01
Mấy hôm trước, bạn tôi đã nói mấy lời rất thú vị: Hai chữ "ngủ ngon" không có nghĩa là một ngày đã kết thúc, mà là một tín hiệu bắt đầu. Nó báo hiệu rằng, màn đêm thuộc về mình tôi cuối cùng cũng tới.
Nghĩ cho kỹ lại thì, đây quả thực là chân dung của không ít người trẻ tuổi.
Ban ngày bận rộn làm việc, bận chuyện gia đình, chỉ có đêm tối mới tìm được thời gian dành cho bản thân, cho nên không nỡ đi ngủ, phải thức để... "trả thù". Cho dù đã muộn lắm rồi, tay vẫn cầm điện thoại chưa buông nổi, cuối cùng thiếp đi trong trống rỗng và hối hận.
Đến hôm sau, lại vì thiếu ngủ mà trở nên buồn bực và nhạy cảm, ảnh hưởng hiệu quả công việc cũng như học tập. Thế là đến tối lại mất thêm thời gian để bù đắp vào phần việc ban ngày chưa làm hết. Vừa thức đêm vừa thề thốt sẽ ngủ sớm dậy sớm, tối không muốn ngủ sáng không muốn dậy, cứ thế, chúng ta rơi vào một vòng tuần hoàn bế tắc.
Không ít cư dân mạng nói, họ biết thức đêm có hại cho sức khỏe, nhưng vẫn không khống chế được bản thân.
Thực ra suy cho cùng, thức đêm thường có hai nguyên nhân: hiệu suất làm việc không cao, và thiếu khả năng khống chế bản thân.
Ở cái thời đại này, không ngủ muộn đã trở thành thói quen khó thực hiện nhất. Lúc trước từng có người làm một cuộc khảo sát trên mạng xã hội: Tại sao bạn lại thức khuya? Và điều đáng ngạc nhiên là, chỉ có 10% mọi người thức khuya do tính chất công việc bắt buộc. 90% còn lại, đều là chủ động thức khuya.
02
Sau khi tạo thành một thói quen có hại, thường thì con người ta sẽ bắt đầu trở nên "tê liệt cảm xúc" với nó, không còn cảm thấy việc đó nguy hiểm gì nữa. Nhưng có nhiều chuyện, "khi còn trẻ không cảm nhận được, đến già bạn sẽ biết ngay".
Bác sĩ nói, thức khuya sẽ khiến con người ta trở nên ngu ngốc trì độn hơn, không chỉ dễ ốm, mà khả năng mắc ung thư cũng tăng cao. Mấy năm gần đây đã có không ít ví dụ đẫm nước mắt cho thấy cái hại của việc thức khuya rồi.
Cái hại của ngủ muộn, thực ra sẽ nằm lẩn khuất trong cơ thể bạn trong một thời gian dài, bạn sẽ không bao giờ biết được nó sẽ bùng phát vào lúc nào.
Rất nhiều lúc, không phải bạn đang thức khuya, mà là đang cướp đi tính mạng của chính mình.
Lúc trước tôi từng đọc một bài viết, tác giả kể rằng từ khi tốt nghiệp cấp ba đã bắt đầu thức khuya mỗi ngày. Những năm đó mặt mọc đầy mụn, tóc rụng điên cuồng, mắt lúc nào cũng thâm quầng, chân tay đau nhức. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói, cô ấy thiếu máu, bắt phải đi ngủ trước 11 giờ.
Giữa thức khuya và ngủ sớm, có một sự khác biệt khủng khiếp. Từng có một thí nghiệm ở Anh như sau: so sánh trạng thái của một người liên tiếp năm ngày chỉ ngủ sáu tiếng đồng hồ, và chính người đó nhưng ngủ đủ tám tiếng trong vòng năm ngày. Kết quả, gương mặt người đó khi ngủ ít già hơn so với khi ngủ đủ gần mười tuổi.
03
Tôi quen một chị này, ngoại hình xinh đẹp, da dẻ trắng sáng mềm mịn, sắp 40 tuổi mà vẫn rực rỡ vô cùng. Chị ấy đã mở nhãn hiệu thiết kế của riêng mình từ rất lâu. Dù bạn gặp chị ấy vào lúc nào và ở đâu, chị ấy cũng luôn tươi tỉnh vui vẻ. Chúng tôi đều thán phục cuộc sống của chị ấy.
Sau đó, trong một cuộc trò chuyện, chúng tôi tình cờ biết được, chị ấy đã duy trì một thời khóa biểu trong suốt 10 năm liên tục. Gần như không bao giờ ngủ sau 11h tối, ngày ngày dậy sớm chạy bộ nửa tiếng. Cho nên mới giữ được thân thể khỏe mạnh và tinh thần làm việc tốt nhất có thế.
Thì ra, thức khuya và không thức khuya, hoàn toàn là hai trạng thái, hai cuộc đời khác hẳn nhau. Thì ra, phía sau những hào quang tươi đẹp, đều là sự kiên trì và tự ràng buộc mà bạn không thể tưởng tượng được.
Càng là người thành công, lại càng biết cách làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc. Khi người khác nghỉ ngơi, bạn thức đêm cày phim; khi người khác tỉnh táo làm việc, bạn gật gù buồn ngủ; khi người khác được thăng chức tăng lương, bạn lại đang giậm chân tại chỗ... Sự chênh lệch giữa người với người luôn bị kéo dãn từng chút từng chút một như thế đấy.
Hôm nay bạn thức khuya, lười biếng, lơ là chăm sóc bản thân, cũng tức là đang đâm một nhát vào cuộc sống sau này.
Một người đến việc ngủ nghỉ của mình cũng không khống chế được, thì sao khống chế nổi cuộc đời của mình chứ? Cho dù thế nào đi nữa, sức khỏe cũng luôn là quan trọng nhất. Không có sức khỏe, làm sao bạn có thể theo đuổi ước mơ, có thể ở bên những người yêu quý, có thể cùng bạn đời nỗ lực trong nửa đời còn lại?
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.