Tiêm vắc xin Covid-19: Bao giờ đến lượt tôi? Tôi có thể đi du lịch Mỹ để tiêm vắc xin được không?

Theo số liệu từ Our World in Data, tính đến ngày 18/5 đã có 1% dân số Việt Nam tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, tương đương với trên dưới 1 triệu người.

"Bao giờ đến lượt tôi?" - Một người họ hàng đang lái máy xúc ở công trường xây dựng đã nhắn tin hỏi Ngô Thu Lan (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam) như vậy, sau khi thấy chị chia sẻ những bức ảnh vừa tiêm mũi số 1 vắc xin Covid-19 của Astrazeneca. Cùng lúc đó, Lan nhận thêm khá nhiều tin nhắn từ bạn bè, người thân: "Liều thế?", "Hạn sử dụng còn ngắn thế mà cũng tiêm à", "Cơ quan cho đăng ký tiêm nhưng tôi vẫn hơi ngại, muốn đợi thêm vài đợt nữa xem sao"...

Cũng có người nghi ngờ, nhưng bác sĩ chống dịch đều tiêm hết rồi

Ngô Thu Lan hiện đang phụ trách bản tin Covid phát sóng hàng ngày trên sóng của Truyền hình Thông tấn xã. Khi có thông tin Bộ Y tế tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho một số phóng viên đưa tin về dịch bệnh, Thu Lan đã đăng ký cho mình và mọi người trong bản tin.

"Nếu tôi không tiêm tự nhiên tất cả những người sau sẽ không tiêm. Rồi tôi theo dõi lĩnh vực y tế mà không tiêm thì tất cả mọi người ở cơ quan sẽ nghi ngờ ngay. Mọi người đang có quá nhiều câu hỏi về vắc xin Covid-19.

Thực ra, bản thân tôi yên tâm vì tất cả những y bác sĩ chúng tôi từng làm việc cùng trong suốt hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành họ đã tiêm hết rồi và đều nói, chẳng vấn đề gì hết. Vắc xin về nước, có lịch là họ tiêm ngay rồi lao vào công việc chống dịch luôn. Cả triệu người đã tiêm đều như thế, huống chi là mình.

Tiêm vắc xin Covid-19: Bao giờ đến lượt tôi? Tôi có thể đi du lịch Mỹ để tiêm vắc xin được không? - Ảnh 2.

"Tất cả những y bác sĩ chúng tôi từng làm việc cùng trong suốt hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành họ đã tiêm hết rồi".

Đúng là hạn sử dụng của lô vắc xin vừa tiêm vào người tôi đến 31/5 này hết hạn nhưng tôi tiêm vào ngày 17/5. Tại sao lại phải sợ?

Những phản ứng của tôi sau tiêm đều bình thường. Vắc xin nào cũng thế. Sưng sốt là chuyện bình thường. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh Covid-19. Và đơn vị tiến hành tiêm chủng, vì lường trước các vấn đề có thể gặp phải của người sau tiêm nên họ còn soạn cả bản hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm phòng cơ mà.

Hơn nữa mình phải nhìn thấy rằng đây là vì cái chung đã. Chứ còn ai cũng nghi ngờ hoặc lo lắng vì bản thân rồi khăng khăng quan điểm phải tiêm Pfizer cơ, hay Moderna cơ... Cứ ngồi chờ như thế chẳng biết thế nào mà lần. Tất cả chúng ta đều hiểu chỉ khi có được miễn dịch cộng đồng, đất nước mới vượt qua được đại dịch. Cho nên tôi thấy ít nhất tại thời điểm này, trong diện ưu tiên, được đăng ký tiêm thì nên làm việc đó", chị Thu Lan chia sẻ.

Người Việt đang tìm cách đi Mỹ tiêm vắc xin?

Trang chủ của một công ty du lịch có trụ sở tại Q1, TP.HCM đang chia sẻ sản phẩm "hot tour: "H.H.H VAC-CATION" kết hợp giữa từ Vaccine (vắc-xin) với Vacation (Chuyến du lịch). Công ty này khẳng định đây là tour du lịch kết hợp tiêm vắc xin Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Theo quảng cáo của công ty này thì đây là tour đặc biệt phù hợp với những khách hàng kết hợp giữa du lịch tiêm chủng và thăm thân. Bởi vì, đây là tour du lịch một chiều. Giá tối thiểu từ 45 triệu đồng/khách cho 8 ngày 7 đêm du lịch ở Mỹ chỉ trọn gói cho chiều đi, không có chiều về Việt Nam trong tour này.

Tiêm vắc xin Covid-19: Bao giờ đến lượt tôi? Tôi có thể đi du lịch Mỹ để tiêm vắc xin được không? - Ảnh 4.

Quảng cáo du lịch tiêm vắc xin tại Mỹ

Chia sẻ với chúng tôi, nhân viên của công ty du lịch này cho hay: "Chiều về Việt Nam còn phụ thuộc vào quy định của Chính phủ".

Trả lời câu hỏi nếu người Việt Nam có thể có được visa sang Mỹ du lịch tiêm chủng vào lúc này sẽ được tiêm loại vắc xin nào và ở đâu, nhân viên của doanh nghiệp này cho biết: "Trong 6 ngày ở Mỹ, sẽ có hướng dẫn viên dẫn mình đi tiêm. Liều tiêm hay vắc xin thì gồm 3 loại vắc xin Mỹ đang có là Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson. Cơ sở hay địa điểm tiêm thì phụ thuộc và đầu bên kia sắp xếp. Đa phần sẽ gộp chung khách cùng đoàn đi với nhau. Các anh chị yên tâm, hoàn toàn không có vấn đề gì hết!"

Nhưng có thật là việc mua tour sang Mỹ tiêm vắc xin Covid-19 đơn giản và dễ dàng như vậy không? Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa chia sẻ trên facebook cá nhân về vấn đề này.

"Mỹ đương nhiên là không cấp visa cho các đối tượng nhập cảnh với mục đích tiêm vắc xin. Nên để tham gia tour này, bạn và đơn vị tổ chức tour sẽ phải nói dối cơ quan cấp visa Hoa Kỳ (và cơ quan kiểm soát cửa khẩu lúc nhập cảnh nếu bạn được cấp visa vào Mỹ). Việc nói dối này có thể thành công, có thể thất bại, nhưng trường hợp nào thì cũng được lưu vào hồ sơ của Mỹ. Nên về lâu dài, luôn là một rủi ro đối với những người muốn nhập cảnh Mỹ thường xuyên".

Ông Thành cũng cho biết thêm: "Tiêm vắc xin tự nó không phải là một mục đích. Đó chỉ là một phương cách để đạt được tình trạng miễn dịch với virus... Nên với những người bình thường (không có sẵn khoảng 65 triệu VND và rủi ro đủ lớn để đi Mỹ theo tour trên) cứ bình tĩnh ở Việt Nam chờ khi nào có vắc thì xin tiêm... Còn nếu bạn đang có bệnh nền như một số trường hợp hiếm hoi các ca nhiễm đã tử vong thì đằng nào cũng không nên đi Mỹ vì rủi ro rất cao".

Tiến sỹ Terry F. Buss, một chuyên gia nghiên cứu về chính sách công hiện đang ở Mỹ cũng cho rằng những người có tiền để sang Mỹ tiêm vắc xin vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ: họ có thể bị nhiễm Covid trước khi tiếp cận được vắc xin và mắc kẹt tại Mỹ nếu chính sách xuất nhập cảnh của Mỹ hoặc đất nước họ có thay đổi. 

Ở Việt Nam, từng mũi vắc xin tiêm lên người đều phải ở ngưỡng an toàn

Theo số liệu từ Our World in Data, tính đến ngày 18/5 đã có 1% dân số Việt Nam tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, tương đương với trên dưới 1 triệu người.

"Đã có nhiều ý kiến phàn nàn với chúng tôi về tiến độ tiêm vắc xin. Tiêm nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc mình có bao nhiêu liều trong tay. Hơn nữa, an toàn là tiêu chí hàng đầu chúng tôi hướng đến. Trách nhiệm của chúng tôi là kiểm soát, kiểm định, phân phối, bảo quản, đưa ra quy trình tiêm chủng làm sao từng mũi tiêm lên người đều phải ở trong ngưỡng an toàn", GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW chia sẻ.

Với việc trong hệ thống kho lạnh chứa vắc xin của Việt Nam vừa được bổ sung gần 1,7 triệu liều vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm phòng COVID-19 đợt 3. Trong đó hướng sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng chứ không chỉ dừng lại ở 9 đối tượng ưu tiên như Nghị quyết số 21 của Chính phủ.

Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí gồm:

1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); Quân đội; Công an.

2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

3. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…;

4. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

5. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

6. Người sinh sống tại các vùng có dịch.

7. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

8. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

9. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

"Với các tỉnh đang có diễn biến dịch căng thẳng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... vắc xin sẽ được phân bổ nhiều và nhanh hơn các địa phương khác. Nhưng tất nhiên vắc xin sẽ vẫn về với 63 tỉnh, thành phố", đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.

"Bộ Y tế đang tổng hợp số liệu từ các nguồn gửi về cho kế hoạch phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đợt mới. Hiện các chuyên gia đang lên kế hoạch ưu tiên với 2 nội dung quan trọng: hoàn thành tiêm mũi 2 cho nhóm đã tiêm rồi và mở rộng thêm nhóm mới trong các đối tượng ưu tiên", GS. Đức Anh chia sẻ thêm về kế hoạch tiêm vắc xin sắp tới ở Việt Nam.

Ông cũng đồng thời bày tỏ quan điểm: "Ở các quốc gia khác, trạm xăng, siêu thị đều có thể biến thành điểm tiêm vắc xin. Mình không làm kiểu đấy được. Ở Việt Nam, phải đến cơ sở y tế, ít nhất là trạm y tế xã, phường - nơi vẫn diễn ra chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ. Tại đó, nhân viên y tế được tập huấn chuẩn mực tiêm chủng, được trang bị các đơn vị thuốc dự phòng xử lý phản ứng sau tiêm như dị ứng, sốc phản vệ...

Tất nhiên theo lý thuyết vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng phụ. Việt Nam hiện tại mới dùng 1 loại vắc xin nên những ghi nhận về các phản ứng nghiêm trọng hay tăng nặng là cần nghiên cứu kỹ để xác định nguyên nhân. Tôi chỉ có thể nói chắc một điều, hễ có vắc xin và thuộc diện được tiêm, bà con nên tiêm ngay.

Hy vọng đến cuối năm 2021 đầu năm 2022, thử nghiệm lâm sàng của các vắc xin do Việt Nam phát triển cho kết quả tốt, được đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm tải áp lực về nguồn cung vắc xin Covid-19 rất nhiều".

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn từ tâm dịch Bắc Giang đã gửi đến thông điệp đặc biệt: "Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để đạt được miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để hướng đến một ngày không còn địa phương nào của Việt Nam bị rơi vào tình trạng phong tỏa như hiện nay".

GS.TS Đặng Đức Anh trả lời nhanh những câu hỏi liên quan đến hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 của một số doanh nghiệp như sau:

- Các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp muốn tự nhập vắc xin về để tổ chức tiêm cho nhân viên của mình có được không?

Phải hỏi các đối tác đang sở hữu vắc xin Covid-19 xem họ có đồng ý bán cho khách hàng tư nhân, doanh nghiệp mua không. Bởi vì hiện nay các hãng vắc xin trên thế giới khi quyết định phân phối mặt hàng này cho đối tác nào đều ưu tiên lựa chọn bán cho Chính phủ mà không bán cho tư nhân.

Vì số lượng vắc xin đang rất ít cả thế giới lại đang có nhu cầu nên họ muốn đảm bảo hợp đồng mua bán sẽ góp phần tạo ra sự công bằng cho mọi đối tượng người dân được tiếp cận với vắc xin. Nếu bây giờ họ bán cho doanh nghiệp có thể dẫn đến trường hợp chỉ những người có tiền mới mua được, mới tiêm được.

- Việt Nam có phát triển loại hình tiêm dịch vụ với vắc xin Covid-19 hay không?

Hiện nay là không có chuyện đó. Chúng ta cũng giống thế giới, hướng đến sự công bằng trong tiếp cận vắc xin cho toàn dân.

Lnk gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tiem-vac-xin-covid-19-bao-gio-den-luot-toi-toi-co-the-di-du-lich-my-de-tiem-vac-xin-duoc-khong-161212105071753785.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang