Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Nhiều bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng nhưng sau đó chuyển biến rất nặng

Tính tới thời điểm sáng ngày 12/7, Việt Nam đã ghi nhận 119 trường hợp tử vong trên tổng số 30.478 ca mắc. Như vậy, tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 tại Việt Nam là 0,39%.

Sàng lọc và theo dõi sát bệnh nhân

Với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, ngày 11/7 Việt Nam đã ghi nhận gần 2.000 ca mắc sau 1 ngày. Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, nguy cơ tử vong cũng sẽ tăng không chỉ ở người có yếu tố nguy cơ cao (bệnh lý nền, người già…) mà trong đợt dịch này, Việt Nam đã ghi nhận cả những trường hợp tử vong không có bệnh lý nền, người trẻ tuổi.

Số ca mắc của Việt Nam đã vượt qua kịch bản 30.000 ca và sắp tới sẽ tiếp tục tăng do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng.

Để giảm nguy cơ tử vong Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, Việt Nam cần chú trọng vào việc sàng lọc bệnh nhân Covid-19, kiểm soát các yếu tố nguy cơ từ sớm nhằm hạn chế số ca nguy kịch, từ đó giảm tải cho hệ thống hồi sức tích cực, đảm bảo nguồn lực, tập trung giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Các bệnh nhân khi mới mắc Covid-19 có thể có các triệu chứng khởi phát hoặc không, sau 7 ngày mắc bệnh sẽ sang giai đoạn hồi phục. Ngược lại, có nhiều bệnh nhân Covid-19 khi khởi phát có thể không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7-8 ngày lại có biểu hiện rất nặng hoặc thậm chí tử vong.

Bác sĩ Cấp lưu ý, một bệnh nhân Covid-19 được coi là không triệu chứng, hay biểu hiện nhẹ nếu từ khi khởi phát bệnh đến lúc khỏi hẳn không hề có biểu hiện gì hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ. Do đó, thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày thứ 7-8. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều bệnh nhân khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7-8 của chu kỳ bệnh.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Nhiều bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng nhưng sau đó chuyển biến rất nặng - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

Trong quá trình điều trị, để dự phòng trước yếu tố nguy kịch cho bệnh nhân thì cần coi những bệnh nhân mới phát hiện SARS-CoV2 dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7-8. Còn những bệnh nhân sau ngày thứ 8 mà không có dấu hiệu diễn biến gì xấu có thể coi là những người bệnh nhẹ, không cần điều trị gì thêm và có thể đưa ra cách ly chờ hồi phục.

"Khó khăn thứ nhất, nhiều thầy thuốc còn nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân nhập viện không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nghĩa là họ là bệnh nhân nhẹ, do đó xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát và không phát hiện được các diễn biến nặng kịp thời.

Thứ 2 là để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng đòi hỏi phải có những xét nghiệm đánh giá về đông máu và miễn dịch, và biết cách phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này.

Do bệnh Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện, nên nhiều nơi chưa thực hiện được các xét nghiệm này và các thầy thuốc chưa có kinh nghiệm nhận định, phiên giải các xét nghiệm này. Vì vậy phải đợi đến khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới phát hiện ra, sẽ làm việc điều trị bệnh nhân kém hiệu quả.

Khó khăn thứ 3 là ngay cả những bệnh nhân có tổn thương phổi nặng và suy hô hấp, thì nhiều bệnh nhân Covid-19 cũng không có biểu hiện khó thở. Tình trạng này được gọi là "Thiếu oxy yên lặng", nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm tốt và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu có thể bỏ sót và dẫn đến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong", bác sĩ Cấp nói.

Bác sĩ Cấp cho biết, phải coi những bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu kể từ khi phát hiện bệnh là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát. 

Bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đặc biệt thời điểm ngày thứ 7-8 mà sàng lọc, phát hiện các dấu hiệu nguy cơ hoặc biểu hiện nặng thì cần chuyển bệnh nhân sang khu có thể điều trị sớm theo cơ chế bệnh sinh để ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng hoặc hồi sức kịp thời nếu tình trạng bệnh xấu đi.

Chỉ những bệnh nhân sau hơn 1 tuần mà không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm thì mới được coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.

Tại những địa bàn đã xảy ra dịch như Hải Dương hoặc Bắc Ninh trước đây, đã áp dụng thành công mô hình điều trị gọi là tháp 3 tầng. Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện được nhập vào tầng 2 của tháp (Khu vực có khả năng theo dõi và sàng lọc dấu hiệu nặng).

Nếu sau 7-8 ngày không có biểu hiện gì nặng thì được chuyển xuống tầng 1 của tháp (Khu vực cách ly chờ ra viện), còn trong bất kỳ thời điểm nào phát hiện được xu hướng diễn biến nặng thì bệnh nhân cần chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị (khu vực có thể điều trị và hồi sức tích cực).

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang