Bệnh nhi là bé T.Đ.K, 3 tuổi, nhà ở Bạc Liêu. Theo các bác sĩ, bé được nhập Khoa Cấp cứu trong tình trạng chướng bụng kèm ói suốt 9 ngày. Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong bụng em bé có các vật thể cản quang xếp thành hàng ngang.
Ngay lập tức bé được tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật. Trong lúc mổ các bác sĩ ghi nhận có 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm, phần hồi tràng (đoạn ruột non) bị thủng do kim bấm, phải cắt bỏ 20 cm ruột.
Sau mổ, em hồi phục tốt và xuất viện sau 3 ngày.
Theo các bác sĩ, nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng. Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.
Do đặc tính của nam châm hoàn toàn khác với các dị vật thông thường, khi trẻ nuốt một mảnh nam châm dù tròn trịa, không sắc nhọn, rồi lại nuốt thêm một vài mẩu đồ chơi bằng sắt, vào trong bụng chúng sẽ hút dính vào với nhau tạo thành một khối to, gây tắc ruột. Đó là chưa kể có bé nuốt 6 thỏi nam châm, hai mảnh này hút nhau qua thành ruột và ép ruột vào giữa.
Vì vậy, phụ huynh cần cảnh giác khi trẻ chơi đồ chơi có nam châm, kim loại. Nếu con lỡ nuốt phải, cần bình tĩnh xác định chính xác dị vật nuốt là gì và đưa ngay tới bệnh viện kiểm tra, xử lý. Khi trẻ có các dấu hiệu sau khi nuốt dị vật như: nôn ói, ói dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay. Tại cơ sở y tế các bác sĩ sẽ thăm khám, cho trẻ chụp X-Quang để xác định vị trí dị vật.
-
Cha mẹ phải đọc: Bác sĩ viện Tai Mũi Họng bày cách sơ cứu khi trẻ hóc dị vật để cứu mạng sống trong tích tắcĐọc ngay
Tùy từng trường hợp mà có cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật nguy hiểm, độc hại, sắc nhọn, có từ tính, năng lượng cần lấy ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu dị vật nhỏ, có thể đi tiêu ra được, bệnh nhân sẽ được cho theo dõi chờ tới khi dị vật được thải ra ngoài.
Tất cả các dị vật đường tiêu hóa, chỉ có thể nội soi gắp ra khi chúng chưa di chuyển sang dạ dày. Nếu dị vật đã lọt vào tá tràng thì phải mổ hở. Ngay cả khi nội soi gắp dị vật các bác sĩ cũng rất cân nhắc, bởi em bé cần gây mê, ít nhiều có nguy cơ xấu với sức khỏe.
Khi nuốt dị vật, trẻ không được phát hiện, xử trí kịp thời bé có thể phải chịu các di chứng như: trầy xước niêm mạc ruột, dạy dày, lủng ruột, lủng dạ dày, xuất huyết nội, sốc và tử vong. Ngay các bác sĩ lúc tiếp nhận một ca nuốt nam châm cũng cần thận trọng. Dù bệnh nhi chưa có dấu hiệu nguy hiểm vẫn nên cho nhập viện theo dõi, tránh để trẻ vô tình nuốt thêm các mảnh sắt hay các vật có từ tính khác, khiến tình trạng thêm nặng nề.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Những vật nuốt phải phổ biến nhất là: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).
Để tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
- Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.
- Rèn ngay không cho trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.
- Phụ huynh không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.
- Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm...
- Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.
Link bài gốc: https://suckhoedoisong.vn/soc-phai-cat-bo-20-cm-ruot-do-nuot-6-thoi-nam-cham-3-kim-bam--n167576.html
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.