Bạn có thể đã cảm thấy rõ những ảnh hưởng của việc đường huyết tăng vọt bất thường. Đó là thứ cảm giác người yếu ớt, lờ đờ, đói lả. Bạn có thể nhầm lẫn với chứng sương mù não hoặc đau nửa đầu... Bạn thèm ăn một món gì đó ngọt ngào, nhiều calo như bánh quy, bánh rán hoặc kem... vì não bộ đang nói với bạn rằng cơ thể cần nhiều glucose hơn.
Sự tăng và giảm nhanh chóng của lượng đường trong máu khiến cơ thể bạn giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc. Sau khi bạn ăn một thứ gì đó, lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng đột biến.
Nếu bạn ăn một loại carb đơn, cơ thể sẽ phân hủy thành glucose rất nhanh và truyền một lượng đột biến vào máu để đẩy nhanh bạn lên đầu đường đua, ngay trước khi bị rơi tự do. Sau đó, bạn trải nghiệm sự sụt giảm nhanh chóng... Tình trạng cứ lặp đi lặp lại và nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin. Bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Chế độ ăn uống sẽ giúp bạn điều chỉnh sự không cân bằng này. Giới chuyên gia mới đây nhắn nhủ, thiếu 7 thực phẩm này trong chế độ ăn, đừng hỏi vì sao đường huyết dễ tăng vọt bất thường, nguy cơ mắc tiểu đường đang cận kề.
7 loại thực phẩm cần có trong chế độ ăn giúp ổn định đường huyết, bệnh nhân tiểu đường càng cần
1. Ngũ cốc giàu chất xơ
TS Ellen Albertson (chuyên gia dinh dưỡng, nhà tâm lý học và huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe tại TheMidlifeWhisperer.com) cho biết, khi nói đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu và tránh tăng đột biến, thực phẩm giàu chất xơ chính là "nơi tình yêu bắt đầu".
Chất xơ là một phần của thức ăn thực vật mà chúng ta không tiêu hóa được. Nó làm chậm quá trình hấp thụ đường từ thức ăn vào máu, ngăn cản sự tăng đột biến của glucose trong máu.
Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn chất xơ hòa tan, loại tương tác với nước để tạo thành gel, có mức hemoglobin A1c thấp hơn. Trong khi đó, xét nghiệm máu HA1c là xét nghiệm phổ biến và chính xác nhất để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường type 2.
Hãy bắt đầu bữa sáng của bạn với yến mạch không đường, bạn sẽ thấy lượng đường huyết trong máu dần ổn định rõ.
2. Đậu và bông cải xanh
Hầu hết các loại thực phẩm thực vật đều cung cấp cho bạn lượng chất xơ tốt. Tuy nhiên, trong đó luôn có một số loại có hàm lượng chất xơ hòa tan cao hơn những loại khác.
Đậu thường là một trong những nguồn cung cấp chất xơ hòa tan dồi dào nhất. Minh chứng là 1/3 cốc đậu đen chứa 5,4g chất xơ hòa tan, trong khi ở đậu thận, đậu tây là 3g...
Bạn cũng sẽ nhận được nhiều hơn lượng chất xơ này nếu bổ sung thêm một phần bông cải xanh, cà rốt, táo, rau cải thìa, đào, khoai tây, bưởi, mận khô...
Một nửa quả bơ chứa 2,1g chất xơ hòa tan. Vì vậy, bánh mì nướng bơ làm từ bánh mì ngũ cốc nguyên hạt là một món bánh mì ăn sáng ngon miệng mà không làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
3. Quế
TS Albertson cho biết, mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu nhưng một lượng nhỏ quế thực sự giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm kháng insulin.
Trong một nghiên cứu được báo cáo trên tạp chí Plant Foods for Human Nutrition, các nhà nghiên cứu cho biết quế ức chế các enzym trong ruột, làm chậm quá trình phân hủy carb trong quá trình tiêu hóa và làm giảm lượng glucose đi vào máu sau bữa ăn.
"Nói cách khác, một bát bột yến mạch với táo và các loại hạt, rắc quế lên trên có thể là bữa sáng tốt nhất để giữ lượng đường trong máu và năng lượng ổn định", chuyên gia khẳng định.
4. Thực phẩm giàu protein và chất béo
TS Su-Nui Escobar (chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Florida, Mỹ) khuyên bạn nên kết hợp thực phẩm giàu carbs với một số protein hoặc chất béo tốt.
Một bữa ăn nhẹ gồm bánh quy giòn (carbs) và một khẩu phần nhỏ pho mát (protein và chất béo) là một ví dụ điển hình. Protein và chất béo sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbs vào máu để tránh lượng đường tăng đột biến. Nếu bạn muốn ăn carb hãy lựa chọn cách này để an toàn sức khỏe.
5. Quả mọng
Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, quả mâm xôi và nam việt quất là những loại trái cây tốt nhất để giảm lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu trên tạp chí Food & Function cho thấy, phytochemical và polyphenol trong quả mọng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh chuyển hóa mãn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường type 2.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, ăn quả mọng cũng như kết hợp với các loại thực phẩm khác đều giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn ở những người thừa cân và béo phì bị kháng insulin.
6. Hạt
Các loại hạt là món ăn nhẹ tuyệt vời để tránh tăng đột biến lượng đường trong máu nhờ chất dinh dưỡng đa lượng. Chúng chứa carb giàu chất xơ, protein và chất béo không bão hòa đơn. Tất cae giúp làm chậm quá trình chuyển đổi carb và đường thành glucose trong máu.
Riêng hạnh nhân và quả óc chó là những thực phẩm chống bệnh tiểu đường đặc biệt mạnh mẽ. Nguyên nhân bởi, chúng chứa nhiều magiê - một chất dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
7. Nước hầm xương
Các loại trà quá ngọt và nước trái cây có đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng vọt rất nguy hiểm. Vì vậy, lựa chọn những món đồ uống không đường sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng này.
TS Samantha Presicci (chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký với FOND Bone Broth) cho biết, nước hầm xương là một lựa chọn tốt vì nó thường không chứa carb và đường.
Một số nguyên tắc trong ăn uống đối với người bị tiểu đường
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng đường huyết tăng đột ngột.
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói, hoặc quá no.
- Không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu, khối lượng các bữa ăn hàng ngày.
- Cần vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.