Phụ nữ đương nhiên phải làm việc nhà hay chuyện cứ giỏi thì việc khó tất nhiên phải đảm đương

Tư tưởng 'nắm kẻ có tóc' đã khiến nhiều người giỏi giang, biết việc trở nên lao đao vì bị dồn việc, ép việc mà đôi khi không hề được công nhận đúng mực.

Sau khi cuộc sống hôn nhân vốn từng được đánh giá là đẹp như mơ của Goo Hye Sun và Ahn Jae Hyun tan vỡ, dân tình lại thêm phẫn nộ trước một phát ngôn gia trưởng, tỏ rõ sự phân biệt giới tính của nam diễn viên, khi nam diễn viên chia sẻ rằng việc nhà hầu hết là do vợ đảm nhận vì: "Tôi chỉ nghĩ rằng: 'Ồ, cô ấy là một người dọn dẹp giỏi đấy' thôi".

Câu nói của Ahn Jae Hyun nêu ra 2 vấn đề lớn, một là "giỏi (hay biết) thì phải làm", hai là sự ỷ lại và tâm lý việc nhà là của phụ nữ, vốn còn tồn tại rất nhiều trong nhiều xã hội Á Đông nam quyền gia trưởng. 

Vì em giỏi nên em… phải làm

Thật đáng buồn khi trong thời buổi hiện đại, khi báo đài, internet ra rả về một xã hội nam nữ bình đẳng, thì suy nghĩ "việc nhà là của phụ nữ" vẫn hằn sâu trong tâm thức của rất nhiều người. Trong tư tưởng nhiều nam giới việc phụ nữ làm việc nhà là điều tất yếu, vì đó là trách nhiệm và bởi vì cô ấy biết việc. 

Không ít trường hợp người phụ nữ chấp nhận mình biết/ giỏi việc nhà, phải cáng đáng và toàn tâm toàn ý cho việc nội trợ nhưng kết quả nhận được lại là sự khinh rẻ, bị coi là kẻ ăn bám hoặc nhẹ nhàng hơn là không được ghi nhận đúng mức về công sức mình bỏ ra.

Trong con mắt của nhiều "trụ cột gia đình" và xã hội, phụ nữ nội trợ thật sung sướng, bởi họ không phải làm việc gì nặng nề cả, không phải vất vả đội mưa nắng làm việc, không bị sếp mắng, không bị áp deadline, định mức công việc, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác. Vì thế, thật khó có thể tha thứ nếu con nay ốm mai đau, nếu nhà cửa bộn bề đồ chơi, nếu bản thân họ bù xù, lôi thôi. 

1

Họ tất nhiên cũng không có quyền than thở mệt mỏi hay áp lực, không được phép bắt người đi làm – vốn đã quá căng thẳng với việc cơ quan – trông con hộ một lúc để đi tắm hay đi vệ sinh, vì một lẽ đơn giản: "Ở nhà cả ngày, có việc gì đâu mà…". 

Còn nếu có người phụ nữ nào gặt hái thành công trong xã hội, là nữ CEO, nữ doanh nhân trăm tỷ, người mẫu, diễn viên… hoặc làm những công việc "của đàn ông", người ta sẽ khen rằng đó là một người đàn bà mạnh mẽ, giỏi giang. Nhưng sau cùng thì, họ vẫn phải là người chu toàn việc "nội tướng", vẫn cần chăm con tốt, lau nhà sạch, nấu cơm ngon… nếu không thì "thiên chức" của họ không tròn vẹn? 

Trên thực tế, phụ nữ có thể "giỏi" trong việc thu xếp, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, do họ có thiên tính tỉ mỉ, khéo léo, do từ bé xíu xiu, các bà mẹ ông bố đã đe nẹt con gái mình "con gái thì phải…", đã hướng chúng việc chăm sóc búp bê, chơi nấu nướng, bán hàng (trong khi dạy con trai chơi lắp ghép, ô tô, cần cẩu…) nhưng không có nghĩa đó là nghĩa vụ của họ, là việc-sinh-ra-để-dành-cho-họ. 

2

Thế nên mới có chuyện, có những "nàng cáo" biết rất nhiều nhưng giả ngu ngơ như chẳng biết gì với quan niệm "nắm thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu" để chẳng phải làm gì hết.

Hiền, một cô đồng nghiệp của tôi đã lấy chồng 5 năm, 2 mặt con nhưng lúc nào cũng thấy tí tởn như gái son. Hiền gần như không phải làm việc nhà, thi thoảng vui tính thì vào bếp làm mấy món yêu thích, lâu lâu mới nhón tay rửa bát, dọn nhà một lần. 

Bí quyết của Hiền rất đơn giản. Trong mấy tháng đầu sau khi cưới, nếu cô vào bếp nấu ăn, khi thì làm vỡ chồng bát đĩa quý, lúc làm hỏng cái nồi cơm điện, cháy cái chảo yêu thích của mẹ, món ăn lúc quá mặn khi thì nhạt nhẽo; nếu dọn nhà thì chổi lau nhà gãy, máy hút bụi kẹt... 

Gây lỗi, bị mắng thì Hiền lại lựa lời ngon ngọt xin lỗi bố chồng, mẹ chồng, chồng và thú nhận mình chẳng biết mấy nữ công gia chánh. Vì mọi mặt của Hiền đều ổn nên cuối cùng, gia đình nhà chồng bèn chia nhau làm việc nhà để tránh đổ vỡ, hỏng hóc không đáng có. Vậy là Hiền nhàn tênh.

Chỉ có chúng tôi là biết, Hiền thực ra nấu ăn ngon, gọn gàng ngăn nắp. Nhưng Hiền ghét làm việc nhà, ghét việc phải cáng đáng cho rất nhiều người nên đã dùng tiểu xảo. Cô xui đám con gái chưa chồng cơ quan tôi: "Người ta biết mình làm được thì chuyện gì mình cũng phải đụng tay vào, việc gì phải thế cho khổ. Cứ ngu si hưởng thái bình cho khỏe".

Đương nhiên, Hiền không hẳn là một kẻ "ngu si" như cô tự nhận, và những điều may mắn tốt lành cô nhận về đổi lại bằng mồ hôi của người khác. Tôi cũng không tin việc "giả ngơ" này là một giải pháp hữu ích hay thông thái, nhưng cô nói không sai. 

Cứ giỏi là bị dí việc khó, chuyện tưởng đùa mà rất thật

Chuyện giỏi thì mặc nhiên phải làm không chỉ là nỗi khổ của phụ nữ, rộng hơn ra, ta thấy nó rất nhiều ngoài xã hội kia. Phàm khi ai giỏi một điều gì đó, người xung quanh sẽ có xu hướng "giao" việc đó cho họ, hoặc ỷ lại vào khả năng của họ khi có việc cần vận dụng kỹ năng ấy; coi đó như chuyện đương nhiên mà chẳng thèm chú ý đến cảm xúc của họ, mưu cầu thực sự của họ.

Và rồi, câu chuyện tận dụng người giỏi, khả năng tốt của ai đó trở thành một nghịch lý chung của xã hội: Cứ giỏi (hoặc chăm làm) việc gì, bạn sẽ phải gánh vác việc đó, nhiều khi oằn mình mỏi vai. Ở gia đình, ngoài xã hội, và đặc biệt là ở chốn công sở, nghịch lý ấy vẫn cứ thế xảy ra. 

3

Đương nhiên, ai giỏi việc gì, giao cho họ đảm đương việc nấy là chuẩn rồi, và một người lãnh đạo tinh tế thường là biết cách giao đúng việc cho nhân viên. Mặt khác, hiện tượng ép việc, tận dụng (đến mức có thể là lợi dụng) năng lực của những người có tài năng cũng là có thật. Những người tháo vát thường bị phân công việc khó nhằn, thường được giao việc nhiều hơn mức họ có thể xử lý, thậm chí bị dí cho cả việc của cấp trên. 

Có thể không phải vì sếp ghét bỏ hay "đì" gì, mà thực ra là một cách ngầm thừa nhận khả năng của người giỏi, cổ vũ họ, thúc đẩy họ khai thác hết tiềm năng còn ẩn giấu trong mình. 

Những người giỏi, rủi thay, cũng thường bị "quấy rối" bởi những người đồng nghiệp yếu kém. Họ có xu hướng chiêu dụ, nhờ vả đồng nghiệp giỏi hơn làm thay cho họ những công việc mà chính họ cảm thấy quá khó, không thể tự làm. 

Ban đầu, những người tài năng có thể cảm thấy phấn khích, thích thú vì cái giỏi của mình được trọng dụng, nhưng lâu dần, không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với chuyện này và những hệ lụy của chúng. Cũng giống Goo Hye Sun ngơ ngác chẳng hiểu sao mình mặc định là người phải làm việc nhà, các nhân viên thường xuyên phải "cõng khỉ trên lưng", làm quá tải việc khó, lâu dần họ sẽ chịu thêm những áp lực, mệt mỏi không đáng có. 

4

Bạn không nhất thiết phải giả ngây kiểu "si nhân, si phúc" như cô Hiền gợi ý, nhưng trước khi đồng ý hỗ trợ bất cứ ai điều gì, hãy suy nghĩ xem công việc đó có đúng với năng lực của bạn và có giúp bạn phát triển gì thêm không, hay chỉ là do những người đồng nghiệp lười biếng và muốn đùn đẩy cho bạn. Mặt khác, hãy tiết chế thể hiện bản thân, đừng để mình quá nổi bật và "dễ dãi" để bị lợi dụng.

Cũng có một dạng "bào sức", lợi dụng khác chốn công sở mà không liên quan quá nhiều đến việc chuyên môn. Đó là ở văn phòng nào, bạn cũng có thể gặp những nhân viên chăm chỉ (và thường xuyên bị nhờ) làm các việc lặt vặt như bê nước, pha cà phê, gọt hoa quả, trực nhật... cho đến nhảy múa, tham gia hội thao, tình nguyện viên trong các hoạt động tập thể của công ty. 

Tôi biết nhiều người hiền khô, lại có máu nghĩa khí, tử tế trong người, luôn tự giác làm những việc vặt vãnh đó, nhưng ngay cả khi không còn thoải mái nữa, thậm chí phát cáu vì đồng nghiệp thản nhiên sai/ nhờ vả, những công việc không đúng chức phận, mà nói thẳng ra là làm osin chốn văn phòng ấy vẫn cứ rơi vào tay họ. 

5

Thế là, trải qua 8 tiếng mệt nhoài ở công ty, mà ¼ thời gian là giải quyết vấn đề của người khác, về nhà họ lại còn phải thức khuya làm nốt việc của mình. Ngộ ha! Họ chăm nhưng đâu có nghĩa họ phải nai lưng ra phục dịch cho người khác, khi mà tất cả nhân viên đều bình đẳng như nhau; tại sao vì họ chăm chỉ mà các đồng nghiệp cứ thế ỷ lại, và tự tin rằng mình không làm thì cũng có người khác lo?

Ngẫm ra, ở công sở cũng như ở nhà, "giỏi" và "chăm", "biết việc" vẫn mệt mỏi như thường bởi tâm lý dựa dẫm, dồn việc, chỉ có "biết ứng xử" thì mới sống nổi. Người biết ứng xử sẽ vừa mềm mỏng vừa cương quyết, biết tiến biết lùi hợp lý trước sự chèn ép của người khác. Người biết ứng xử sẽ đặt ra những giới hạn nhất định để không ai phạm đến những lợi ích cơ bản của mình, không vì những phút yếu lòng mà phải chôn vùi bản thân dưới núi công việc chẳng thuộc về (riêng) mình, để không phải mãi là người chịu thiệt thòi.

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang