Ở thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng do sự phức tạp của các vấn đề xung quanh số vắc xin dư thừa.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã khởi động Chương trình Hợp tác công-tư để sản xuất và đưa vắc xin Covid-19 ra thị trường trong vòng chưa đầy một năm. Nỗ lực đó với tên gọi Chiến dịch vắc xin thần tốc (Operation Warp Speed) đã thành công ngoài mong đợi lạc quan nhất của hầu hết các chuyên gia.
Mỹ đã chi 18 tỷ USD trợ cấp cho 9 công ty dược phẩm để họ chế tạo ra các loại vắc xin an toàn, hiệu quả. Nhiều công ty đã thành công bất chấp tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu quan trọng để sản xuất vắc, chuỗi cung ứng bị đình trệ, các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt, thiếu nhân công có tay nghề, và các vấn đề hậu cần – đây là một chiến dịch huy động tổng thể ở quy mô chưa từng có sau Thế chiến II. Ban đầu, Mỹ đã ký hợp đồng mua 455 triệu liều vắc xin cho người dân trong nước.
Vắc xin được phân bổ toàn quốc với sự trợ giúp của quân đội Mỹ - đây là tổ chức duy nhất có đủ năng lực hậu cần để làm được việc này. Ban đầu, vắc-xin được phân bổ cho các chính quyền tiểu bang, sau đó chính quyền tiểu bang phân bổ lại cho các bệnh viện địa phương, cơ quan y tế công cộng và trường đại học.
Quy trình này đã phát sinh nhiều rối ren trong khâu tổ chức thực hiện. Năng lực không đồng đều ở cấp tiểu bang và địa phương khiến xảy ra tình trạng là một số nơi làm rất tốt công tác tiêm chủng cho người dân trong khi nhiều nơi khác bị đình trệ. Chính vì vậy, một số tiểu bang dư thừa vắc xin và phải gửi trả lại cho chính quyền liên bang trong khi một số tiểu bang phải xin thêm. Trong quá trình này, có tình trạng vắc xin bị thất thoát hoặc chất lượng bị ảnh hưởng nên không thể sử dụng được.
Dưới thời Tổng thống Biden, vắc-xin cũng được phân bổ cho các hiệu thuốc, phòng khám, nhà thờ, các trạm tiêm nhanh và các cơ sở khác để mở rộng phạm vi tiếp cận cho người dân.
Vắc-xin tại Mỹ cũng được phân bổ cho các hiệu thuốc, phòng khám. Ảnh: Scott Eisen/CVS Health
Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh chóng, đạt 3 triệu liều mỗi ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ đạt được "miễn dịch cộng đồng" vào giữa mùa hè. Miễn dịch cộng đồng là nói đến tỷ lệ người dân đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh sau nhiễm Covid-19 đạt đến mức mà dịch không còn tiếp tục lây lan được nữa. Điều đó chỉ có được khi 70% đến 90% dân số miễn dịch. Hiện tại, 36% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, 47% dân số đã được tiêm ít nhất một liều.
Ngay đúng lúc tình hình có vẻ khả quan thì nhiều người bắt đầu từ chối tiêm vắc-xin. Luật pháp Mỹ không cho phép chính quyền ép buộc người dân phải tiêm chủng. Hiện tại, vẫn còn 43% dân số chưa được tiêm! Đây chính là vấn đề đau đầu của ông Biden: cần phải giữ lại bao nhiêu liều trong số vắc xin dư thừa để dành cho những người dân chưa tiêm?
Trong số những người chưa tiêm chủng chỉ có một số rất ít có lý do là vì chưa tiêm được, hầu hết số này là người dân sống ở khu vực nông thôn. Một số người khác thuộc nhóm bài trừ bất kỳ loại vắc xin nào, thường là vì lý do tôn giáo.
Phần nhiều hơn trong số những người từ chối tiêm là những người sợ tiêm chủng, có lẽ họ có những lý do chính đáng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có thời điểm tạm dừng phân phối vắc-xin Johnson & Johnson vì tác dụng phụ gây đông máu ở một số ít phụ nữ. Điều này khiến nhiều người càng e ngại vắc xin và từ chối tiêm. Một số người thì lại tin rằng cơ thể họ mạnh hơn virus Covid-19: 40% lính thủy đánh bộ Mỹ từ chối tiêm phòng Covid.
Còn một yếu tố quan trọng nữa là vai trò của báo chí chính thống trong việc gieo rắc sợ hãi và thông tin sai lệch đến người dân.
Hiện nay, các cơ quan chính quyền Mỹ, cả ở cấp tiểu bang và liên bang, đều đang cố gắng để tăng tỷ lệ dân số được tiêm chủng. Các thông tin về dịch vụ công tràn ngập trên truyền hình và truyền thông xã hội để khuyến khích người dân tiếp tục tiêm chủng. Tiểu bang Ohio còn đưa ra chương trình xổ số may mắn dành cho những người mới tiêm chủng đợt vừa rồi để chọn ra 5 người chiến thắng với giải thưởng là 1 triệu đô la mỗi người. Thành phố New York đang tiến hành tiêm phòng cho khách du lịch để khuyến khích khách đến thăm New York, kể cả tại các ga tàu điện ngầm. Ở nhiều địa phương khác, người đến tiêm được uống bia miễn phí.
Ở một số nơi, chính quyền tạo điều kiện để đảm bảo các điểm tiêm chủng dễ tiếp cận hơn với người dân. Thành phố Columbus, Ohio tổ chức tiêm phòng Covid-19 ngay tại sân vận động cho khán giả xem các trận đấu Giải bóng chày chuyên nghiệp. Ở các thành phố khác thì lại có các đội tiêm chủng di động, phục vụ tận nơi tại các khu dân cư nghèo.
Vắc xin Johnson&Johnson đã quay trở lại và được nhiều nơi tích cực sử dụng vì người dân chỉ cần tiêm một mũi và điều đó giúp tốc độ miễn dịch cộng đồng được đẩy nhanh hơn.
Dư luận có phần hoảng hốt khi CDC tuyên bố quyết định tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi 12-15. Nhưng vấn đề đó đã được hoá giải ngay lập tức: Pfizer đã được FDA chấp thuận khẩn cấp để việc tiêm chủng cho trẻ em trong nhóm tuổi này được thực hiện ngay từ ngày 14/05. Số trẻ em trong độ tuổi này chỉ là 20 triệu, như vậy nếu sử dụng loại vắc xin tiêm 2 mũi thì cũng chỉ cần 40 triệu liều.
Một vấn đề khác là khách du lịch đến Mỹ vì mục đích để tiêm vắc xin, đặc biệt là du khách từ khu vực Mỹ Latinh. Mexico mới chỉ tiêm vắc xin được cho 6% dân số, vì vậy những người có tiền sẽ đến Mỹ để được tiêm theo diện du lịch. Người nước ngoài và du khách đều thuộc đối tượng được tiêm. Thậm chí cả người nhập cư bất hợp pháp.
Nhiều quốc gia thấy bất bình bởi thực tế là những người nghèo sẽ không có đủ tiền để đi du lịch đến Mỹ và lưu trú ba tuần để được tiêm đủ hai liều vắc-xin.
Tuy nhiên, những người có tiền để sang Mỹ tiêm vắc xin vẫn phải đối mặt với một nguy cơ: họ có thể bị nhiễm Covid trước khi tiếp cận được vắc xin và mắc kẹt tại Mỹ. Thực tế là cho đến nay vẫn còn số lượng khá lớn người dân các nước mắc kẹt ở nước ngoài không về được nhà vì chính sách đóng cửa biên giới.
Ông Biden thừa nhận Mỹ có nghĩa vụ giúp các quốc gia khác tiếp cận vắc xin. Mỹ đã cam kết 4 tỷ đô la cho Chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm cung cấp vắc xin cho các nước kém phát triển hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy là hiệu quả của Chương trình COVAX rất hạn chế. Theo dự tính của WHO, đến cuối năm nay, chương trình này sẽ chỉ bao phủ được 20% dân số của các quốc gia mục tiêu. Con số này chỉ là muối bỏ bể so với tỷ lệ tiêm chủng cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Một số sự cố không lường trước đã xảy ra. Ấn Độ, nhà cung cấp vắc xin chính cho Chương trình COVAX bị thiếu hụt các thành phần cần thiết để sản xuất vắc xin, ngay chính lúc quốc gia này chìm trong khủng hoảng đại dịch với tỷ lệ người dân trong nước nhiễm bệnh và tử vong lên mức kỷ lục. Mỹ đã đồng ý chia sẻ nguồn nguyên liệu thô cần thiết cho cho Ấn Độ tiếp tục sản xuất vắc xin.
Mỹ, ở một mức độ nào đó, ủng hộ việc ép buộc các công ty dược chia sẻ bản quyền sáng chế vắc xin Covid-19 để tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin toàn cầu. Tuy nhiên, quyết định đó chỉ thành hiện thực nếu đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của 164 quốc gia thành viên của WTO – điều đó nếu có thì sớm nhất cũng phải cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc chia sẻ sáng chế vắc xin sẽ cho phép các đối thủ nước ngoài tiếp cận công nghệ và đẩy lùi vị thế thống trị của các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường tương lai. WTO không mang lại được nhiều hy vọng cho việc mở rộng tiếp cận vắc xin đối với các nước kém phát triển, ít nhất là tại thời điểm này.
Một vấn đề nữa là vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng ngắn: 6 tháng đối với Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là, những liều vắc xin dư thừa ở Mỹ lúc này có thể sẽ không còn sử dụng được nữa trước đến được tay người cần.
Vaccine Covid-19 có thời hạn sử dụng ngắn. Ảnh: MIKE SEGAR / Reuters
Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ hoàn toàn không biết được là họ sẽ cần giữ lại bao nhiêu trong số 300 triệu liều vắc xin dư thừa hiện tại để tiêm cho nhóm dân trong nước đang từ chối vắc xin.
Chính phủ Mỹ chưa đưa ra được kế hoạch nào về việc phân phối vắc xin dư thừa cho các nước khác. Và dù Mỹ có quyết định thế nào thì cũng không thể khiến tất cả các nước khác hài lòng.
WTO không đưa ra được giải pháp nào cho việc tiếp cận vắc xin thông qua chương trình miễn trừ sáng chế vắc xin đã đề xuất. Chương trình COVAX của WHO có thể hỗ trợ nhưng việc đóng góp bằng tiền không giúp giải quyết được vấn đề vào lúc này.
WHO muốn Mỹ trì hoãn việc tiêm vắc xin cho trẻ em và chuyển số vắc xin dư thừa hiện nay cho các nước kém phát triển hơn. Khả năng xảy ra điều này là rất thấp.
Các quốc gia khác cũng đang chung tay: chẳng hạn như Pháp và Anh đã đưa ra đề nghị hỗ trợ.
Vấn đề ở chỗ, đến cả việc chia sẻ vắc xin cũng bị chính trị hoá. Trong khuôn khổ của các sáng kiến "Ngoại giao vắc xin", Trung Quốc và Nga chỉ chia sẻ với một số quốc gia nhất định chứ không phải tất cả các quốc gia khác. Điều này gây ra sự bất bình trong cộng đồng quốc tế.
Tình hình cho thấy, việc bao phủ vắc xin toàn cầu sẽ tiếp tục là một vấn đề nhức nhối trong thời gian trước mắt.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-tu-nuoc-my-300-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-du-thua-hy-vong-nao-cho-cac-nuoc-dang-bung-phat-dich-benh-161211605202005028.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.