Tại sao con tôi đi học văn hóa, học múa, học đàn rồi lại phải học thêm cả cách để KHÔNG PHẢI CHẾT?

Người ta bảo trẻ con như tờ giấy trắng nên 'biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan', nhưng giờ trẻ em còn phải thêm 1 thứ biết, biết bảo vệ bản thân mình nữa. Cuộc đời nào ai cho phép chỉ cho con học nhạc, học múa, học lịch sử, văn học...

01

Sau giờ ăn tối, mẹ con tôi vội vàng tới lớp học đàn. Tôi vẫn cố tìm 1 khoảng thời gian trống để nói lại với con về bài học an toàn khi có thêm 1 đứa trẻ 5 tuổi vừa chết tức tưởi vì 1 "gã hàng xóm thân như người nhà". Tôi phải nói với con 1 bài học dường như phản giáo dục rằng "không có ai là thân thiết ở ngoài kia"...

"Con nhớ nhé, không có ai đáng tin ngoại trừ cha mẹ mình. Con có thể rất yêu quý họ, nhưng chưa chắc họ đã là người tốt. Có những vùng cấm mà con nhất định không được để ai được động tới. Và kể cả chú hàng xóm, ông nhà đối diện, anh con bạn mẹ... chúng ta không thể biết họ có phải là người xấu không. Nếu có những điều bất thường con hãy làm thế này và nhớ nói với mẹ...", tôi nói với đứa con gái 6 tuổi của mình như thế.

Tôi cũng nhắc lại với con về quy tắc 5 ngón tay và 4 vòng tròn để tránh bị xâm hại. Tôi không biết nói những điều đó có đúng không khi những người chú hàng xóm, ông nhà đối diện có vẻ thiện lương kia nhưng tôi vẫn phải dạy con đề phòng. 

Tôi sợ, tất cả những điều tôi nói với con về cách để giữ an toàn, để thoát thân, để sống sót sẽ thành vô nghĩa nếu kẻ thủ ác cố tình dùng sức mạnh để xâm hại, cố tình chặn đường sống của con vì 1 cơn thú tính nổi lên... Thì lúc đó mọi bài học phòng vệ hẳn sẽ là vô ích.

Tại sao con tôi đi học văn hóa, học múa, học đàn rồi lại phải học cả cách để sinh tồn? - Ảnh 1.

Làm sao tôi biết, con tôi biết đó là chiếc kẹo ngọt ngào của tình thân hay chiếc kẹo của cạm bẫy? Đến ngay cả chính tôi cũng còn không biết, làm sao con tôi biết...

Bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được tìm thấy ở bãi đất trống. Cũng có khi mọi bài học trong lúc cảnh giác đều rất rõ nhưng có khi ở 1 thời điểm nào đó bỗng dưng bị xóa mờ. Người lớn chúng ta còn có thể quên, nói gì 1 đứa trẻ. 

Có khi chỉ là 1 câu nói đơn giản "Mẹ con bảo chú đưa con tới chỗ mẹ vì mẹ đang bận việc 1 chút nên chưa thể đón con ngay", 1 câu nói như thế của ông bác vẫn hay chơi với bố có thể khiến cái đầu non nớt, trong sáng của con ở thời điểm đó quên đi tất cả bài học về sự cảnh giác, về thế giới ngoài kia khôn lường như thế nào.

Và có thể rồi cuối cùng chỉ còn tiếng gào khóc đau đớn của người mẹ: "Em đau lắm, em là người đầu tiên phát hiện con bé, quần thì không có, em gọi mãi mà nó chẳng chịu dậy, giờ nó đi thật rồi"...

02

Người ta bảo trẻ con như tờ giấy trắng nên "biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan", nhưng giờ trẻ em còn phải thêm 1 thứ biết, biết bảo vệ bản thân mình nữa. Cuộc đời nào ai cho phép chỉ cho con học nhạc, học múa, học lịch sử, văn học... Mỗi cha mẹ bắt buộc phải làm 1 người thầy, dạy con môn học về phòng tránh bị xâm hại và cách thoát thân khi gặp kẻ xấu.

Con ngơ ngác: "Mẹ ơi, chú S. là người tốt mà, tại sao lại có thể làm thế với trẻ con. Chú cũng hay cho con kẹo nữa...". Kẹo ư? Bao nhiêu chiếc kẹo đã kéo những đứa trẻ tới chỗ hiểm nguy? Làm sao tôi biết, con tôi biết đó là chiếc kẹo ngọt ngào của tình thân hay chiếc kẹo của cạm bẫy? Đến ngay cả chính tôi cũng còn không biết, làm sao con tôi biết...

"Con không nên nhận kẹo từ ai đó, kể cả chú S. vì rất có thể...", tôi chưa dám nói vế tiếp theo, tôi sẽ diễn đạt thế nào cho con hiểu về thế giới ngoài kia khôn lường. Về 1 đứa trẻ 5 tuổi bỗng dưng được tìm thấy ờ gò cát, không còn hơi thở, không còn nói cười... vì 1 ông hàng xóm, chơi thân thiết với gia đình mình, ngày ngày vẫn qua chơi...

Khi dư luận vẫn còn đang phẫn nộ, vẫn còn đau thương với 1 đứa trẻ 5 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu vô tội, ngây thơ ra đi theo cách đau đớn của 1 "ông hàng xóm thân thiết" vì 1 cơn thú tính mà đoạt mạng 1 đứa trẻ thì lại thêm 1 vụ việc 1 bé gái 2 tuổi khác ở Bình Thuận bị hiếp dâm. Thương bé, thương cha mẹ đứa trẻ, những bà mẹ đều lo lắng cho sự an nguy của con em mình.

Tại sao con tôi đi học văn hóa, học múa, học đàn rồi lại phải học cả cách để sinh tồn? - Ảnh 2.

Người ta bảo trẻ con như tờ giấy trắng nên "biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan", nhưng giờ trẻ em còn phải thêm 1 thứ biết, biết bảo vệ an toàn cho bản thân mình nữa...

Con đi học chữ đã kêu bàn tay quá mỏi, mẹ vẫn vội vã những giờ tan ca để đưa con đi học bơi, học đàn, học múa... để muốn con biết nhiều hơn, hạnh phúc hơn, tìm thấy niềm đam mê của mình. Dù có mệt, dù có những ngày đi làm áp lực đến mức chỉ muốn được... nghỉ hưu, thì tất cả những lần đưa con đi học, học cùng con vẫn có niềm vui len lỏi trong đó.

Nhưng lúc làm cô giáo dạy con về cuộc sống ngoài kia đáng sợ thế nào, về việc người tốt, kẻ xấu dường như đều có dung mạo như nhau, rằng con phải dùng não để phân tích, con phải dùng sự nghi ngại để cảnh giác, con phải ngờ vực trước lòng tốt, con phải đề phòng từ người lạ đến người quen... thì mẹ tự nghĩ mình đã nhồi vào đầu con thứ gì thế này?

Nhưng rõ ràng sự an toàn là quan trọng, mạng sống là chuyện sống còn...

03

Con của cô bạn hàng xóm đang chơi ngoài hành lang, đứa bé mũm mĩm, dễ thương đến mức lúc nói chuyện tôi phải ôm lấy nó 1 cái. Ấy vậy mà nó đẩy tôi ra và nói: "Mẹ con bảo không được cho ai động vào người". Tôi biết nó yêu quý tôi vì lúc nào nó cũng sẽ chạy theo để chuyện trò, để rủ tôi chơi 1 trò trẻ con gì đó. Nhưng nó vẫn cảnh giác.

Đứa trẻ đã nhớ và thực hiện rất tốt bài học mẹ nó dạy. Còn tôi thì vô tình đã thành 1 người lớn mất lịch sự chỉ vì... yêu quý 1 đứa trẻ. Chúng ta những người lớn cũng buộc phải nghi ngại và cảnh giác về nhau. Từ lúc nào cái ôm cũng thành chuyện không bình thường. Từ lúc nào những đứa trẻ vô lo, vô nghĩ, vô tư nhường kia phải "khắc dấu" vào não mình về những "vết nhơ" của người lớn xấu xí.

Trong 1 câu chuyện sau đó với mẹ cô bé ấy, bạn hàng xóm nói với tôi rằng: "Đúng là mình dặn con thế vì hôm mình nghe thấy chuyện được kể lại thằng bé hàng xóm bằng tuổi Mun đòi tụt quần cho thằng bé xem. Sau đó thì mình dạy con rằng không có bất kỳ ai là an toàn". 1 đứa trẻ tò mò hoặc đã "nhuốm màu xấu xí" của người lớn...

Vẫn biết cuộc sống là như thế, tốt xấu luôn song hành. Nhưng chúng ta đang sống trong thời bình, nơi người ta tin rằng chúng ta có thể có tất cả những điều chúng ta muốn. Đến cả việc con người có thể bay như chim trời, cả việc ở 2 nửa trái đất vẫn có thể nghe thấy hơi thở, nhìn tận sâu vào mắt nhau... Nhưng thứ chúng ta thấy lại thiếu là niềm tin và sự an toàn.

Tại sao con tôi đi học văn hóa, học múa, học đàn... rồi lại phải học cả cách thoát thân khỏi những kẻ thủ ác? - Ảnh 3.

Từ lúc nào những đứa trẻ vô lo, vô nghĩ, vô tư nhường kia phải "khắc dấu" vào não mình về những "vết nhơ" của người lớn xấu xí...

Tôi muốn con tôi được sống và học hành vô tư. Tôi muốn dạy con về lòng tốt vẫn luôn đầy ắp xung quanh chúng ta. Tôi muốn nói với con rằng, thế giới này nơi đâu cũng có thể là nhà. Tôi muốn con mình được vô tư mà sống, muốn trí óc non nớt và sự vô tư kia không bị "nhuốm chàm". Tôi muốn con có những khoảng thời gian trống để vui đùa. Tôi muốn không phải trả lời những câu hỏi tại sao đến khó giải thích...

Nhưng đó hẳn nhiên là điều không thể được. Khi những kẻ thủ ác cũng đã từng là ông, là cha, là chú... nhưng sẵn sàng bóp cổ đến chết 1 đứa trẻ đáng tuổi con, tuổi cháu mình vì sự thú tính trỗi dậy, vì những "nếp nhăn bệnh hoạn" trong trí óc của kẻ đê tiện

Có phải chúng ta phải học cách chấp nhận "sống chung với lũ", khi vẫn còn những kẻ đồi bại có thể lạ, có thể quen. Chúng đang "mặc bộ quần áo" người quen, người thân mà mắt thường chúng ta không thể thấy. 

Thôi đành dù tâm hồn con có thể tổn thương, dù có nhiều chuyện khó hiểu; dù con có hỏi khó "Tại sao người lớn phải làm như thế để làm gì? Chú ấy, ông ấy, bác ấy không có con ạ?", dù người lớn có nhìn nhau hoài nghi, nhưng sự an toàn và mạng sống của con hẳn nhiên là trên hết... Phải còn an toàn, còn sống sót chúng ta mới có thể nói tiếp về tương lai!

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/tai-sao-con-toi-di-hoc-van-hoa-hoc-mua-hoc-dan-roi-lai-phai-hoc-them-ca-cach-de-khong-phai-chet-22202120412153583.htm

 
 

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang