Ý vợ tôi luôn là... ý trời xanh
Số 1 dành cho vợ đó là sự thực, nhưng nếu vợ tôi muốn chọn số 2, số 3 thì tôi cũng chỉ ngoan ngoãn mà gật đầu thôi.
Vợ tôi bảo: "Cả nhà cuối tuần đi Hạ Long", chúng tôi reo hò như thể thích quá sắp được đi du lịch. Dù bỗng dưng đợt đó tôi cảm thấy khó ở, chỉ muốn được nằm trong phòng xểnh xang vào cuối tuần. Nhưng tôi biết nếu tôi cãi thì vợ tôi sẽ cho tôi 1 bài học về trách nhiệm và thái độ đúng đắn cần có của 1 người đàn ông trong gia đình. Tôi biết thế nên ngậm miệng, ủng hộ vợ.
Tôi muốn mua chiếc loa, vợ tôi muốn mua máy rửa bát, thì tôi cũng ngậm họng mà nghe theo mọi quyết định của lệnh bà.
Ngay cả cách nuôi dạy con cái khi tôi khẽ húng hắng bảo: "Anh nghĩ con cũng cần thời gian nghỉ ngơi, không đến nỗi phải ép con học hành quá đáng". Vợ tôi bảo: "Anh thì biết cái gì mà nói, 2 đứa con 1 tay tôi lo học, chọn lớp, chọn thầy, chọn trường. Thời cuộc đã thay đổi đến đâu rồi mà anh vẫn còn ảo tưởng rằng không học hành mà vẫn thành tài". Con tôi muốn cãi nhưng sợ xanh mắt nên cũng suỵt suỵt bố rằng thôi... im miệng.
Vợ tôi là nóc nhà, là bà chủ, là kẻ áp bức, là người hỏi ý kiến tỏ vẻ dân chủ bằng cách chốt vấn đề rồi hỏi ai có ý kiến khác không mà bố bảo cũng chẳng ai dám lắc. Thế nhưng lỡ ai mạnh dạn có ý kiến khác thì có cảm giác vợ tôi có thể... "nhai đầu" họ ngay tức khắc. Nhưng không vợ tôi sẽ không "nhai đầu" ai hết, vợ tôi chỉ hùng biện, phân tích đến mức tất cả đều cảm thấy rằng thì là ý vợ tôi là ý trời xanh.
Ai đó bảo "đội vợ lên đầu là trường sinh bất tử" hoặc "sợ vợ là đức hạnh" tôi cũng không thấy có gì sai. Nếu tôi nghe lời vợ nhà cửa có phần được bình yên, nhưng nếu không ví dụ như đi đâu về trễ, lỡ nhậu với anh em, hoặc làm 1 việc gì trái ý vợ thì có cảm giác ngày tận thế đang tới rất gần.
Tôi bảo cho con học trường này, vợ bảo: "Em thấy trường kia cũng có ưu điểm A, B, C...". Tôi gật đầu: "Vậy cứ làm theo ý em đi". Vợ tôi quát: "Đàn ông đàn ang gì mà không có chính kiến". Tôi mạnh mẽ: "Thì trường anh nói cũng có ưu điểm E, D, F...". Vợ tôi nguýt dài: "Nói thế mà cũng nói, E - D - F thì là cái gì so với A - B - C". Tôi lẳng lặng lấy cớ đi uống nước rồi lén đi chỗ khác. Mọi cuộc tranh cãi tôi đều đã biết kết quả.
Bữa nào bạn bè rủ đi nhậu tôi phải rào trước đón sau tới 2 ngày. Ấy thế mà hôm đấy thấy bản mặt vợ có vẻ khó coi cũng thôi thì hủy hẹn với lý do "nhà có việc". Cố dấn vui 1 chút mà thì biết "tới công chuyện" ngay thì thôi nén vui lại cho nhà cửa bình an qua ngày.
Trong ngày họp gia đình bàn việc họ tộc, khi trưng cầu dân ý, vợ tôi được phát biểu thì thẽ thọt: "Cháu là phận dâu con, gia đình ta quyết thế nào cháu theo thế. Với lại trong nhà, mọi việc đều là do chồng cháu quyết. Ý kiến gia đình riêng, cháu nhờ chồng cháu phát biểu, ý anh ấy cũng là ý cháu ạ". Trước đó, cô ả đã nhắn cho tôi 1 chiếc tin: "Cứ theo phương án B. Làm trái thì tôi giao hết cho anh đấy".
Trong cuộc ăn nhậu có tính ngoại giao, nàng đưa 2 tay dâng tôi chiếc tăm. Ở nhà nàng gác chân lên sofa gọi lớn: "Chồng yêu ơi, em chưa có tăm".
Ra ngoài đường mẹ đơn thân đẹp sang chảnh ngút ngàn, vợ nhìn sang tôi chép miệng... ước gì
Ở nhà tôi thì hoàn cảnh như vậy mà ngoài nhà tôi thấy chị em vẫn hô hào đấu tranh cho nữ quyền. Chị thì muốn đàn ông san sẻ việc nhà. Chị thì bảo không cần đàn ông việc gì tôi cũng có thể làm tất. Một số chị còn mạnh miệng tuyên bố: "Chỉ có tiền bạc mới không phản bội mình, còn đàn ông thì...". Chị lại "thà khóc trên BMW còn hơn cười trên xe đạp".
Ra ngoài đường giờ mẹ đơn thân đẹp lồng lộn, sang chảnh ngút ngàn khiến các bà vợ đang có chồng chép miệng... ước gì. Gái 30 chưa chồng thì nhất quyết "thà ế để tìm người tử tế", chứ nhất quyết không vơ bèo bạt tép. Mà tiêu chuẩn tử tế của các chị "gái ế" đều cỡ nhà riêng, xe riêng, thu nhập 30 triệu trở lên, đẹp trai cao hơn 1m70.... khiến đám đàn ông bỗng dưng có cảm giác... không dám bén mảng.
Một mặt các chị kêu gọi nữ quyền, rằng phụ nữ phải vùng lên chống lại những định kiến áp đặt phụ nữ là phải hy sinh, là chịu thương, chịu khó, công dung ngôn hạnh này kia. Điều đó là tôi thấy rất đúng.
Nhưng sau mỗi vụ đánh ghen các chị nhảy lên cả xe ô tô dùng guốc gõ vào kính đòi cô bồ phải lộ diện ra để các chị nắm tóc, kéo váy cô ả đã cướp chồng cô như thể chồng là 1 vật sở hữu vô tri. Đã thế sau đó hàng loạt các chị em kêu lên: "Đàn ông dặt 1 lũ đểu", "Không tin được đàn ông bất kỳ nào nữa, vì họ giống nhau", "Thôi từ giờ có gì ngon thì ăn, mặc cho đẹp, đừng có ki cóp cho cọp nó xơi nữa"...
Ừ thì chồng chị nào đó léng phéng bên ngoài là có thật, nhưng chúng tôi những người đàn ông đội vợ lên đầu có lỗi gì khi các chị vơ đũa cả nắm để vợ tôi về bỗng dưng mặt rơi như cái mâm: "Mấy chị cơ quan bảo đàn ông nào cũng giống nhau, họ chỉ tốt cho đến khi... bị lộ. Từ giờ em nhất định phải lập quỹ đen phòng lúc thoát thân. Mất chồng nhưng bù lại có tiền thì cũng không khổ quá". Phần tiền còn lại vợ bỗng dưng thu nốt, mỗi ngày nàng sẽ hỏi nay có phải đổ xăng không để chi thêm 50k.
Con sâu thì làm rầu nồi canh mà các chị thì luôn vơ đũa cả nắm kiểu "1 lũ đàn ông tồi tệ" khiến tình thế vốn đã khó khăn còn khó khăn hơn.
Ừ thì đúng là tư tưởng xưa nhiều cái cũng lỗi thời rồi như coi việc nhà là của phụ nữ. Nhiều ông có thái độ kiểu đàn bà đái không qua ngọn cỏ hay khẽ cái thì gắt lên "đàn bà thì biết cái gì" hoặc là ngồi mâm trên này nọ... hoặc khẽ cái thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay vì đàn bà yếu hơn mình, thì đúng là không ổn chút nào rồi. Chuyện đó cũng không phải hiếm, ở đâu đó nó vẫn diễn ra bao đời nay.
Tôi thì cũng đồng tình rằng nữ giới cần được giải phóng khỏi những định kiến nơi có những gã đàn ông cho rằng nữ giới là phải thế này thế kia, kiểu lấy chồng thì phải theo nhà chồng, rằng bếp núc là việc của đàn bà, rằng con gái phải yêu màu hồng, tóc dài, nết na, thùy mị... Phụ nữ người ta đã tiến đi đến đâu rồi, làm được bao việc đại sự rồi mà các ông vẫn còn ngồi đó mà nghĩ về đàn bà bằng ánh nhìn "ếch ngồi đáy giếng".
Chỉ là đôi lúc tôi chạnh lòng khi nhìn đến gia đình mình, nếu nữ quyền thực sự là cuộc đấu tranh như nhiều người đang nghĩ rằng nữ giới phải thắng đàn ông phải thua thì cuộc đời những gã đàn ông sợ vợ như chúng tôi còn "bẹp dí" đến đâu nữa.
Đàn bà trong nhà tôi thì quyền lực ghê lắm vì tôi hiểu giá trị của cô ấy, người đã mang đến cho tôi những đứa con dễ thương bằng nỗi đau như gãy 20 cái xương sườn, người đã khiến tôi cảm thấy bớt ngông cuồng mà nghĩ rằng mình có thể cứu được cả thế giới, người dù có dữ như hổ nhưng luôn biết chúng tôi cần gì vào lúc nào.
Ở nơi nào đó nữ giới cần được trả họ về vị trí đúng của họ là việc cần thiết, họ vô cùng vĩ đại, họ cần được tôn trọng, nhưng không phải là cách đưa thế giới trở về thời mẫu hệ như xưa. Làm bà chủ cũng đâu có sung sướng gì, hãy để đàn ông chúng tôi chung vai gánh vác cùng thế giới.
Vợ ơi, hãy làm phụ nữ, đừng làm một nữ cường nhân
Trả lại cho phụ nữ nữ quyền nhưng đừng để nữ quyền là 1 cuộc đấu tranh và đừng để họ chiến thắng, hãy sánh ngang chúng tôi thôi, đừng dẫn đầu bởi người tiên phong cầm cờ như anh hùng nhưng cũng có khi là bom mìn, là hiểm nguy. Tôn trọng họ là đủ, đừng tôn vinh họ 1 cách thái quá để đẩy thêm gánh nặng lên vai họ.
Cũng như chúng tôi dù có mạnh mẽ đến đâu chưa bao giờ dám nói rằng phụ nữ không quan trọng. Chúng tôi sợ vợ là vì tôn trọng người phụ nữ của mình chứ không ai bắt phải sợ. Vì thế, các chị em cũng đừng coi chúng tôi là giống loài bỏ đi, rằng không có đàn ông các chị vẫn sống tốt. Chị em tham gia chính trường rất rắn rỏi, nhưng đôi bàn tay mềm yếu là có thật, hãy để chúng tôi làm bớt những việc nặng nhọc, như thế chẳng dễ chịu hơn sao? Hãy làm phụ nữ, nhưng đừng cố làm nữ cường nhân nếu không nữ quyền lại thành phản tác dụng.
Cuối cùng nhân danh 1 người đàn ông ở trong 1 gia đình vợ là oách nhất, tôi ủng hộ nữ quyền, phụ nữ cần được làm những gì họ muốn, họ thích, phụ nữ cần được xóa bỏ đi những định kiến rằng "đàn bà thì chỉ đến thế thôi".
Nhưng nếu nữ quyền là 1 cuộc đấu tranh, nhất định đừng để họ thắng, vì tôi thương vợ tôi lắm, đừng để cô ấy nghĩ rằng không có chồng cô ấy vẫn làm được mọi việc, rồi đàn ông chúng tôi mất vợ, còn cô ấy thì hì hục tự sửa đường nước, bê vác đồ nặng làm cường nhân... Viễn cảnh ấy thật cũng không tốt đẹp gì!
Làm phụ nữ hạnh phúc là được, đừng làm nữ cường nhân!
TS. Khuất Thu Hồng, người nổi tiếng với các nghiên cứu về giới: "Không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam nhưng chưa thể nói chúng ta đã đạt được bình đẳng giới, hay là nói theo kiểu dân dã hơn là "Như thế này là tốt quá rồi!". Tôi nghĩ, với công lao, năng lực của họ, phụ nữ Việt Nam xứng đáng nhiều hơn thế.
Hãy nhìn vào từng gia đình, ngay cả ở thành phố, ngay cả ở trong những gia đình trí thức, có địa vị cao trong xã hội, liệu đã có bình đẳng thực sự hay chưa? Liệu có bao nhiêu ông chồng hết giờ làm việc về nhà nấu cơm, đón con? Có bao nhiêu ông chồng biết giặt quần áo và cho con ăn? Ở nông thôn thì bức tranh còn nhiều mảng tối hơn nữa. Cảnh "chồng chúa vợ tôi" vẫn chưa hề cũ trong cuộc sống của ngày hôm nay....".
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội: "Chúng ta nói về đấu tranh nữ quyền, nay là bình đẳng giới. Nhưng chúng ta nói quá nhiều về sự lên tiếng của nữ quyền, phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới. Chúng ta cần có tiếng nói từ nam giới. Rất nhiều quốc gia tôn vinh nữ quyền, nhưng sẽ tốt hơn khi chúng ta tôn vinh bình đẳng giới, sự chia sẻ, trách nhiệm của tất cả mọi thành viên trong xã hội, trong gia đình. Bình đẳng giới không có nghĩa là nam giới làm các công việc của phụ nữ hay phụ nữ làm các công việc của đàn ông. Tốt hơn hết là sự cùng tham gia, cùng chia sẻ".
(Tư liệu trích dẫn)
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/tam-thu-thong-kho-can-tet-cua-mot-ong-chong-neu-nu-quyen-thuc-su-la-mot-cuoc-dau-tranh-nhat-dinh-dung-de-vo-toi-thang-cuoc-222022231101228634.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.