Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết một cuộc nghiên cứu với 10 triệu lao động trong suốt 1 thập kỷ qua cho thấy một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học đang làm những công việc không cần bằng cấp.
Cụ thể, khoảng 52% số sinh viên mới ra trường trong 10 năm qua không dùng các kỹ năng học được trên trường đại học khi đi làm. Thay vào đó, chính những gì học được từ công việc đầu tiên mới là hành trang cho sự nghiệp sau này của các bạn trẻ.
Báo cáo nghiên cứu của Viện phân tích lao động Burning Glass Institute (BGI) và tổ chức phi lợi nhuận Strada Education Foundation cho thấy phần lớn những sinh viên làm việc không cần đến bằng cấp thường vẫn luẩn quẩn tìm việc suốt 10 năm sau đó, tính trong giai đoạn 2012-2021.
Theo BGI, việc lựa chọn chuyên ngành học đại học là rất quan trọng, tiếp đến là nơi thực tập bởi đây sẽ là địa điểm cung cấp hành trang nền tảng cho con đường sự nghiệp sau này của các bạn trẻ. Tuy nhiên ngay cả như vậy thì chẳng có gì sẽ đảm bảo tương lai sự nghiệp cho một sinh viên có bằng đại học.
"Bạn được cả xã hội và gia đình dạy rằng hãy đi học, kiếm tấm bằng và cuộc đời sẽ ổn. Thế nhưng thực tế thì tấm bằng đại học chả giúp ích gì nhiều", sinh viên Alexander Wolfe đã 29 tuổi, tốt nghiệp đại học Northern Kentucky University năm 2018 than thở.
Học nhiều chẳng thành công hay hạnh phúc hơn
Số liệu của BGI phản ánh phần nào sự thật mà tác giả Robert Kiyosaki từng chia sẻ, đó là học nhiều, thi cử nhiều, kiếm nhiều tấm bằng chẳng khiến mọi người thành công hay hạnh phúc hơn.
"Thực chất, hệ thống giáo dục dạy con người để ‘nghèo’ bởi nó được thiết kế để dạy chúng ta trở thành một người làm công ăn lương chứ không bao giờ dạy chúng ta về tiền bạc. Có một sự thật mà tôi phải nói là nếu muốn nghèo, bạn hãy đi học còn nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng làm như vậy", ông Kiyosaki chia sẻ.
Mặc dù số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ năm 2022 cho thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học ở tuổi ngoài 20 có thu nhập cao hơn 90% so với những người chỉ có bằng cao đẳng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Matt Sigelman của BGI, tấm bằng đại học chỉ có giá trị với một số ít người mà không phải là tất cả.
Quay trở lại với trường hợp của anh Wolfe, một sinh viên tốt nghiệp bằng sư phạm và tâm lý học, đã trải qua hàng loạt vị trí trong các ngành bán lẻ, dịch vụ thực phẩm... Bản thân chàng sinh viên mới ra trường này vô cùng hối hận khi không được làm đúng chuyên ngành nhưng vấn đề là không thể xin được việc.
Mọi người trong gia đình đến xã hội từng khuyên Wolfe hãy kiếm lấy một tấm bằng để có sự nghiệp ổn định, nhưng không phải lúc nào chàng sinh viên ngoài 20 tuổi cũng có thể đánh giá chính xác lựa chọn của mình.
Thế rồi thị trường lao động cũng chẳng như ý muốn để sinh viên ra trường có thể làm đúng ngành.
"Hãy cố gắng kiếm việc đầu tiên đúng ngành nếu không muốn bị dồn vào những mảng chả liên quan gì đến kiến thức bạn học trên trường", anh Wolfe chia sẻ.
Theo giáo sư Joseph Fuller của trường đại học Harvard, sinh viên nên cố gắng tập trung 2-3 công việc làm khi mới ra trường của mình có liên quan đến một lĩnh vực thay vì mất phương hướng để rồi bị đánh giá thấp trong mắt nhà tuyển dụng.
Bằng chứng là một nửa số sinh viên ngành y vẫn không kiếm được việc làm đúng ngành sau 5 năm tốt nghiệp. Tương tự, các sinh viên ngành marketing, nhân sự có nguy cơ làm trái ngành cao gấp đôi so với mảng kế toán, tài chính vì thị trường việc làm không đơn giản.
Đe dọa từ AI
Tốn tiền học đại học để rồi chưa chắc đã theo đúng ngành là thế, nhiều sinh viên mới ra trường hiện nay còn phải đối mặt với nỗi lo từ trí thông minh nhân tạo (AI). Công nghệ mới này hiện đã thay thế được một số nhiệm vụ đơn giản vốn trước đây dùng để tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Hậu quả là cơ hội cho các bạn trẻ ngày một hẹp hơn.
Cô Marouna Ouadani, 24 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị du lịch đã từng làm nhân viên bán hàng cho công ty du lịch năm 2021. Thế nhưng biến động thị trường khiến cô phải chuyển sang làm marketing truyền thông, vốn chẳng liên quan gì đến kiến thức học trên trường.
"Thị trường lao động cho thấy chẳng quan trọng bạn có bằng gì, bất kỳ ai cũng có thể thay thế", cô Ouadani than thở.
Rõ ràng, sự phát triển của AI khiến tấm bằng đại học càng mất giá và có lẽ tác giả Robert Kiyosaki đã đúng khi trường lớp không phải con đường đảm bảo sự giàu có và hạnh phúc như nhiều người mong muốn.
"Khi tôi trả tiền cho bạn và bạn nhìn nhận mình là một người làm thuê, bạn đã sập ‘bẫy’ của cái nghèo. Khoảnh khắc bạn nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết", ông Kiyosaki chia sẻ.
*Nguồn: WSJ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.