Cuối tháng 5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đưa ra quyết định xử phạt kênh YouTube Timmy TV vì cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.
Với hai hành vi này, chủ kênh bị phạt 15 triệu đồng, đồng thời bị yêu cầu xóa kênh. Chiều 27/5, kênh này đã biến mất trên nền tảng YouTube. Nhưng vẫn còn các YouTuber tiếp tục làm ra những clip độc hại đến trẻ em...
Nội dung độc hại núp bóng hoạt hình
"Z. là 1 con quỷ của cái ác, nó sống trong lâu đài với những con quái vật khổng lồ vô cùng đáng sợ. Zalgo là thực thể có khả năng bóp méo sự thật, bóp méo thực tại và có thể xóa sổ trái đất. Hắn có 7 cái miệng, khi cất lên tiếng hát là lúc ngày tận thế của con người đã đến. Hắn có 1 người con gái tên là L.".... - đó là lời giới thiệu cho video của một kênh YouTube.
Hay lời giới thiệu một video khác cũng của chủ sở hữu này: "The P. là một linh hồn của 1 người đàn ông đã chết, hắn không ngừng tìm kiếm những người đang trong tình trạng cô đơn để tàn phá họ về mặt cảm xúc bằng cách nuôi dưỡng sự cô đơn để tra tấn nạn nhân của mình rồi đẩy họ phải tự sát".
Chiến thuật giết người của The P. là quan sát thật kỹ nạn nhân, tìm ra những điểm yếu sau đó khiến nạn nhân ngày càng đắm chìm trong trầm cảm. Khi nạn nhân cảm thấy cuộc sống quá đau khổ thì cái chết như một sự giải thoát khỏi mọi vấn đề của cuộc sống".
Nội dung video này cố gắng tái hiện hình ảnh máu me, giết chóc: "Anh ta bẻ cổ nạn nhân để kết liễu họ. Có trường hợp thì đẩy trên cao xuống hay là treo cổ lên trần nhà...".
Đặc biệt, những nhân vật hoạt hình đáng yêu, hồn nhiên, lương thiện vốn dĩ quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam, nay được gắn với những hành động như ác quỷ, Nobita và Doraemon là một trong số đó:
Shin, cậu bé Bút Chì cũng bị quỷ ám kinh dị trong video của kênh này:
Chủ nhân của kênh YouTube này sở hữu 7 kênh nội dung tương tự. Các kênh có từ 160 ngàn đến hơn 700 ngàn lượt đăng ký. Hầu hết là những câu chuyện ngắn kinh dị được thu thập trên internet với mục đích tạo ra sự đáng sợ hoặc để dọa nạt người khác. Các video từ kênh này đều có vài trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Đối tượng chính là trẻ em.
Để thu hút người xem, kênh còn khuyến khích khán giả đưa ra chủ đề, nhân vật để tạo clip tiếp theo. Thế là những nhân vật từ phim hoạt hình, truyện tranh lâu nay được "sáng tạo" theo phong cách kinh dị, kỳ quái.
Những video này có ảnh ngoài là hoạt hình khiến phụ huynh, nếu chỉ lướt qua, sẽ không nhận thấy sự bất thường và nguy cơ độc hại.
Phải làm gì trước cạm bẫy video xấu trên YouTube?
Ở độ tuổi chưa phân biệt được nội dung lành mạnh - độc hại, đúng - sai, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ tránh tiêm nhiễm, học theo những video trên YouTube nói riêng và các trang mạng trên internet nói chung?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi một người dùng internet quá nhiều có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến. Đặc biệt, trẻ em thường bị thu hút bởi các yếu tố mới lạ, thích bắt chước làm theo. Các nội dung này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình chính là "thành trì" bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ tiêu cực từ việc sử dụng internet. Trước tiên, cha mẹ cần hướng dẫn con cái cách dùng internet hiệu quả và khoa học.
Trẻ em cần được trang bị các kỹ năng để tự bảo vệ mình trên không gian ảo cũng như sử dụng internet một cách khôn ngoan. Phụ huynh nên thiết lập thời gian biểu cụ thể và nêu gương cho con cái trong việc cân đối thời gian học tập, làm việc, sinh hoạt, sử dụng mạng internet.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.