Hiện nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều sản phẩm sửa được quảng cáo, buôn bán tràn lan trên thị trường với đa dạng chủng loại, màu sắc, kích thước. Các sản phẩm sữa thường xuất hiện dưới hình thức: sữa không đường, có đường, ít đường, sữa đặc, ... và những chế phẩm sữa như: sữa chua, bơ, pho mát, bánh (kẹo) sữa.
Không thể phủ nhận, sữa đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích như làm giảm các bệnh về tim mạch, chống loãng xương, cân bằng dinh dưỡng, giảm căng thẳng mệt mỏi,... Nhưng cũng chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự tò mò, lòng tin của người tiêu dùng mà cho ra những sản phẩm sữa được quảng cáo là có công dụng "thần kỳ" nhưng chất lượng ra sao lại không có gì để đảm bảo.
Thậm chí, họ còn đăng tải các video quảng cáo gắn với các "bác sĩ", "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội. Tất cả những điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.
Lo ngại vấn đề pháp lý đối với "sữa cỏ"
"Sữa cỏ" không phải là một tên gọi mang tính phân loại khoa học và cũng không có trong từ điển tiếng Việt. Đây là một "thuật ngữ" được khai sinh bởi chính đội ngũ bán hàng, ý nói tới các sản phẩm sữa không có hoặc có rất ít tính thương hiệu trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên "sữa cỏ" được nhập từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP luật Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em (ngoại trừ sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo bị cấm) phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành.
"Quy định theo khoản 4 điều 7 và điểm d khoản 4 điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo và điều kiện quảng cáo", luật sư Diệp Năng Bình trích dẫn.
Cũng theo luật sư Bình, tại điều 19 Luật Quảng cáo quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều 8 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, về quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ thì nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.
Không những thế, nội dung quảng cáo phải phù hợp với giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc quảng cáo sản phẩm phải có các nội dung gồm: tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
"Hơn nữa, doanh nghiệp muốn được quảng cáo sản phẩm thì cần phải có hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Theo điều 16 Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, về hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ ", luật sư Bình cho biết, đồng thời nhận định vấn đề pháp lý đối với "sữa cỏ" là đáng lo ngại, bởi không ai có thể khẳng định các loại sữa này đảm bảo đầy đủ các quy định cần thiết.
"Nếu chỉ dựa vào lời nói của người bán để lựa chọn 'sữa cỏ', người tiêu dùng sẽ tự gánh lên mình những rủi ro, nguy cơ trực diện với sức khỏe mà đến lúc có vấn đề cũng không biết kêu ai", luật sư Bình nói.
Hồ sơ cần có để quảng cáo một sản phẩm gồm:
Đơn đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo;
Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
Bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
Tài liệu hợp lệ, tin cậy chứng minh cho tính năng, công dụng, thông tin của sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo nêu tính năng, công dụng, thông tin không có trong bản thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Chế tài xử lý đối với quảng cáo "thổi phồng", sai sự thật về sản phẩm sữa
Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo sản phẩm sữa không đúng với quy định của pháp luật thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là tuy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có).
Theo khoản 1 và khoản 2 điều 55 Nghị định số 381/VBHN-BVHTTD của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, về vi phạm các quy định về quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ có nội dung không phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo và phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ mà thiếu tên sản phẩm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Đồng thời, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính lại thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.
Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm.
Nếu hành vi trên có đủ yếu cố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội quảng cáo gian dối (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
WHO cảnh báo quảng cáo có nhiều sai lệch
Mới đây tại sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, Tiến sĩ Juliawati Untoro, Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương, đã có báo cáo công bố kết quả nghiên cứu đa quốc gia về Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ cho hay các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị "bóng bẩy và dễ gây hiểu lầm".
"Họ sử dụng hình ảnh, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ như dưỡng chất HMO và DHA", đại diện của WHO cho biết.
Nghiên cứu này diễn ra từ từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, trên 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau như Anh, Trung Quốc, Nam Phi, Nigeria, Bangladesh, Việt Nam...
Báo cáo này cho rằng sữa ở Việt Nam được tiếp thị qua nhiều kênh và nhiều cách, phổ biến và tràn lan.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp thị này có ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc. Theo đó, 82% bà mẹ Việt biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ ở độ tuổi 6-12 tháng) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tiến sĩ Juliawati Untoro cho hay, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam "thường sai lệch khoa học", bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.
"Thông điệp tiếp thị sữa cũng đưa ra tuyên bố các loại sữa chuyên biệt có thể giải quyết được các vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh như đau bụng, trào ngược, quấy khóc mặc dù không có đủ bằng chứng về hiệu quả", kết quả nghiên cứu cho hay.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng; các hãng sữa sử dụng cán bộ y tế để tạo sự tin tưởng, uy tín khi tiếp thị, sẵn tràng trả hoa hồng, tổ chức hội nghị, đào tạo, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng và chi trả các chuyến đi quảng bá sản phẩm.
Theo nghiên cứu này, cán bộ chuyên môn y tế là đối tượng mục tiêu và là "công cụ chính" trong chiến lược tiếp thị của các công ty sữa công thức. Lý do là bởi, các cán bộ y tế có thể tiếp cận cá nhân, có vai trò đáng tin cậy và là các kênh giáo dục chính về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.
"Các cán bộ y tế ở Việt Nam, Marốc và Nigeria, theo nghiên cứu có sự liên hệ với các công ty sữa công thức là phổ biến", kết quả nghiên cứu cho biết.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.