Phụ nữ có vòng eo vượt quá số đo này có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn hẳn

Các chuyên gia đã khuyến cáo: Kích thước vòng eo chính là thước đo tim mạch tốt hơn cả chỉ số khối cơ thể (BMI).

 

Nhiều người biết rằng thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS) cho thấy rằng vị trí của chất béo trên cơ thể mới là điều quan trọng nhất. 

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của gần 700 phụ nữ sau mãn kinh và kết quả mà các nhà khoa học thu được là: Chất béo tích tụ quanh eo khiến một người có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn cả việc dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI. Nghiên cứu mới cho thấy những phụ nữ có vòng eo từ 85cm trở lên có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn đáng kể.

so-do-vong-eo-1

"Không phải tất cả chất béo đều giống nhau, và chất béo tập trung ở vị trí trung tâm thì đặc biệt nguy hiểm vì nó có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, sát thủ số một của phụ nữ", tiến sĩ, bác sĩ Stephanie Faubion, giám đốc y tế của NAMS nói.

Những kết quả này còn đặc biệt phù hợp với phụ nữ mãn kinh, những người có xu hướng tăng mỡ bụng. Điều này là do estrogen bảo vệ hệ thống tim mạch của phụ nữ trước khi mãn kinh, nhưng nồng độ estrogen của phụ nữ giảm trong và sau khi mãn kinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

"Ngay cả những phụ nữ có chỉ số BMI bình thường nhưng có mỡ bụng dư thừa cũng có nguy cơ cao. Bởi vậy, cần có các biện pháp cải thiện lối sống để khỏe mạnh", tiến sĩ Faubion nói.

Nghiên cứu cũng nhắc lại một báo cáo năm 2018 của NHS Hoa Kỳ chỉ ra rằng vòng eo rất lớn (trên 102cm đối với nam và 88cm đối với nữ) làm tăng khả năng mắc bệnh tim ở những người từ 35 tuổi trở lên.

so-do-vong-eo-2

Béo phì, được định nghĩa là chỉ số BMI lớn hơn 30, từ lâu đã được biết đến như một yếu tố rủi ro đối với bệnh tim và thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên, BMI không tính đến nơi lưu trữ chất béo trong cơ thể chúng ta, chẳng hạn, 2 người có cùng chiều cao có thể có chỉ số BMI là 29, nhưng có vị trí tích tụ mỡ trên cơ thể hoàn toàn khác nhau. Một người có thể là một vận động viên thể hình, sở hữu một khối lượng cơ bắp lớn, trong khi người kia có thể bị thừa cân do ăn uống không lành mạnh, có khả năng có một lượng lớn chất béo nội tạng - loại nguy hiểm, thường được lưu trữ quanh bụng. Do vậy, nguy cơ bị bệnh mạch vành của 2 người này cũng không giống nhau.

Tin tốt là phần lớn bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được thông qua các thói quen lối sống mà chúng ta thực hiện.

Theo Mayo Clinic, thiếu hoạt động thể chất, thừa cân và hút thuốc là một trong những hành vi chính liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tránh những thói quen xấu này, kết hợp tăng cường vận động sẽ giảm thiểu nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch.

Theo Mirror

 

Theo helino.ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang