Năm thứ ba sau đại dịch COVID-19, cuộc chiến của chúng ta không đơn thuần chỉ là đấu tranh chống lại virus vô hình mà còn phải đối mặt với một thách thức mới: Đó là các tình trạng hậu COVID-19 hay còn được gọi là tình trạng COVID kéo dài.
Nhiều người đã phải đối mặt với một số biến chứng ngay cả khi đã hồi phục sau khi trở thành F0. Ngày càng có nhiều các trường hợp liên quan đến COVID kéo dài, rõ ràng là COVID không ảnh hưởng cụ thể ở một số bộ phận mà chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào, thậm chí còn hiện diện nhiều tháng và nhiều năm sau đó.
Theo Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng WHE tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 3 triệu chứng hậu COVID phổ biến nhất. Hội chứng hậu COVID-19 thường kéo dài trong vòng 2 tháng. Nếu nó biến mất sau 1 tuần hoặc vài tuần, 1 tháng thì chúng không được gọi là hậu COVID.
"Trong định nghĩa của WHO, chúng tôi cho rằng mọi người chỉ nên lo lắng nếu sau 3 tháng hồi phục mà vẫn còn các dấu hiệu hậu COVID-19. Khoảng thời gian đó đủ để một người phục hồi sau đợt nhiễm trùng cấp tính, ngay cả khi họ mắc bệnh nhẹ hay bệnh nặng. Sau 3 tháng, nếu bạn có một trong những triệu chứng này, thì hãy lo lắng và cần phải đi khám", tiến sĩ Diaz nói.
Sau 3 tháng khỏi COVID-19, F0 có 3 dấu hiệu này nên khám ngay
Tiến sĩ Diaz cho biết: "3 triệu chứng phổ biến của tình trạng hậu COVID đó là: mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức".
Tuy nhiên đây chỉ là 3 triệu chứng phổ biến nhất, ngoài ra còn có hơn 200 triệu chứng được mô tả trong tài liệu từ những bệnh nhân đã từng hoặc có tình trạng hậu COVID-19.
1. Mệt mỏi
Hậu COVID nhiều người đã phải trải qua tình trạng mệt mỏi. Mệt mỏi là một phản ứng bình thường của cơ thể khi chiến đấu chống lại virus. Tình trạng này có thể tồn tại trong cơ thể người vài tuần. Mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến xảy ra ở tất cả các bệnh nhân hồi phục sau COVID-19.
2. Khó thở
Hãy thử đặt câu hỏi: Trong quá trình vận động bạn có gặp trở ngại gì không? Giả dụ trước đây bạn có thể chạy bộ 1km, giờ đây bạn có thể chạy được như vậy mà không bị hụt hơi không? Theo tiến sĩ Diaz, khó thở hoặc thở hổn hển cùng với mức hoạt động thể chất chỉ đạt tối thiểu là hiện tượng thường xảy ra ở những người đã mắc hậu COVID-19.
3. Rối loạn chức năng nhận thức
COVID-19 là bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động bình thường của não, thậm chí là "sương mù não", với dấu hiệu điển hình bao gồm khó chú ý, khó tập trung, giảm trí nhớ, khó ngủ, khó nhận thức, tiến sĩ Diaz nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nói về một trong những tác động quan trọng và nghiêm trọng nhất của COVID có liên quan đến sức khỏe tim mạch.
"Các triệu chứng tim mạch có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể biểu hiện như khó thở, như tim đập nhanh, loạn nhịp tim và các triệu chứng tim khác", chuyên gia của WHO cho biết.
Một số báo cáo gần đây được theo dõi trên những bệnh nhân từng mắc COVID-19 trong vòng 1 năm, phát hiện ra rằng nguy cơ tim mạch ở nhóm người này tăng lên, các biến chứng đó được mô tả là đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, đau tim hoặc các nguyên nhân khác gây ra huyết khối hoặc cục máu đông và bao gồm cả tử vong. Do đó, nữ tiến sĩ khẳng định mọi người sau khi khỏi COVID-19 không nên bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe tim mạch.
Bệnh nhân đối mặt với tình trạng hậu COVID cần làm gì?
Với những người bị hậu COVID-19, không có phương pháp điều trị chung cho tất cả bệnh nhân. Mà việc điều trị cần phải lấy bệnh nhân làm trung tâm và tập trung vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Biện pháp chủ yếu là phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật tự quản lý để giúp mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Theo WHO, cách tốt nhất bạn có thể làm để tự bảo vệ mình trước tình trạng hậu COVID-19 là làm mọi thứ để tránh nhiễm COVID-19. Bao gồm việc tiêm phòng vaccine ngay khi đến lượt, giữ khoảng cách với người khác ở những nơi công cộng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, mở cửa sổ thông thoáng nơi ở, rửa tay thường xuyên...
Về giải pháp với bệnh nhân hậu COVID-19, BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM) cho rằng: Điều đầu tiên mọi người cần làm là giữ bình tĩnh.
Ngoài việc thăm khám sức khỏe cũng cần phải chú ý bổ sung dinh dưỡng. Nhất là bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex cho người bị rụng tóc. Thu xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Nếu bị mất mùi hậu COVID thì có thể tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp hậu COVID thì nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/sau-3-thang-khoi-covid-19-who-khuyen-cao-neu-van-co-3-trieu-chung-nay-thi-nen-den-benh-vien-kham-hau-covid-cang-som-cang-tot-22202214320743642.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.