Thầy Lương Hải Đăng (giáo viên môn Ngữ văn, trường TH và THCS Victoria Thăng Long) từng gây sốt MXH khi sáng tác bài thơ giúp học sinh lớp 9 ghi nhớ thông tin các tác phẩm văn học.
Trên thực tế, trong quá trình dạy học, thầy Đăng vẫn luôn sáng tạo ra nhiều hoạt động mới mẻ, không chỉ giúp các em nắm bài học mà còn kết nối tình cảm thầy trò, bạn bè, cha mẹ - con cái.
Những tiết học "cộp mác" thầy Đăng không đi vào lối mòn "thầy nói, trò nghe" thụ động. Đó là những giờ học hấp dẫn, hiệu quả với vô vàn dự án, hóa trang, đóng vai, vẽ tranh,... giúp các em yêu thích môn Văn hơn và khơi gợi sự rung động bên trong mỗi con người.
Khi cha mẹ, học sinh đều có thể "đứng lớp"
Thầy Đăng cho biết, trong quá trình dạy học, thầy hay đặt mình vào vị trí của học trò, tự hỏi và trả lời, rằng những hoạt động mà mình tổ chức, hướng dẫn cho các con có mục đích gì, có tác động như thế nào. Ngoài những tiết học thông thường, lớp Văn của thầy Đăng thường xuyên có những hoạt động "phá cách" giúp học sinh chơi mà học hiệu quả.
Chẳng hạn, vào thời điểm hiện tại, thầy đang đồng hành cùng học trò trong "Vitamin cho tâm hồn", một dự án "khuyến đọc" rất thiết thực và ý nghĩa do Ban giám hiệu nhà trường khởi xướng. Hàng tuần, thầy Đăng giao cho học trò những nhiệm vụ đọc và trình bày lại phần đọc của mình bằng đa dạng các sản phẩm.
Đó có thể là những tấm postcard tái hiện hình ảnh nhân vật trong các tác phẩm mà học sinh đã đọc, những bài thuyết trình bằng Canva, PowerPoint, thơ hóa, nhạc hóa các tác phẩm văn học,… Trong giờ báo cáo sản phẩm dự án, sự sáng tạo không biên giới của học trò qua những "tác phẩm" như truyện tranh hoá "Dế mèn phiêu lưu kí" (Tô Hoài) hay những "vở diễn" do học trò là nhân vật chính, sáng tạo dựa trên cuốn sách "Những cao thủ tình cờ - Tỷ phú 9 tuổi" (Tom McLaughlin) đều khiến thầy giáo này vô cùng ấn tượng.
Xuất phát từ mục đích giúp học sinh hiểu hơn về nghề nghiệp của bố mẹ, để từ đó xây dựng, bồi đắp ước mơ, định hướng tương lai, thầy Đăng khởi xướng và cùng học sinh thực hiện chương trình đồng hành "Hiểu cha mẹ, thấu tình con".
Thầy cô và cha mẹ sẽ ngồi lại, cùng nhau bắt tay soạn "kế hoạch dạy học". Trong tiết học đầu tiên, cha mẹ sẽ kiêm rất nhiều vai trò, từ MC dẫn dắt, tổ chức trò chơi tới những phần chia sẻ cho các con về nghề nghiệp của mình.
Đó là những lá thư vô cùng xúc động được cha mẹ và các con chuẩn bị từ trước, cùng đọc để hiểu nhau trong hoạt động "Tâm đầu ý hợp". Đó là trò chơi "Truyền lửa", khi các con cùng nhau chia sẻ về những nghề mà mình biết,… Thu hoạch của tiết học là những nụ cười và cả nước mắt, là những cái ôm thật chặt, những yêu thương và gắn kết của bố mẹ, các con.
Chương trình đồng hành "Hiểu cha mẹ, thấu tình con" giúp kết nối cha mẹ - con cái
Có những tiết học, thầy giáo này sẵn sàng pha trò để học sinh hào hứng hơn. Với tiết mục "Hóa thân", thầy hoặc trò có thể sắm vai nhân vật trong các tác phẩm hoặc trong chính cuộc sống hằng ngày. Việc rèn giũa, bồi đắp hay hình thành kĩ năng, phẩm chất cứ tự nhiên và nhẹ nhàng lồng ghép vào những hoạt cảnh đó.
Thầy Đăng thường cho học sinh viết văn theo chủ đề tự do về bất cứ thứ gì, như cuộc sống thường ngày hay những điều các em quan tâm. Đó có thể là chuyện con chó ở nhà, con mèo nhà hàng xóm, hay chuyện có em rất sợ đi khám răng, em lại thích đi biển,… Ở đó có vui, có buồn, có hồi hộp, gay cấn, có những tâm tư, nỗi niềm, là tình thương, nỗi nhớ, là cuộc đời.
Học sinh được bộc lộ năng lực và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép và khuyến khích các bài viết cá tính, sáng tạo. Có lẽ vì không bị gò bó bởi barem điểm nên mỗi câu văn học sinh viết ra, như thầy Đăng nhận xét, rất "đời", rất "nhẹ nhàng và thấm đẫm".
Thầy Đăng cho rằng, mình may mắn khi được giảng dạy Ngữ văn tại ngôi trường có cô Nguyễn Thị Ngân Hoa (Hiệu trưởng nhà trường) là chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn THCS, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; cô Nguyễn Thị Vĩnh Hà (Phó Hiệu trưởng nhà trường) là báo cáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo môn Ngữ văn. Chính vì vậy, giáo viên Ngữ văn cấp THCS được hướng dẫn rất bài bản, kĩ lưỡng về cách thức tiến hành các giờ dạy Đọc, Viết, Nói và Nghe.
Dựa trên nền tảng cơ bản chắc chắn đó, các thầy cô được thoả sức sáng tạo, dành cho học trò những tiết học hấp dẫn nhất. "Tôi vẫn nhớ như in tiết học văn bản đọc bài "Bắt nạt", tôi đã cho học sinh chia sẻ về những câu chuyện của chính mình. Bất ngờ, ngỡ ngàng xen lẫn xúc động là cảm xúc của tôi lúc đó.
Từ tiết học ấy, tôi biết mình sẽ còn rất nhiều việc phải làm, để những "mầm xanh" mai này phát triển đúng hướng và mạnh mẽ", thầy Đăng chia sẻ.
Điểm số quan trọng, nhưng văn chương còn làm được nhiều hơn thế
Trước ý kiến cho rằng: "Việc học Văn và chấm điểm Văn hiện nay khiến học sinh có tư duy theo khuôn mẫu, ngại nghĩ, mọi sự cảm thụ và sáng tạo không được đánh giá cao. Liệu nếu quá "lơi tay" để các em sáng tạo có ảnh hưởng đến điểm số?", thầy Đăng cho rằng:
Ngọn nguồn của sự sáng tạo bắt đầu từ những gì đơn sơ, thô mộc nhất. Để sáng tạo được, học trò bắt buộc phải nắm chắc kiến thức căn bản, phải đọc thông, nghe kĩ, hiểu rõ văn bản. Với "cái sườn" có sẵn, các em mới được thoải mái tự do trong không gian riêng với năng lực văn chương của mình và viết sao cho hay, cho sâu sắc.
Trong các tiết học ở lớp, thông qua những dự án, học sinh của thầy Đăng có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm khác biệt của mình. Các em được trình bày, thuyết trình, trình diễn hay thảo luận để rèn cách biểu đạt; tự mình cảm nhận, suy nghĩ thay vì nghe giảng và nhại lại cảm thụ của người lớn.
Đây là cách để các em tạo ra những bài Văn có chiều sâu, đem đến một cách tiếp cận riêng, một hướng lí giải riêng nhưng vẫn trung thực với cảm xúc của chính mình. Khi đã nắm được tinh thần của tác phẩm, cộng thêm tư duy, kỹ năng, sáng tạo, những liên hệ với thực tiễn đời sống thì điểm số sẽ không còn là vấn đề quá lo lắng nữa.
Tuy nhiên, thầy Đăng cũng cho rằng, khi dạy học trò, thầy vẫn thường hay chia sẻ với các con rằng: Mục tiêu mà chúng ta hướng tới khi học Văn không chỉ là điểm số, không hẳn là chuyện đúng sai mà là rèn nết, rèn người.
"Qua tháng năm, qua những điều đã được học, tôi sẽ rất hạnh phúc khi học trò biết cúi xuống để nhặt rác ở nơi công cộng, biết mỉm cười và nói lời cảm ơn với mọi người, biết tự bảo vệ bản thân, biết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ,... Những điều nhỏ bé này chính là hành trang để mai sau, học trò của tôi là người có ích cho xã hội. Đối với tôi, học Văn không chỉ là học để biết đọc, biết nói, biết viết, biết cảm nhận mà còn để biết cách yêu thương, biết làm người tử tế", thầy nói.
Không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh đặc biệt
Hướng học sinh đến yếu tố "chân, thiện, mỹ" nên cách "phạt" của thầy Đăng trước những lỗi sai của học sinh cũng nương theo những giá trị đó:
"Với tôi, kỉ luật là sức mạnh, là điều quan trọng nhất với mỗi lớp học, mỗi trường học. Lớp nào có kỉ luật tốt thì học sinh lớp đó sẽ học tập tốt, rèn luyện giỏi. Vậy nên, việc đầu tiên của tôi khi nhận bất kì lớp nào là sẽ cùng các con xây dựng, thống nhất nội quy lớp, nội quy trường.
Với tôi, không có học sinh cá biệt mà chỉ có học sinh đặc biệt. Chính vì lẽ đó, học sinh nào vi phạm kỉ luật, tôi đều có những hình thức kỉ luật tích cực, uốn nắn, hướng dẫn, động viên, tạo cơ hội để học trò sửa chữa, khắc phục".
Thầy Đăng vẫn nhớ câu chuyện về một cậu học trò nhút nhát, mắc chứng "hay quên" của mình. Em hay quên sách vở ở nhà, quên bài tập đã làm, quên cả những dặn dò của thầy cô. Thầy và bố mẹ đã cùng hỗ trợ con, kết nối giữa nhà trường và gia đình chặt chẽ.
Sau một thời gian, "căn bệnh" của em này đã thuyên giảm đáng kể. Em cũng tự tin hơn, không thu mình như trước nữa, không chỉ vậy còn đạt giải thưởng môn Khoa học vào cuối năm.
Nói về bí quyết giúp học sinh học tốt môn Văn, thầy giáo sinh năm 1993 mong các em chăm đọc sách, đọc thật nhiều nhưng có chọn lọc. Hoạt động đọc và hình thành văn hoá đọc sẽ giống như chiếc vé thông hành, có thể đưa các em tới bất cứ đâu các em muốn tới. Viết tốt, nói hay cũng từ việc đọc nhiều, biết nhiều mà ra.
"Tôi rất tâm đắc với câu nói "Không có gì là mãi mãi", không có gì là không thể nếu các em biết kiên trì, bền bỉ mỗi ngày. Môn học nào cũng vậy, công việc nào cũng thế, có chí ắt thành công", thầy Đăng nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.