Tâm sự kể khổ siêu hài hước của ông bố bỉm sữa "trầm cảm sau sinh"

Tâm sự của một ông bố bị mắc chứng...trầm cảm sau sinh khi mới “vào nghề” chưa đầy một tháng đã khiến cộng đồng mạng bật cười nghiêng ngả bởi sự hài hước nhưng cũng không kém phần chân thực.

Tâm sự kể khổ hài hước của một ông bố mới "vào nghề"

Thông thường, người ta hay đề cập đến những nhọc nhằn, vất vả của người phụ nữ sau khi sinh con. Bởi người mẹ luôn là người túc trực cạnh bên, chăm ẵm con từ khi mới lọt lòng suốt 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, còn người bố thì sẽ bận rộn với công việc ở bên ngoài.

Thế nhưng mới đây, một ông bố đến từ thành phố Hồ Chí Minh lại lên mạng chia sẻ bản thân đang mắc chứng...trầm cảm sau sinh.

Anh Phạm Dương sinh năm 1984, hiện đang là kỹ sư tàu thuỷ cho biết, đó là những chia sẻ hài hước, nhưng cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống của anh – một ông bố mới "vào nghề".


Ông bố bỉm sữa này đã trở thành "siêu nhân" có khả năng thực hiện thành thục nhiều kĩ năng sau khi lên chức bố.

Anh Dương chia sẻ về cuộc sống của mình sau khi đón em bé đầu lòng:

"Sau khi vợ sinh 3 tuần, tôi có lẽ đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Qua hơn hai chục ngày cuộc sống ngập trong phân và sữa (đêm pha sữa ngày dọn phân, vật vã thay tã, rửa bình), tôi đã có dấu hiệu bị sang chấn tâm lý. Biểu hiện:

- Vợ sai gì làm nấy, thỉnh thoảng có vừa làm vừa càm ràm nhưng không dám nói to.

- Thường lẩn thẩn làm việc vô thức theo bản năng, không cần suy nghĩ. Thấy con ngọ nguậy là vạch tã ra ngửi, thấy khóc là tự động pha sữa, thấy phân là lao đi lấy tã, khăn lau, thấy bình là vác đi rửa.

Tuy nhiên sau 3 tuần, tôi cũng đã hội tụ đầy đủ phẩm chất của một ông bố bỉm sửa mẫu mực. Thường xuyên học hỏi trao đổi kinh nghiệm với hội các mẹ bỉm sữa tại cơ quan và đã thành thục tất cả các kỹ năng:

- Chuyên gia phân tích phân trẻ em (có thể giám định phân tốt, xấu bằng mắt và mũi).

- Chuyên viên điều chế nước ấm (chuyên chế các thể loại nước nóng lạnh thành ấm đảm bảo chuẩn 40 độ C).

- Thợ pha sữa bậc cao.

- Công nhân rửa bình lành nghề.

- Vận động viên thay tã tốc độ.

- Nghệ nhân quấn tã nghệ thuật.

Giờ đang bế con trên tay (mẹ nó đang lăn quay ra ngủ), tôi chỉ mong ước một điều là khi nó lớn đến tuổi đi học, mình đi họp phụ huynh, cô giáo nó trông xinh một chút.

Thế là đủ!".


Ông bố bỉm sữa đảm đang khiến dân mạng không khỏi bật cười trước tâm sự hài hước của mình.

Chia sẻ hóm hỉnh này nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm chỉ sau thời gian ngắn đăng tải. Nhiều người không khỏi cười ngả nghiêng trước tình huống "dở khóc dở cười" mà ông bố bỉm sữa 8x đang gặp phải.

Đồng thời, lắng nghe tâm sự của anh Phạm Dương, dễ dàng cảm nhận được đằng sau giọng điệu than vãn hài hước là tình yêu thương mà anh dành cho vợ và con trai đầu lòng của mình.

Cộng đồng mạng cũng rất bất ngờ trước hình ảnh của một ông bố mẫu mực: dù vất vả và nhiều bỡ ngỡ nhưng vẫn rất chăm chỉ, cẩn trọng trong việc chăm con.

Theo đó, anh Dương luôn túc trực cùng vợ ẵm bế, thay tã, cho con uống sữa và thậm chí còn phân tích, ngửi mùi cả… phân trẻ em để biết con có đang khỏe, hệ tiêu hóa có làm việc bình thường hay không.

Niềm hạnh phúc khi trong nhà có thêm một "viên ngọc quý"

"Viên ngọc quý" là cách anh Dương ví von khi nói về cậu con trai mới sinh của mình. Được biết, anh và vợ là chị Lê Hoàng Thư kết hôn được 2 năm, và hiện tại con trai đầu lòng của họ được hơn 20 ngày tuổi.

"Năm đầu tụi mình chưa dám sinh em bé, vì mình đi công tác xa, sợ mẹ bé ở nhà vất vả, sợ cả lúc công tác về bé gọi mình bằng...chú nữa thì lại khổ ra.

Lần đầu tiên lên chức bố, như trong nhà có thêm một viên ngọc quý vậy, mệt nhưng mà vui và hạnh phúc lắm. Vui vì được nâng niu ngắm nghía, còn mệt là vì phải bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn" – ông bố bỉm sữa 8x chia sẻ.


Anh Dương và chị Thư kết hôn được 2 năm và họ vừa hạnh phúc đón chào thêm một thành viên mới trong tổ ấm nhỏ của mình

Theo anh Phạm Dương thì từ khi có con, cuộc sống, giờ giấc sinh hoạt của anh thay đổi chóng mặt, tất cả mọi thứ đều xoay quanh thiên thần nhỏ của mình.

"Hiện tại mẹ bé đang hơi ít sữa nên mệt hơn một chút, cứ 2-3 tiếng em lại bú một lần nên bé đã làm thay đổi hết giờ giấc sinh hoạt và thói quen của ba mẹ.

Và còn nhiều thứ thay đổi nữa, trước hết là các giác quan, mũi và tai thính hơn, mắt tinh hơn. Giờ ngồi dưới nhà mình vẫn có thể nghe thấy tiếng bé khóc khe khẽ trên lầu.

Có mùi gì lạ trong phòng bé là ngửi thấy ngay, nhất là mùi bé ị. Còn mắt thì tinh hơn hẳn, trước muỗi nó đốt mình mới biết, giờ có con gì bay lướt qua phòng thôi cũng biết là ruồi hay muỗi, nói vui là có thể phân biệt được đực cái".

Để có được những kỹ năng như trên thì ngoài tâm huyết của một ông bố, anh Dương còn chuẩn bị khá nhiều trước khi vợ sinh con. Anh không ngừng tìm hiểu kiến thức thông qua đọc sách, tra cứu trên mạng, trao đổi với các ông bố, bà mẹ có kinh nghiệm khác và đương nhiên là có cả việc nhận sự tư vấn sát sao của hai bà nội, ngoại.

Tuy học hỏi nhiều rồi nhưng anh Dương ngậm ngùi cho hay, lý thuyết vẫn cách xa thực tế đến tận nửa vòng trái đất: "Ví dụ điển hình như ngay đêm vừa sinh em bé, dù đã được các nữ đồng nghiệp cảnh báo về phân su em bé. 

Nhưng cái cảm giác lần đầu nhìn thấy phân em bé thật ngây ngô, trong sáng, vụng dại làm sao, cứ như… lần đầu nắm tay người yêu ấy.

Hai vợ chồng bần thần nhìn nhau ngơ ngác, vợ quay sang hỏi chồng: phải làm sao. Chồng nhìn lại vợ: thế nào bây giờ.

Lại còn chạy đi hỏi bác sĩ: bé nhà em vừa mới sinh xong hồi tối đã ị luôn rồi có sao không bác sĩ, bị bác sĩ mắng cho: hỏi thế cũng hỏi, về lau cho bé đi. Thế là hai vợ chồng vật lộn một hồi cũng xong.

Tất cả mọi việc từ thay tã, pha sữa, rửa bình... đều rất bỡ ngỡ, vụng về. Nhất là khi bé khóc lại càng cuống lên. Nhưng vất vả nhất vẫn là ban đêm. Bé nhà mình người Việt mà giờ giấc nhưViệt kiều Mỹ.

Ngày thì bú no, ngủ ngoan. Đêm đến thì bé bừng tỉnh "quẩy" cùng ba mẹ, đến đi ị cũng để dành đến đêm dâng tặng ba mẹ".


Từ ngày có "viên ngọc quý", cuộc sống của 2 vợ chồng thay đổi nhiều nhưng vô cùng hạnh phúc.

Vất vả là thế, nhưng sau tất cả, ông bố 8x vẫn tâm sự rằng bản thân rất thấu hiểu và mong muốn chia sẻ, đỡ đần vợ, bởi thời gian sau sinh, sức khoẻ chị Thư còn yếu và anh muốn dành thời gian cho hai mẹ con nhiều hơn.

Đồng thời, theo anh Dương thì chăm sóc con cái không hẳn chỉ là nhiệm vụ mà anh còn xem đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, quý giá.

"Khi con chào đời, mình vừa vui mừng, xen lẫn cả ngạc nhiên vì một thanh niên vụng về, thiếu nghiêm túc như mình lại có khả năng... "sản xuất" ra một em bé dễ thương đến vậy

Lúc đó ngắm nhìn bé thôi cũng thấy vui rồi, từng cử chỉ, động tác...đến cả gương mặt lúc đang ị của nó cũng đáng yêu nữa. Lần đầu bế con trên tay cảm giác như là rất thân thuộc và gắn bó dù mới gặp nhau lần đầu".

Dù cuộc sống có xáo trộn và vất vả hơn trăm đường so với khi chưa có con, nhưng anh Dương đã và đang tận hưởng niềm hạnh phúc khi được lên chức bố.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang