Sự thật về chuyện “ngủ động” giúp con phát triển trí não

Thông tin cho rằng trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, nhăn mặt, mỉm cưới, mếu… là đang “ngủ động” để nuôi não, và giấc “ngủ động” chỉ có ở những trẻ bú sữa mẹ khiến cho các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa bột hết sức hoang mang.

“Giấc ngủ sinh lý của con người sẽ trải qua từng giai đoạn. Ở trẻ sơ sinh cũng như vậy. Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều giấc, cho nên, việc trẻ cử động người, khuôn mặt, tay, chân, rướn… là chuyện rất bình thường mang tính chất sinh lý không liên quan gì tới việc phát triển trí não. Cũng không có chuyện trẻ uống sữa mẹ sẽ có “ngủ động” mà trẻ uống sữa bột thì không có”, bác sĩ Trác khẳng định.

Chỉ là giấc ngủ sinh lý bình thường

Cụ thể, bài báo này có đề cập tới vấn đề chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm “ngủ động” và ngủ sâu. “Ngủ động” ở trẻ nhỏ được lý giải là giấc ngủ không sâu, ngủ mơ, thi thoảng có nhiều cử động hoặc biểu cảm trên gương mặt.

Có hai vấn đề quan trọng được bài báo này chỉ ra. Thứ nhất, trẻ “ngủ động” là đang nuôi dưỡng não không nên nhầm lẫn với việc trẻ bị thiếu canxi hay vitamin D do có các động tác (vặn mình, thay đổi tư thế, uốn éo, nhăn mặt, mỉm cười, mếu khóc). Vấn đề thứ hai, “ngủ động” chỉ xảy ra đối với nhưng đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ. Trẻ bú sữa mẹ sẽ mắt đảo, miệng nhóp nhép, nhăn mặt, chau mày, khóc cười ra tiếng rồi tự ngủ lại. Với trẻ bú sữa công thức thường ngủ mê man, không nhúc nhích, ít cựa quậy, do thành phần đạm chính của sữa bò – đạm casein có chất an thần casomorphin…

Bài viết còn đưa ra lời kết, nếu không hiểu đúng và đủ, các bố mẹ sẽ lầm tưởng rằng trẻ bú mẹ không được no, sữa mẹ không đủ chất khiến trẻ ngủ không sâu giấc. Các bố mẹ không hề biết rằng các biểu hiện trên lại có tác dụng tích cực đối với sự phát triển não bộ của trẻ.

Trao đổi bác sĩ Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị Sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Trung Ương về thông tin “ngủ động”, PV nhận được câu trả lời: cơ chế giấc ngủ của con người sẽ trải qua 5 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên khi mới bước vào giấc ngủ con người có thể vẫn tỉnh táo hoàn toàn. Giai đoạn tiếp theo sẽ thiu thiu ngủ hay còn gọi REM (rapid eye movements). Lúc đó, sẽ có người sẽ mở mắt, cử động chân tay, nói. Tiếp đến, con người sẽ bước vào ngủ sâu, có nghĩa là chìm vào giấc ngủ hoàn toàn. Ở giai đoạn thứ 4, con người lơ mơ tỉnh dậy có biểu hiệu nói mê, cử động. Và ở giai đoạn thứ 5 con người sẽ tỉnh táo và tỉnh dậy hoàn toàn.

“Giấc ngủ sinh lý của con người sẽ trải qua từng giai đoạn, ở trẻ sơ sinh cũng như vậy. Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều giấc cho nên việc trẻ cử động người, khuôn mặt, tay, chân, rướn… là chuyện rất bình thường mang tính chất sinh lý không liên quan gì tới việc phát triển trí não. Cũng không có chuyện trẻ uống sữa mẹ sẽ có “ngủ động” mà trẻ uống sữa bột thì không có”, bác sĩ Trác nói.

Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều khoảng từ 16-18 tiếng/ngày. Trẻ ngủ nhiều là do vẫn chưa quen với ánh sáng bên ngoài và duy trì thói quen nhắm mắt giống như trong bụng mẹ. Đứa trẻ chỉ thức dậy khi đói, đi vệ sinh (đại tiện, tiểu tiện).

Còn theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký hội dinh dưỡng Việt Nam, trước thông tin cho rằng trong chất đạm casein của sữa bò có chất an thần casomorphin khiến cho trẻ ngủ mê man, ít cựa… là không có cơ sở. Thông tin bài viết đưa ra chỉ mang tính chất một chiều không có một cơ sở nghiên cứu khoa học.

“Hiện nay, rất nhiều thông tin không đúng sự thật về sữa bò. Trường phái phản đối sữa bò sẽ nghĩ ra tất cả các lý do để phản đối. Và theo tôi đây cũng là một lý do để phản đối sữa bò. Tuy nhiên, để phản đối thì cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc. Kể cả trong trường hợp có nghiên cứu thì có thể đúng hoặc sai do hiện nay thẩm định nghiên cứu là cả một vấn đề”, TS. Từ Ngữ cho hay.

TS. Từ Ngữ cũng phân tích, thành phần sữa bò sẽ khác với sữa người là nguyên tắc không ai có thể phủ nhận được. Để làm cho sữa bò giống sữa người hiện nay gọi là sữa công thức. Có nghĩa là trên nền sữa bò bổ sung thêm các chất để giống với sữa mẹ. Trong quá trình bổ sung các chất đó nhà sản xuất sẽ phải tính toán làm sao cho giống sữa mẹ nhất.

“Tôi luôn khuyến kích các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ tới 24 tháng tuổi. Sữa mẹ là loại thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ (chiều cao, cân nặng, sức đề kháng). Tuy nhiên, vì một lý do gì đấy mà sữa mẹ không đủ hoặc không có để nuôi trẻ, các bà mẹ có thể tin dùng sữa công thức uy tín”, TS. Từ Ngữ nhấn mạnh thêm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang