong 2 thập kỷ qua hay không. “Hoàn toàn có thể”, cô ấy trả lời. “Trước khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan, chúng tôi chẳng có gì, không có cơ sở hạ tầng, không có hệ thống luật pháp, không có hệ thống giáo dục, trống rỗng. Và trong 20 năm qua, mọi thứ đã được tái tạo trên khắp đất nước, từ giáo dục, hệ thống luật pháp, xã hội, kinh tế… Phụ nữ đã có được mọi thứ. Mà không chỉ phụ nữ, người Afghanistan nói chung đã vươn lên rất nhiều”.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 15.

Vào tháng 3 năm 2014, phụ nữ Afghanistan đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tại một trung tâm do Ủy ban Bầu cử Độc lập Afghanistan điều hành ở Shah Shaheed, Kabul.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 16.

Shukriya Barakzai vận động bầu cử quốc hội trước cổng trường Đại học Kabul vào 2005 (hình bên trái). Fawzia Koofi, một nghị sĩ, gặp gỡ các cử tri tại nhà của cô vào tháng 4 năm 2010 (hình bên phải).

Fawzia Koofi, một phụ nữ khác mà tôi quen ở Afghanistan, đã dành cả cuộc đời cho đất nước, kể từ khi Taliban nắm quyền vào năm 1996. Những năm 1990, cô lập ra một mạng lưới các trường nữ sinh bí mật tại tỉnh Badakhshan, quê hương của cô. 

Fawzia cũng là thành viên Quốc hội từ năm 2005 đến năm 2019, và là một trong những người đại diện của Afghanistan trong các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban trước khi quân đội Mỹ rời khỏi đất nước. Khi tôi gặp cô ấy lần đầu tiên, vào năm 2009, cô ấy đang đi thị sát quanh Kabul, theo sau là một đội nhỏ gồm các cố vấn nam và một nhân viên an ninh. 

Cô ấy trở về nhà sau những ngày dài ở Quốc hội và có sẵn một hàng cử tri đứng trước cửa nhà cô ấy cầu xin nói lên mối quan tâm của họ về nhiều vấn đề. Cô ấy cũng một mình nuôi 2 cô con gái nhỏ; chồng cô ấy đã chết vì bệnh lao vào năm 2003, khi ấy anh đang bị Taliban giam cầm. Fawzia dường như không bao giờ dừng lại, hoặc thậm chí mệt mỏi. Taliban đã hai lần cố gắng ám sát cô. Cô luôn mang theo một lá thư viết tay cho các con gái của mình để đề phòng.

Khi tôi gọi điện cho Fawzia vài tuần trước ở Kabul, Taliban đã nắm quyền kiểm soát nhiều vùng trên khắp đất nước. Fawzia tỏ ra hoài nghi về những lời hứa của lực lượng này rằng họ sẽ tiếp tục cho phép phụ nữ Afghanistan tự do học tập và làm việc bên ngoài gia đình. Cô trích dẫn sự khác biệt hoàn toàn giữa những gì các quan chức Taliban đã nói trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar và những việc mà binh lính của họ gây ra.

“Thành thật mà nói, tôi không sợ bị ám sát”, Fawzia nói với tôi. "Tôi sợ đất nước một lần nữa rơi vào hỗn loạn".

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 17.

Các nữ cảnh sát Afghanistan được huấn luyện bắn súng.

Khi Taliban tràn vào các thành phố, Fawzia đã dành phần lớn thời gian của mình để gọi điện động viên những người đang sợ hãi. Cô cảm thấy thất vọng vì chỉ có thể an ủi họ. Ngay trước khi tôi nói chuyện với Fawzia, một phụ nữ mang thai đã gọi cho cô ấy từ Faizabad, thủ phủ của Badakhshan - nơi tôi đã đến thăm vào năm 2009 để ghi lại con số về tỷ lệ thai phụ tử vong trong quá trình sinh nở.

Trong suốt thập kỷ qua, nhiều tiến bộ khác nhau đã làm giảm con số đó. Người phụ nữ gọi điện cho Fawzia cần phải sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai, nhưng Taliban kiểm soát nghiêm ngặt và cô ấy lo sợ không thể đến bệnh viện để làm thủ tục. Cô ấy chỉ còn 3 tuần nữa là đến ngày sinh nở, và không có cách nào để rời khỏi nhà. Cô ấy có thể làm gì? Nếu người phụ nữ không thể sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai, cô ấy có thể chết, nhưng Fawzia không có cách nào để giúp Kabul. Tuần trước, Faizabad đã rơi vào tay Taliban.

Gần đây, giá Burqa đã tăng gấp đôi, và trong một số trường hợp còn "phá giá" hơn nữa. Cuối tuần qua, khi Taliban bao vây Kabul, tôi đã hỏi thăm tình hình của Fawzia và liệu cô ấy đã sơ tán chưa. Cô ấy đã trốn khỏi nhà hôm 16/8 và hiện đang trốn ở Afghanistan.

“Không có ai giúp đỡ”, cô ấy nói với tôi. "Bạn có thể nói chuyện với người Mỹ không?". Tôi đã nhận được những tin nhắn WhatsApp như thế này hàng ngày từ các dịch giả nữ và những người tôi quen biết. Họ bày tỏ sự sợ hãi và hỏi tôi làm thế nào để thoát khỏi Afghanistan.

Tôi cũng không biết trả lời ra sao. Tôi không biết họ có thể đi đâu. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với phụ nữ ở Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 18.

Các nữ diễn viên Afghanistan, trong xe hơi và trên phim trường.

Phụ nữ Afghanistan từng sống thế nào dưới thời Taliban cai trị? - Ảnh 19.

Các nữ sinh viên tốt nghiệp khoa ngôn ngữ và văn học của Đại học Kabul vào năm 2010.

Tất cả những gì tôi biết là những người phụ nữ tôi gặp 20 năm qua đã khiến tôi kinh ngạc về sự quyết tâm và trí thông minh của họ. Họ đã khiến tôi vỡ òa trong tiếng cười và cả những giọt nước mắt. Tôi nghĩ về buổi chiều rực rỡ ở Kabul vào năm 2010 khi tôi ngồi trên ghế phụ trong chiếc ô tô của một nữ diễn viên người Afghanistan. Khuôn mặt xinh đẹp được trang điểm kỹ càng và mái tóc không cần che đậy, cô ấy bật bài hát và nhún nhảy người khi tay cầm vô lăng. Cô ấy cười, tôi cũng cười, và tôi nghĩ về thành quả của những người phụ nữ Afghanistan.

Taliban không thể cướp những thứ mà phụ nữ Afghanistan đã cất công xây đắp trong suốt 20 năm qua - trình độ học vấn, động lực làm việc, hương vị tự do...

Và có một thế hệ phụ nữ Afghanistan mới ngày nay, những phụ nữ không thể nhớ cuộc sống dưới thời Taliban là như thế nào. “Họ tràn đầy năng lượng, hy vọng và ước mơ”, Shukriya Barakzai nói với tôi. “Họ không giống tôi, như tôi đã từng 20 năm trước. Họ cảnh giác hơn. Họ đang chan hòa với thế giới. Không phải Afghanistan đã bị thiêu rụi trong một cuộc nội chiến. Đó là một Afghanistan phát triển, tự do, với các phương tiện truyền thông tự do, với phụ nữ tự do", Barakzai nói. "Taliban đang chiếm lãnh thổ nhưng không thể chiếm được trái tim và khối óc của con người".

*Lynsey Addario là một phóng viên ảnh và là tác giả của "Love and War" và cuốn hồi ký bán chạy nhất mang tên "It's What I Do" của New York Times*

Nguồn: The Atlantic

 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/phu-nu-afghanistan-kho-nhuc-the-nao-duoi-thoi-taliban-hon-2-thap-ki-truoc-ma-tro-thanh-noi-am-anh-den-tan-bay-gio-162211808203608154.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang