Kate Lewis là nhà văn, tiểu thuyết gia tự do đang sinh sống ở Nhật Bản cùng gia đình. Qua một thời gian sinh sống, gia đình cô đã thích ứng được cuộc sống và văn hóa ở nơi đây. Nữ nhà văn Mỹ đã kể lại "cuộc phiêu lưu" của mình với 2 người con ở Nhật Bản trên một trang blog cá nhân dưới góc nhìn của một người phương tây. Dưới đây là một bài viết của tác giả Kate Lewis thể hiện sự ngưỡng mộ trước cách mà các bậc cha mẹ người Nhật dạy dỗ con cái của họ.
Các gia đình Nhật Bản kỷ luật con cái họ như thế nào - và làm thế nào để họ khuyến khích hành vi tốt ngay từ đầu? Tôi không phải là người mẹ Mỹ duy nhất hỏi câu hỏi này.
Một trong những quan niệm sai lầm nhất mà tôi mắc phải khi chuyển đến Nhật Bản là trẻ em ở đây đã có tính tự giác và kỷ luật ngay từ khi sinh ra. Tôi hình dung các bé là những người máy tí hon, biết nghe lời cha mẹ và tuân theo mọi quy tắc với một thái độ tôn trọng. Từ những chuyến đi đầu tiên của mẹ con tôi trên các chuyến tàu, điều này dường như đúng như vậy.
Những đứa trẻ nhỏ hơn con trai tôi 2 tuổi ngồi ngay ngắn và im lặng trên những chiếc ghế tàu sang trọng. Trong khi đó, con tôi coi không gian chật chội trong toa tàu như sân khấu biểu diễn của nó. Thằng bé hết chạy nhảy rồi lại cười nói với những hành khách khác dù họ không thực sự bận tâm đến những trò đùa của nó. Thấy vậy, miệng tôi thì thầm những lời nhắc nhở thằng bé trong khi các bà mẹ Nhật dường như vẫn bình tĩnh bên cạnh những đứa con ngoan ngoãn của mình.
Chính xác thì con trai tôi cư xử không tệ. Cái tạo nên sự khác biệt giữa thằng bé và những đứa trẻ cùng trang lứa ở Nhật chính là văn hóa và cách giáo dục khác biệt. Tôi bắt đầu tự hỏi: Những gia đình Nhật đã dạy con cái như thế nào? Họ sẽ hành xử ra sao khi những đứa trẻ mắc lỗi ?
Tôi không phải là người mẹ Mỹ duy nhất tự hỏi mình câu hỏi này. Việc tìm kiếm một đứa trẻ Nhật có hành vi không đúng mực như cáu kỉnh, ồn ào đã trở thành "một trò chơi" với những người mẹ quốc tế mỗi khi chúng tôi đưa con đến công viên hay viện bảo tàng. Mỗi lần bắt gặp điều đó, chúng tôi đều sẽ thở phào nhẹ nhõm, bởi khi đó chúng tôi hiểu rằng, không chỉ con của chúng tôi mà hầu như đứa trẻ nào cũng từng có lúc như thế.
Điều ngạc nhiên là các bậc cha mẹ Nhật dường như không can thiệp gì cả. Đứa trẻ sẽ ngồi trên mặt đất, khóc lóc và la hét còn cha mẹ dường như không quan tâm lắm.
Tôi còn nhớ kỉ niệm trên chuyến tàu từ Shinjuku đến Yamanote mà mẹ con tôi từng đi. Lần đó thằng bé tức giận vì không muốn đi tàu về nhà nên quậy phá và ăn vạ ngay trong toa khiến tôi rất bối rối. Lúc đó, tôi đang bế con gái mới mấy tháng tuổi nên không thể dỗ dành được thằng bé nên chỉ biết nói lời xin lỗi với những hành khách xung quanh. Thực lòng, tôi rất hi vọng ai đó có thể lên tiếng để nhắc nhở con mình vì không có biện pháp kỷ luật nào của tôi đủ hiệu quả để ngưng trò quấy phá của nó.
Sau đó, tôi đã kể chuyện này với giáo viên dạy tiếng Nhật của mình và cô giáo của tôi đã mô tả điều đó bằng cụm từ "Ma no nisai", ý chỉ tuổi ẩm ương của những đứa trẻ. Cô giáo bảo đứa trẻ nào cũng sẽ phải trải qua giai đoạn này trong đời, và tất nhiên, những đứa trẻ ở Nhật cũng thế. Khi tôi hỏi cô về cách bố mẹ người Nhật "cầm cương" với những đứa con ở giai đoạn này và mong chờ một câu trả lời thì cô ấy chỉ mỉm cười.
Một ngày nọ, tôi vô tình phát hiện ra tại sao tôi chưa bao giờ thấy một đứa trẻ Nhật Bản nào bị phạt. Lần đó cũng trên một chuyến tàu trở về nhà, có một đứa trẻ tỏ thái độ khó chịu về việc phải đi tàu như con trai tôi đã từng. Ông bố kéo cả gia đình mình ra khỏi toa tàu và khi cánh cửa đóng lại, đoàn tàu lao đi, tôi thấy giữa sân ga vắng vẻ là hình ảnh ông bố nghiêm nghị nhắc nhở, thậm chí có lớn tiếng với con mình vì hành vi không đúng mực vừa rồi. Đó thực sự là một phát hiện mới mẻ của riêng tôi.
Hóa ra, trong khi tôi thường tập trung vào việc ngăn chặn hành vi xấu của trẻ xảy ra thì cha mẹ Nhật dường như sẽ đợi đến thời điểm riêng tư nhất để giải quyết vấn đề đó. Và rồi, tôi bắt đầu để ý thấy điều này xảy ra ở khắp mọi nơi ở Nhật - các bậc cha mẹ thường thu mình sau những cây cột ở nhà ga, đằng sau hàng rào công viên để có những cuộc trò chuyện thầm lặng và nghiêm túc với con mình.
Tôi chợt nhận ra rằng đây là cách hành xử rất tinh tế của người Nhật, vừa giúp giữ thể diện cho trẻ ở chốn đông người, vừa giữ được lòng tự trọng cho ba mẹ đồng thời vẫn giúp con học được một bài học ý nghĩa. Thực ra, việc quát mắng con trẻ ở nơi công cộng có thể là một con dao hai lưỡi. Không những không giúp con sửa sai mà còn khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và có những phản ứng tiêu cực hơn.
Trong tiếng Nhật, phạt là shitsuke - cũng có nghĩa là giáo dục. Tôi đánh giá cao ý nghĩa ẩn chứa bên trong đó. Cha mẹ luôn được kỳ vọng sẽ làm gương cho con cái noi theo và cách dạy con của người Nhật khiến tôi rất ngưỡng mộ. Quả thực, giải quyết vấn đề theo cách riêng tư có vẻ vẫn tốt hơn là chờ đợi phản ứng từ đám đông như tôi đã từng làm.
Cha mẹ Nhật chỉ phạt vì hành vi chứ không phải phạt con trẻ
Thực tế, người Nhật vẫn có một số biện pháp kỷ luật con trẻ khá nghiêm khắc. Một gia đình ở Nhật Bản đã từng gây xôn xao dư luận quốc tế khi để đứa con trai của mình đi lạc ở Hokkaido - địa phận có gấu sinh sống sau khi "đuổi" con ra khỏi ô tô như một hình phạt cho hành vi chưa ngoan. Vài phút sau, khi họ quay lại thì không thấy con trai nữa. Thật may mắn, cậu bé đã được tìm thấy với tinh thần khá hoảng loạn.
Các nhà tâm lý học trẻ em trên toàn thế giới dường như đều có chung một quan điểm rằng các bậc cha mẹ tốt nhất nên phạt hành vi của trẻ chứ không phải phạt đứa trẻ.
Việc rèn luyện tính kỷ luật - dạy trẻ em cách cư xử đúng mực bằng cách làm gương cho trẻ lần này qua lần khác để chúng tự có ý thức sửa sai khi đi chệch khỏi lộ trình đó - cũng được thể hiện rõ ràng qua những lần tôi đến thăm con trai ở trường mẫu giáo. Học sinh tuân thủ một thời gian biểu nghiêm ngặt, các bài hát, trò chơi được học và tham gia lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ cũng được rèn cách cư xử lịch sự như sắp xếp giày ngay ngắn và ngồi giữ trật tự cho đến khi những điều này trở thành thói quen.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, điều mà tất cả chúng ta cho là những phương pháp liệu có hiệu quả. Một buổi chiều tôi tới đón con, cô giáo có nói chuyện với tôi sau giờ học. Thông qua một người bạn giúp phiên dịch, cô giáo nói rằng cô ấy đã gặp khó khăn trong việc dạy đứa con 2 tuổi của tôi vào ngày hôm đó. Cô ấy không biết làm thế nào để thằng bé dừng trò đùa lại bằng tiếng Anh, còn con trai thôi thì đã nhầm lời nhắc nhở của cô giáo thành một trò chơi mới và bắt chước cô giáo.
Cuối cùng, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã mắng thằng bé như tôi từng làm. Điều này khiến tôi có chút ngạc nhiên xen lẫn sự xấu hổ. Tuy nhiên, cô giáo cười và bảo rằng phương thức này có vẻ hiệu quả.
Theo Savvytokyo.com
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.