Thử tưởng tượng bạn vẫn còn ở cái tuổi “vật lộn” với những bài tập làm văn về nhà và bài tập mà cô giáo cho lần này là “Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết”. Bạn sẽ làm gì với đề bài này?
Và đây là câu trả lời của em học sinh tuy không thích tết nhưng vẫn được cô giáo cho điểm cao vì tả thực cảnh tết nhà mình theo cái nhìn sâu sắc.
Với những miêu tả thực của cậu bé ta mới thấy được đây thực sự không phải câu chuyện của riêng ai…
Nguyên văn đoạn trích “ghét” Tết của cậu học sinh khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm:
“Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ nhỏ em đã nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chớ không phải nhà em. Vì đến Tết là em thấy mẹ và cả nhà đều mệt mỏi.
Lúc trước, em rất thích Tết, nhưng vì Tết mà mẹ mệt thì em không thích nữa. Thịt kho hột vịt, em rất thích, nhưng biết mẹ làm cực khổ, em chẳng muốn ăn. Mẹ không có thời gian vui với em và ba. Em không muốn nhìn mẹ ốm đau, lúc nào cũng cầm chổi, cây lau nhà, cầm cái chảo vô bếp lo đồ ăn cho khách. Mẹ quá bận, lại hay nổi giận khi ba con em không làm như ý mẹ muốn. Ba cũng bị mẹ la. Em thích thấy mẹ cười. Vì mẹ cười rất đẹp. Ba hay nói với mẹ “Nhìn mẹ cười là thấy Tết vui trọn vẹn rồi!”, nhưng mẹ chẳng chịu. Em không thấy Tết vui nữa”.
Bài văn này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng khi được hàng loạt page đăng lại và các bình luận viên thì cứ rôm rả. Nhưng điều bất ngờ nhất chính là việc các “sao” nhà ta cũng chia phe nói về việc chuẩn bị Tết ta từ những chia sẻ chân thực của em học sinh 10x này.
Dù lời lẽ không được trau chuốt, câu văn không được mềm mại nhưng bài văn của em đã thu hút các nghệ sĩ bởi cái nhìn của trẻ con về Tết khiến người lớn có đôi chút chạnh lòng. Nó tuy đi ngược lại với những suy nghĩ thông thường của một đứa trẻ với việc thích nhận lì xì, được thỏa thích ăn kẹo bánh mứt hay trưng diện những bộ quần áo xúng xính… Những câu chữ ấy lại cho ta thấy tâm tư sâu sắc của em học sinh mà ở đó, Tết với em có phần già dặn trước tuổi. Em thấy được sự bận rộn, khổ cực của mẹ những ngày giáp Tết khi mẹ phải cáng đáng, quán xuyến hết mọi công việc trong nhà và luôn chu toàn để mọi thứ hoàn hảo nhất. Tết nhất lúc bấy giờ trong mắt của em không còn được như trước vì sự chỉn chu, tươm tất hay các món ngon ngày tết có đủ đầy cũng không đổi lại được nụ cười của mẹ. Vì muốn mang đến sự vẹn toàn đó mà mẹ đã khổ tâm hơn, khó chịu khi mọi thứ không được hoàn hảo, cáu gắt với chính những người thân trong gia đình…
Bài văn đã gây ra hai luồng tranh luận cho các sao nhà ta, một bên vẫn ủng hộ một cái Tết hoàn hảo cần có sự tươm tất, chỉn chu mọi thứ với mâm cao cỗ đầy, đầy đủ những nghi lễ cúng giỗ thì mới thể hiện được sự sung túc, khởi đầu năm mới tốt lành cho cả năm như suy nghĩ của hầu hết những phụ nữ Việt Nam truyền thống. Một bên lại đồng cảm tâm sự của em học sinh hướng đến một cái Tết trọn vẹn bớt đi những nghi lễ xã giao, rườm rà phức tạp. Một cái Tết mà mọi người trong gia đình cùng làm, cùng chia sẻ những công việc và khoảnh khắc, dù có đơn sơ nhưng đó là một cái Tết cảm xúc trọn vẹn.
Các nghệ sĩ đã thể hiện quan điểm của mình bằng những dòng tâm sự trên trang cá nhân khi chia sẻ bài văn của em học sinh 10x. Team "hoàn hảo” với những nghệ sĩ gạo cội như MC Quyền Linh đã nói lên những suy nghĩ về cái Tết Hoàn hảo của mình:
Quyền Linh tự nhận mình là chàng hai lúa và nổi tiếng là người đàn ông hết lòng yêu con, chiều vợ. Trong một bài phỏng vấn anh có chia sẻ: “Tôi là đàn ông nhưng sẵn sàng dậy từ 5h30 sáng lo giặt đồ, nấu bếp. Bà xã có thể phụ trách chuyện kiếm tiền, sửa nhà, đón con”. Với tư tưởng dường như tân tiến hơn rất nhiều đàn ông Việt nhưng quan niệm về Tết của MC Quyền Linh lại rất truyền thống.
MC Quyền Linh đăng đàn bàn về chuyện Tết nhân bài văn gây bão.
Nhân bài văn của học sinh 10x đang gây bão mạng xã hội, MC Quyền Linh có bày tỏ quan điểm của mình về việc chuẩn bị Tết:
“Với tui Tết đậm giá trị văn hóa, dù có hiện đại, có đổi mới thì vẫn phải giữ lại những giá trị truyền thống. Bánh chưng, bánh tét, hũ mứt, chậu cây cảnh phải tươm tất nhất. Thịt kho hột vịt, canh khổ qua là những món không thể thiếu và phải nêm nếm ngon, vừa miệng.
Nhìn Quyền Linh bình dị nhưng riêng đối với Tết, với những giá trị truyền thống thì cần chu toàn, chuẩn bị đầy đủ nhất vì cả năm chỉ có vài ngày Tết thôi. Tuy có hơi cực một chút nhưng cũng rất xứng đáng cho sự khởi đầu của một năm hoàn hảo mà. Tui tin đầu năm hoàn hảo thì cả năm mới đầu xuôi đuôi lọt, xuôi chèo mát mái, cả nhà nhiều sức khỏe, bình an. Bởi vậy cuối năm hai vợ chồng cũng áp lực để chuẩn bị Tết thật hoàn hảo đón khách khứa. Nhưng không thể bỏ qua bất cứ khâu nào hết, cái nào cũng quan trọng, cũng là khởi đầu cho năm mới suôn sẻ hơn”.
Nghe chừng MC Quyền Linh đang ủng hộ Tết phải hoàn hảo nhưng đó là chuyện riêng trong nhà bởi nếu ai theo dõi Quyền Linh chắc hẳn sẽ biết quan niệm “Tết trọn vẹn là cái Tết sẻ chia...” của MC giàu lòng nhân ái này. Anh đã dành gần 20 năm cuộc đời cho những chuyến đi thiện nguyện. Mỗi dịp Tết đến anh lại lặn lội đến những vùng sâu vùng xa giúp đỡ những người nghèo có thêm cái Tết đầm ấm để san sẻ nỗi buồn và nhân thêm niềm vui.
Lớp nghệ sĩ trẻ như MC Phan Anh và ca sĩ Thủy Tiên lại ở phe “trọn vẹn” với quan điểm về một cái Tết giản đơn, không cầu kỳ hình thức mà vẹn tròn những cảm xúc:
“Bài văn của một đứa bé mà làm người lớn cứ phải nghĩ ngợi nhiều thế này” - Đó là chia sẻ của MC Phan Anh về bài văn của cậu bé trên FB cá nhân.
Nữ ca sĩ Thủy Tiên lại “khoe” với mọi người rằng gia đình nhỏ của mình đều thích một cái Tết hiện đại, nhẹ nhàng không quá nhiều nghi lễ cầu kỳ.
“Người Việt đón Tết hiện đại là cách tiếp cận gần hơn với những giá trị thiết yếu của thời cuộc nhưng không có nghĩa là quay lưng với những giá trị truyền thống” - Với những dòng suy nghĩ này Thủy Tiên quả đúng là một người vợ hiền đảm đang của Công Vinh, lại còn là một mẹ bỉm sữa tâm lý của bé Gạo nữa.
Chưa lần nào mà sức hút của một bài văn học sinh lại khiến các nghệ sĩ chia phe để nói lên quan điểm của Tết của mình như câu chuyện của showbiz Việt đầu năm nay. Có như vậy ta mới thấy câu chuyện văn hóa ăn Tết của người Việt ta thật đáng lưu tâm. Nếu như năm ngoái, phát ngôn gây sốc của nhà văn Tuệ Nghi về đề xuất bỏ đi Tết cổ truyền tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ thì năm nay, văn hóa ăn Tết trong gia đình Việt một lần nữa khiến cộng đồng tranh cãi. Liệu ăn Tết như thế nào mới hợp tình đủ ý?
Người Việt trọng lễ nghĩa - Đây luôn là “chiếc áo đẹp” trong màu sắc văn hóa dân tộc ta. Nó được thể hiện từ những chuyện nhỏ nhặt đến những chuyện đao to búa lớn. Nên không lạ gì những lớp người trưởng thành của thế hệ trước luôn muốn mang một “chiếc áo đẹp nhất” trong Tết cổ truyền. Những người trẻ với những suy nghĩ phóng khoáng hơn, đối với họ ngày Tết là dịp để mọi người cùng quây quần bên nhau, những rắc rối, những thiếu hụt sẽ biến thành niềm vui tạo nên những kỷ niệm đẹp. Họ muốn chọn một chiếc áo dù không đẹp hoàn hảo nhưng đủ ấm để hâm nóng tình thân. Về chuyện chọn chiếc áo ăn Tết mang tên trọn vẹn hay hoàn hảo tác giả xin bỏ lửng để độc giả tự viết nên “Tết mong muốn trong tôi”, bởi không có chuyện đúng sai trong cách ăn Tết của mỗi người chỉ là bạn có thật sự vui và vẹn tròn cảm xúc với lựa chọn của mình hay không.
Vậy thì, bạn có nghĩ đã đến lúc nên thay đổi văn hóa ăn Tết trong gia đình mình và trong những gia đình Việt Nam hiện đại?
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.