Thái Lan gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn người: Tăng cả số lượng và cách thức

Khi Cảnh sát thực hiện giải cứu, đa phần nạn nhân của các vụ buôn người tại Thái Lan đều trong điều kiện rất tồi tệ, cách xa cộng đồng.

Thái Lan gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn người: Tăng cả số lượng và cách thức - Ảnh 1.

Một khu trại buôn người ở biên giới Thái Lan - Malaysia. Ảnh: Bangkokpost

Thái Lan liên tục được xếp hạng là một trong những điểm đến du lịch tốt nhất thế giới. Dữ liệu của chính phủ cho thấy Thái Lan đã đón kỷ lục 35 triệu du khách trong năm 2017 và tăng lên 37,6 triệu trong năm 2018.

Nhưng năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Thái Lan vào danh sách theo dõi cấp 2 - ngay trên bảng xếp hạng thấp nhất là cấp 3 - trong Báo cáo buôn bán người (TIP) hàng năm, với lý do giới chức Bangkok đã không hành động đủ mạnh để giải quyết nạn buôn lậu và buôn người.

Số nạn nhân buôn người được giải cứu ở Thái Lan đạt mức cao kỷ lục trong năm 2019. 

Theo dữ liệu thống kê được công bố vào tuần trước bởi Cơ quan Chống buôn người Thái Lan, cảnh sát nước này đã giải cứu 974 nạn nhân buôn người từ đầu năm tới nay, chủ yếu là từ Myanmar, cao hơn rất nhiều so với con số 622 của năm 2018.

Nạn buôn bán người tại nước này có xu hướng gia tăng gần đây, một phần vì nhu cầu của ngành công nghiệp khai thác hải sản và nạn mại dâm.

“Số nạn nhân của nạn buôn người năm nay có thể sẽ đạt mức cao kỷ lục, nhiều nạn nhân nói với chúng tôi rằng họ có kế hoạch làm việc ở Malaysia”, ông Mana Kleebsattabudh, phó chỉ huy tại Cơ quan phòng chống buôn người cho biết.

Có khoảng 4,9 triệu người di cư ở Thái Lan, chiếm hơn 10% lực lượng lao động của đất nước, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Hầu hết là từ các nước láng giềng nghèo hơn bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Ông Kleebsattabudh cho biết hầu hết các nạn nhân buôn người được giải cứu đã được người trung gian và các cơ quan tuyển dụng với giá 20.000-30.000 baht (650 - 975 USD) để làm việc trong các nhà máy ở Malaysia.

Thái Lan gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn người: Tăng cả số lượng và cách thức - Ảnh 2.

Những nạn nhân trong đường dây buôn người bị nhốt trong lồng tre. Ảnh: Bangkokpost

Nhiều người đã được giải cứu trong khi bị đưa về phía biên giới phía nam giữa Thái Lan với Malaysia.

"Những gì chúng tôi tìm thấy là những người này đang bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ ở rừng và cách xa cộng đồng, điều này cho thấy ý định xấu của những người lừa gạt, dẫn dắt họ", ông Kle Kleebsattabudh cho biết trên Reuters.

Quan trọng hơn, các nạn nhân không hề nhận ra mình bị lừa dối và thường cố gắng chịu đựng khó khăn để đến đích.

Kleebsattabudh nói rằng việc số lượng các vụ buôn nguời tăng lên đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng cũng như cách thức của những kẻ buôn người.

Trường hợp buôn người gần đây nhất là bằng đường biển vào ngày 11/6, khi một chiếc thuyền đánh cá chở ít nhất 70 người Hồi giáo Rohingya được tìm thấy mắc kẹt trên đảo phía nam Koh Lipe, ông Kleebsattabudh nói.

Chiếc thuyền đến từ Bangladesh và đã ở trên biển từ hai đến ba ngày trước khi hết dầu và bị cuốn trôi ra đảo.

"Họ ngủ bên cạnh nhau như những con vật khốn khổ nằm trên các tấm nhựa. Việc này thật vô nhân đạo", ông Kleebsattabudh chia sẻ.

Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố sẽ tấn công mạnh bọn tội phạm buôn người. 

Trong thời gian gần đây, chính quyền Thái Lan hợp tác với các hãng hàng không và tổ chức từ thiện để cảnh báo du khách không hợp tác với tội phạm buôn người, đồng thời kêu gọi họ phát hiện và báo cáo các trường hợp tiềm năng.

Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, Weachachon Sukhontapatipak, phát biểu: "Nỗ lực của mọi người là rất quan trọng, Chúng tôi đang làm hết sức mình. Vì vậy, chúng tôi hy vọng tình hình ở Thái Lan sẽ tốt hơn và được cộng đồng quốc tế công nhận".

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang