Bé Phùng Thanh H bên cạnh anh Sơn – chị Hiền, những người đã nuôi dưỡng bé từ khi lọt lòng tới nay. Ảnh: TL
Bên sốt ruột, bên chưa sẵn sàng
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra vụ việc trao nhầm con từ 6 năm trước cho hai gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990) và chị Vũ Thị Thương (SN 1983) cùng trú tại Ba Vì, cho thấy, đến nay, nguyên nhân chủ yếu khiến việc hai bé trai (Phùng Thanh H và Đoàn Minh N) vẫn chưa về “đúng vị trí” là do chị Vũ Thị Hương (người mẹ đã nuôi dưỡng N trong 6 năm qua) chưa sẵn sàng tâm lý cho việc hoán đổi con.
Trò chuyện với PV, chị Hương khẳng định không phải chị kiên quyết không “đổi con” mà vấn đề là thời điểm này chưa hợp lý. Sự việc đến quá vội vàng và gấp gáp, ngay chính bản thân chị cũng chưa thể thích ứng được, huống chi là 2 con còn quá nhỏ tuổi. Bản thân chị Hương là giáo viên mầm non, chị hiểu được tâm lý, suy nghĩ của các bé. “Tôi tin chắc rằng giờ này nếu tách các con để cho về môi trường mới, gia đình mới, các con sẽ rất sốc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cần phải có thêm thời gian cho các con làm quen”, chị Hương chia sẻ.
Bốn tháng nay, kể từ khi có kết quả giám định ADN biết M không phải là con đẻ của mình, chị Hương cũng suy tính và đã có những động thái làm công tác tư tưởng cho con. Chị kể, hàng đêm, chị vẫn rủ rỉ với bé M về bố đẻ, mẹ đẻ của cháu, chị còn dạy M đánh vần tên bố mẹ đẻ cho bé quen với việc đó.
Sau khi ly hôn, 3 năm nay, chị Hương một mình nuôi bé M, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị phải đi thuê nhà trọ và dạy thuê ở nội thành Hà Nội. Nghèo khó, nhưng với người mẹ đơn thân 35 tuổi này, bé M thực sự là chỗ dựa, động lực tinh thần. Việc rời xa đứa con chăm bẵm từ ngày đỏ hỏn thực sự không dễ dàng. “Từ khi sự thật câu chuyện này được làm rõ, dù tôi làm việc ở Hà Nội, nhưng hàng tuần tôi vẫn đưa con về quê để 2 gia đình gặp nhau. Tôi cũng đã nói chuyện với gia đình bên kia rồi, nhưng có vẻ họ rất sốt ruột”, chị chia sẻ.
Sáng 13/7, anh Phùng Giang Sơn một lần nữa khẳng định sự sốt ruột của mình khi con đẻ của anh vẫn chưa về với gia đình anh, công việc “hoán đổi con” vẫn chưa hoàn thành. Anh Sơn cho biết, bản thân hai đứa trẻ khi tiếp nhận thông tin đều rất sốc. Trong đó, bé H (con đẻ của chị Hương mà vợ chồng anh nuôi dưỡng 6 năm nay) hiện không thể ngủ. Bé rất sợ, hàng đêm đều bắt bố mẹ ngủ cùng. Bản thân anh cũng phải sắp xếp để ngủ cùng con và tâm sự cùng con. Anh Sơn cũng bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những vấn đề chị Hương gặp phải trong cuộc sống, liên quan đến việc nhầm lẫn hi hữu không do chị gây ra.
Hãy quan tâm đến tâm lý hai đứa trẻ
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội sáng 13/7, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, việc bất kỳ vụ trao nhầm con nào ở cơ sở y tế từ trước tới nay đều là việc ngoài ý muốn, hi hữu và không may. TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong vụ việc ở Ba Vì, rõ ràng lỗi không may thuộc về hai nữ hộ sinh của Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì) đã thực hiện không đúng quy định. TS Nguyễn Huy Quang cũng đồng tình với việc Bệnh viện đã xác định trách nhiệm, hai cá nhân vi phạm đã bị xử lý về mặt chính quyền, Đảng.
Đồng cảm với những xúc cảm, suy nghĩ của hai gia đình, nhưng TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong vụ việc này, anh Sơn muốn sốt ruột đòi con cũng không được và không nên. Bản thân hai gia đình, dù sao cũng đã trải qua những “bi kịch” khó lòng đo đếm được, đặc biệt là với chị Vũ Thị Hương. Theo TS Nguyễn Huy Quang, bi kịch của hai gia đình này giá như chỉ nằm ở vật chất thì mọi việc không bị đẩy xa đến thế.
“Vụ việc nhầm con 6 năm hết sức đau lòng cho cả 2 gia đình, gồm cả người lớn và trẻ con. Thế nhưng, theo tôi, trong vấn đề này, khi sự việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, vượt khỏi quan niệm đúng sai, chúng ta đừng nên nhìn nhận nó về chuyện xử lý pháp luật, bồi thường bao nhiêu mà nên nhìn vấn đề góc độ nhân văn, làm sao để tránh những tổn thương cho hai đứa trẻ”, TS Nguyễn Huy Quang nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, điều quan trọng lúc này và có lẽ là vì tương lai con trẻ, hãy tôn trọng theo nguyện vọng của trẻ theo đúng Luật Trẻ em, theo tính chất đạo đức xã hội để thấy mọi việc đơn giản hơn. Làm sao để các bé dù có ở đâu cũng luôn nhận được tình yêu thương đùm bọc của người lớn, vẫn được là con của hai gia đình.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS tâm lý học Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc phát hiện nhầm lẫn, sau đó là sự đổi trả có gây ra sang chấn tâm lý đối với hai đứa trẻ hay không sẽ tùy thuộc vào tính cách của từng trẻ, tình cảm gắn bó với gia đình đã nuôi dưỡng trẻ lâu nay, mức độ hòa nhập với môi trường mới, thái độ và cách thức ứng xử của người lớn khi giải quyết sự việc này… Tất cả những tác động này sẽ dẫn đến việc trẻ thích ứng tốt hoặc có hành vi chống đối.
Ông Nam thông tin, trên thế giới, cũng có những câu chuyện trao nhầm con tương tự nhưng câu chuyện thường kết thúc có hậu bằng việc đứa trẻ sẽ có thêm một gia đình mới để đùm bọc và yêu thương cháu. “Do đó, cách ứng xử của người lớn phải gửi thông điệp đến cho trẻ rằng sự nhầm lẫn không ai mong muốn này sẽ cho con có thêm những sự quan tâm, thêm một mái ấm, chứ không phải bị cướp mất tình cảm bấy lâu nay với những người cha mẹ nuôi đã gắn bó. Con sẽ có một “gia đình” lớn hơn so với trước đây, với nhiều tình yêu thương”, ông Nam cho hay.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhấn mạnh về việc cần có một quá trình tư vấn tâm lý cho hai đứa trẻ trong câu chuyện này trước khi việc “hoán đổi con” được diễn ra. Những nhà tâm lý sẽ cần tiếp cận với các bên để hiểu quan điểm và lường được những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ và các anh chị em. Từ đó tìm ra các giải pháp tối ưu được thống nhất và đồng thuận của các bên trước khi tiến hành.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.