Lo sợ lây nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện, nhiều người bỏ qua thời gian điều trị vàng
Gần đây, TS.BS Phạm Thị Việt Dung (trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, trường đại học Y Hà Nội, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, khoa mới tiếp nhận một trường hợp là nam thanh niên bị chấn thương khuyết phần mềm bàn chân. Vì sợ lây nhiễm Covid-19, bệnh nhân không dám đến bệnh viện lớn để khám và điều trị. Thay vào đó, nam thanh niên này đến nhà một ông lang ở làng để đắp lá.
Sau vài tuần, khỏi đâu không thấy, chân bệnh nhân bị sưng vù, nhiễm trùng nặng. Đến lúc này, bệnh nhân mới cầu cứu bác sĩ thì đã có nguy cơ nhiễm trùng huyết, có thể phải cắt cụt chân.
Ngoài trường hợp này, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi có vết thương gần 3cm ở trán. Bố mẹ sợ dịch Covid-19 nên không cho bé đi khâu, quyết để tự liền. Hậu quả là sau 5 ngày, vết thương trên trán bé không liền mà bị nhiễm khuẩn, chảy dịch. Đến lúc này, bố mẹ mới lo lắng, đưa con đi chữa. "Đương nhiên lúc này vết thương không thể khâu thẩm mỹ nữa, mà mục tiêu điều trị lại là chống nhiễm khuẩn và sớm liền thương thôi", BS Dung chia sẻ.
Vì mối lo Covid-19, nam thanh niên đang tuổi trẻ sức khỏe dồi dào lỡ mất thời gian điều trị vàng, em bé mới 3 tuổi có khả năng mang vết sẹo xấu xí, chình ình giữa trán đến hết đời. Điều này thật sự đáng tiếc.
BS Việt Dung nhận định, 2 trường hợp trên chỉ là một số ít trường hợp mà "bác sĩ biết trong chuyên ngành nhỏ bé và ít gặp những trường hợp nặng, cấp cứu của mình". Vị chuyên gia khẳng định, đây là tình trạng mà chắc chắn trong những chuyên ngành khác cũng không hề thiếu, thậm chí còn nhiều chuyện hơn thế nữa.
"Có những bệnh có thể trì hoãn, nhưng có nhiều bệnh trì hoãn sẽ làm bệnh tăng nặng và cơ hội điều trị khỏi, điều trị đỡ sẽ ít hơn rất nhiều", BS Việt Dung cảnh báo.
Đừng quá lo sợ Covid-19, chỉ cần thực hiện đúng 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế là yên tâm
Theo BS Dung, người dân vẫn thực hiện theo khuyến cáo 5K nếu tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó cần lưu ý đến khuyến cáo này: "Chỉ ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết". Vấn đề chính là phải phân biệt được đâu là việc hay không là việc thực sự cần thiết.
"Thực tế sẽ có những trường hợp không biết được bệnh của mình phải đi khám ngay hay có thể trì hoãn. Hãy lắng nghe cơ thể mình, hãy gọi người thân, người quen là nhân viên y tế, hay thậm chí là bác sĩ điều trị trước đó của bạn để tư vấn hoặc gọi tới tổng đài của các bệnh viện", BS Dung khuyên.
Vị chuyên gia này tin rằng, trong hoàn cảnh khó khăn này thì hiếm nhân viên y tế nào lại từ chối cho bạn lời khuyên. Nếu thực sự là bệnh có nguy cơ tăng nặng, nguy hiểm, bệnh không được điều trị kịp thời sẽ sớm gây biến chứng... thì vẫn phải đến bệnh viện.
Chung nhận định với BS Việt Dung, BS Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định: "Người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi đến mức không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh. Việc không đến bệnh viện thăm khám, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội vàng chữa bệnh, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí không có cơ hội cứu chữa... Điều này xảy ra thì vô cùng đáng tiếc".
Điều quan trọng là chúng ta đến bệnh viện khám chữa bệnh cần đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc nào để vừa khám chữa bệnh thành công vừa tránh nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật nói chung, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nói riêng.
Để đảm bảo điều này, BS Khanh khuyên người ở gần nên đến khám buổi chiều để tránh đông đúc, chú ý khai báo y tế đúng và đầy đủ, khi đi đến bệnh viện không cần thiết dẫn theo 2-3 người đi cùng mà chỉ cần 1 người là đủ, thực hiện đúng các bước rửa tay, đeo khẩu trang tại bệnh viện và đặc biệt không được đi lung tung trong bệnh viện vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng xung quanh.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.