Bí quyết với lá bàng
Chị Nguyễn Thị Hà – 33 tuổi, trú tại thành phố Thái Bình chia sẻ, chị thường xuyên bị viêm âm đạo. Chị Hà đã đi khám 3,4 lần ở các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản nhưng không khỏi.
Gần đây, chị Hà vô tình thấy người ta chia sẻ cách trị viêm phụ khoa bằng lá bàng non trên facebook nên chị Hà đã thử. Chị đi tìm lá bàng về nấu lên từ 20 - 30 phút và dùng để ngâm phần phụ.
Lần đầu tiên, chị Hà ngâm xong, thấy có rất nhiều khí hư như bã đậu xổ ra ngoài. Chị ngâm rửa trong 1 tuần. Đã 2 tháng trôi qua, chị Hà không thấy hiện tượng ngứa ngáy trở lại. Nếu trước kia chị đặt thuốc trị âm đạo chỉ được 1 tháng lại thấy hiện tượng ngứa ngáy vùng kín.
Cách làm nước lá bàng để trị viêm phụ khoa
Trên mạng facebook, nhiều người cũng chia sẻ cách xông nước lá bàng non trị viêm phụ khoa. Sau 3-5 ngày thực hiện, bệnh viêm nhiễm sẽ khỏi, nếu bệnh nhẹ có hiệu quả ngay ngày đầu tiên.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp dùng bị biến chứng. Ví dụ như chị Đỗ Thị Trang - Mê Linh, Hà Nội than thở chị cũng thử dùng nước lá bàng non để rửa khi bị viêm vùng kín. Tuy nhiên, thay vì khỏi bệnh chị Trang bị đau rát.
Chị Trang kể, khi đi tiểu chị bị buốt ngược vào trong bụng. Chị đi khám bác sĩ cho biết do viêm phần phụ chạy vào viêm đường tiết niệu. Nguyên nhân có phải do chị dùng lá bàng xông hay không thì cũng không rõ, nhưng bác sĩ tư vấn nên dùng kháng sinh để trị viêm dứt điểm.
Lá bàng có tác dụng gì?
Theo lương y Vũ Quốc Trung – Hội đông y huyện Văn Giang, Hưng Yên, trong Đông y, lá bàng là dược liệu quen thuộc có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền. Ví dụ như chàm, viêm họng, ngứa da.
Trong lá bàng có chứa flavinoid, phytosterol, saponin và tannin. Những chất này có tác dụng như: sát khuẩn, tiêu diệt một số loại vi khuẩn, hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm phụ khoa ở phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ sử dụng lá bàng trong hỗ trợ như lá trầu không, còn lại thì không thay thế thuốc.
Lương y Vũ Quốc Trung
Còn TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó giám đốc BV Tuệ Tĩnh Hà Nội - cho biết, lá bàng quen thuộc với hầu hết người dân ở nhiều nơi. Hiện nay, nhiều người sử dụng lá bàng khô để điều trị các bệnh trong chăn nuôi như nuôi cá cảnh, trị lở mồm long móng cho gia súc.
Theo y học cổ truyền, lá bàng có vị chua, ngọt, chát, chứa nhiều dầu. Hiện nay chưa có tài liệu nào nói về con đường quy kinh của loại lá cây này nhưng từ lâu đã được dùng để chữa bệnh ngoài da.
Lá bàng sau khi thu hái về sẽ phơi khô rồi bảo quản trong túi bóng, để nơi khô ráo thoáng mát.
TS Hoàng cũng cho biết, trong cuốn Những cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam của cố GS. TS Đỗ Tất Lợi, ông có tổng hợp cách dùng lá bàng chữa một số bệnh thường gặp như chữa mụn nhọt và các vết thương mưng mủ, viêm loét, chữa bệnh nhiệt miệng, sâu răng, viêm lợi, viêm phụ khoa, viêm lộ tuyến, vết thương bỏng xăng có mủ, viêm họng.
GS Đỗ Tất Lợi cũng hướng dẫn dùng lá bàng cho vào nồi đun sôi khoảng 20 – 30 rồi chấm vào vết thương, ở răng miệng thì súc miệng, viêm phần phụ có thể xông.
Tuy nhiên, TS Hoàng cho rằng viêm phụ khoa có nhiều nguyên nhân và trước tiên phải đến các bệnh viện chuyên khoa kiểm tra và điều trị do từng tác nhân gây ra. Nếu do nấm điều trị các thuốc kháng nấm, do viêm nhiễm thì dùng các thuốc kháng viêm. Việc sử dụng nước lá bàng chỉ nên coi là giải pháp hỗ trợ vệ sinh chứ không thể thay thế được thuốc.
Viêm phụ khoa không điều trị kịp thời có có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng dẫn tới vô sinh. Vì vậy, vị bác sĩ này nhấn mạnh chị em cẩn trọng và không dùng bài thuốc truyền miệng của mọi người dùng chung cho mình.
Ngoài ra, trong lúc ngâm có thể do chị em vệ sinh hậu môn không sạch sẽ nên vi khuẩn có hại đi ngược từ đường hậu môn xâm nhập vào âm đạo gây ra viêm nhiễm nặng hơn.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/su-that-ve-dung-la-bang-non-chua-viem-phu-khoa-chuyen-gia-canh-bao-can-trong-voi-bai-thuoc-truyen-mieng-162202510123606274.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.