Vào tháng 2.2021, Ấn Độ trông có vẻ như đã kiểm soát được Covid-19: Số ca mắc hằng ngày giảm gần 90% so với mức đỉnh của làn sóng đầu tiên vào năm ngoái.
Nhưng giờ đây, Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Số ca mắc hằng ngày đã tăng liên tục trong 10 ngày qua. Vào ngày 26.4, Ấn Độ ghi nhận 352.991 ca mắc mới, phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới một ngày cao nhất toàn cầu.
Sự khủng khiếp của làn sóng Covid-19 thứ 2 thể hiện rõ nhất qua những bức ảnh. Các gia đình đau buồn mặc đồ bảo hộ trong lễ hỏa táng hàng loạt, thực hiện các nghi thức cuối cùng cho người thân của họ. Các bệnh viện cạn kiệt vật tư y tế cơ bản, nhiều bệnh nhân tử vong do thiếu oxy. Người dân chạy từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, điên cuồng tìm kiếm giường bệnh thuộc Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt (ICU) còn trống cho người thân.
Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng, cùng với đó là sự hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới. Nhưng hiện tại, cơn ‘sóng thần’ Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các chuyên gia cảnh báo nó có thể trở nên tồi tệ hơn.
"Tôi e rằng đây không phải đỉnh dịch", Tiến sĩ Giridhara R. Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết hôm 26.4. "Những dữ liệu này cho thấy chúng tôi ít nhất còn cách đỉnh hai đến ba tuần nữa".
Người dân Ấn Độ bật khóc khi hỏa táng thi thể người thân của mình.
Những chuyên gia khác nói rằng Ấn Độ có thể đang gần tới đỉnh dịch, sớm hơn ước tính của Tiến sĩ Babu. Nhưng với quá nhiều ca bệnh và quá ít nguồn cung, đất nước này sẽ chứng kiến nhiều người tử vong hơn trước khi làn sóng thứ hai suy giảm.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ.
Số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng lên vào đầu tháng 3, nhưng nhanh chóng tăng vọt sau đó. Số ca mắc hằng ngày vào cuối tháng 3 đã tăng gấp 6 lần so với đầu tháng. Sự gia tăng theo cấp số nhân tiếp tục diễn ra với tốc độ và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Các chuyên gia nói rằng làn sóng thứ 2 ảnh hưởng nặng nề hơn vì người dân không được chuẩn bị. Làn sóng đầu tiên đạt đỉnh vào tháng 9 và số ca mắc hằng ngày giảm dần trong những tháng tiếp theo. Sự giảm nhiệt này khiến Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố vào đầu tháng 3 rằng họ đang "ở trong giai đoạn cuối" của đại dịch.
Và chương trình tiêm chủng của Ấn Độ, một trong những chương trình lớn nhất và đầy tham vọng nhất, được tiến hành vào tháng 1.
Người dân nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 như giãn cách xã hội và chính quyền cũng kiểm soát lỏng lẻo hơn. Mặc dù một số bang vẫn thận trọng và chuẩn bị cho làn sóng thứ hai, nhưng không có bang nào chuẩn bị đủ - và không ai đoán trước được làn sóng lớn sắp tới.
Các khu hỏa táng ở New Delhi phải hoạt động 24h/ngày do số người chết vì COVID-19 gia tăng.
K. VijayRaghavan, cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ, cho biết: "Không ai lường trước được mức độ của đợt bùng phát này. Khi làn sóng Covid-19 trước giảm nhiệt, tất cả chúng tôi đều có cảm giác rằng dịch bệnh về cơ bản đã được xử lý. Chúng tôi thấy các dấu hiệu của một đợt dịch tiếp theo, nhưng quy mô và cường độ của nó không rõ ràng".
Cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn do phản ứng chậm chạp từ chính quyền trung ương, theo CNN. Mặc dù một số quan chức địa phương đã bắt đầu hành động từ tháng 2, nhưng dường như đã có sự thiếu vắng chỉ đạo từ cấp trung ương, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hầu như giữ im lặng về tình hình dịch bệnh cho đến những tuần gần đây.
Ông Modi cuối cùng phá vỡ sự im lặng của mình vào tuần trước, thừa nhận tính cấp bách của tình hình trong một bài phát biểu toàn quốc. Ông đưa ra một số biện pháp khẩn cấp để giảm bớt gánh nặng cho các bang và bệnh viện. Nhưng lúc này, một số nhà phê bình nói rằng đã có quá nhiều thiệt hại xảy ra.
Dịch bệnh càn quét ở đâu?
New Delhi, thủ đô Ấn Độ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 thứ hai. Delhi đã bị phong tỏa vào ngày 19.4, kéo dài đến ngày 3.5.
Các bệnh viện trên khắp Delhi đang báo cáo tình trạng thiếu oxy, dẫn tới tử vong ở người bệnh. Vào ngày 23.4, 20 bệnh nhân nguy kịch đã chết tại Bệnh viện Jaipur Golden ở Delhi sau khi quá trình cung cấp oxy bị trì hoãn 7 tiếng, theo giám đốc y tế của bệnh viện.
Tiến sĩ DK Baluja nói: "Mọi thứ chúng tôi có đều đã cạn kiệt. Oxy không được cung cấp đúng giờ. Đáng lẽ phải đến lúc 5 giờ chiều nhưng đến vào khoảng nửa đêm. Những người bị bệnh nặng cần được cung cấp oxy".
Một người đàn ông thực hiện các nghi thức cuối cùng trong lễ hỏa táng người thân đã chết vì Covid-19 ở New Delhi.
Bang phía tây Maharashtra cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại đây, một số lệnh hạn chế được áp dụng. Các cuộc gặp mặt đông người bị giới hạn ở bốn người, và phương tiện công cộng bị hạn chế chỉ sử dụng cho dịch vụ thiết yếu và "sự kiện không thể tránh khỏi" như đám tang. Toàn bộ tiểu bang này áp dụng phong tỏa vào mỗi cuối tuần, kéo dài cho đến cuối tháng.
Một số bang khác cũng ghi nhận số ca mắc cao nhất bao gồm Kerala, Uttar Pradesh, Karnataka, Rajasthan và Chhattisgarh.
Những ai đang bị ảnh hưởng?
Theo các chuyên gia, mặc dù các bệnh nhân Covid-19 thuộc hầu hết mọi lứa tuổi, nhưng làn sóng thứ hai dường như đang lây nhiễm sang những người trẻ nhiều hơn trước đây.
Barkha Dutt, một tác giả và nhà báo tại New Delhi, cho biết: "Virus và làn sóng thứ hai đang tấn công những người trẻ tuổi, thậm chí cả trẻ em, khác với làn sóng đầu tiên. Chúng tôi đã nhìn thấy những em bé 18 ngày tuổi đang giành giật sự sống bên trong Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt".
Tiến sĩ Lancelot Pinto, chuyên gia tư vấn về các bệnh phổi tại Bệnh viện Hinduja P.D, Mumbai, cho biết một nguyên nhân có thể liên quan đến việc Ấn Độ là một quốc gia có dân số trẻ. Độ tuổi trung bình của dân số là 27, có nghĩa là khi một loại virus ảnh hưởng đến cả nước với tốc độ cao như vậy, "chắc chắn sẽ có rất nhiều người trẻ đến bệnh viện".
Một khu đất được chuyển thành khu hỏa táng nạn nhân COVID-19 ở New Delhi.
Nguyên nhân thứ 2 có thể liên quan đến bản thân virus hoặc các biến thể của nó - nhưng vẫn chưa có đủ thông tin hoặc dữ liệu để đưa ra kết luận.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn được ghi nhận ở những bệnh nhân hơn 70 tuổi, Tiến sĩ Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết. "Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải bảo vệ người cao tuổi bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc quan trọng", ông Babu nói.
Vắc xin thì sao?
Ấn Độ đang triển khai tiêm hai loại vắc xin trong nước: phiên bản vắc xin Oxford-AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất được gọi là Covishield và Covaxin được phát triển bởi Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR). Vào giữa tháng 4, Ấn Độ cũng đã phê duyệt vắc xin Sputnik V của Nga.
Quốc gia này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng 1 cho các nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên - đánh dấu ngày tiêm chủng thứ 100 vào ngày 25.4. Mục tiêu của Ấn Độ là tiêm chủng đầy đủ cho 300 triệu người vào tháng 8. Nhưng chương trình đã có một khởi đầu chậm chạp, đối mặt với các vấn đề hậu cần cũng như sự lưỡng lự của công chúng, đặc biệt là đối với Covaxin, được chấp thuận sử dụng khẩn cấp trước khi dữ liệu về hiệu quả của thử nghiệm giai đoạn ba được công bố.
Tính đến ngày 25.4, Ấn Độ đã tiêm 140,9 triệu liều vắc xin chống lại Covid-19, theo Bộ Y tế nước này.
Theo số liệu của CNN, mặc dù Ấn Đô là nước triển khai số lượng vắc xin Covid-19 nhiều thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng Ấn Độ lại xếp hạng thấp hơn nhiều quốc gia về tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người.
Nhân viên y tế vận chuyển thi thể nạn nhân Covid-19 bên ngoài bệnh viện Guru Teg Bahadur ở New Delhi.
Đầu tháng 4, chính quyền trung ương Ấn Độ cho biết họ sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt khẩn cấp đối với những vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các cơ quan chức năng ở Mỹ, châu Âu, Anh và Nhật Bản phê duyệt. Các công ty vẫn cần phải nộp đơn xin phê duyệt ở Ấn Độ, nhưng họ sẽ được miễn tiến hành các thử nghiệm an toàn tại địa phương, giúp đẩy nhanh quá trình này.
Bắt đầu từ ngày 1.5, tất cả cư dân trên 18 tuổi đều đủ điều kiện để tiêm chủng. Các nhà cung cấp vắc xin tư nhân cũng được bán và tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, các quan chức địa phương đã chỉ trích các biện pháp mới, nói rằng không có đủ vắc xin để tiêm cho tất cả những người đủ điều kiện. Thủ hiến bang Tây Bengal gọi quyết định này là "rỗng tuếch, không thực tế và là một hành động trốn tránh trách nhiệm đáng tiếc của chính quyền trung ương vào thời điểm khủng hoảng".
Chính phủ Ấn Độ đang làm gì?
Chính phủ trung ương Ấn Độ đã bắt đầu hành động vào cuối tháng 4 khi mức độ của cuộc khủng hoảng trở nên rõ ràng.
Vào ngày 20.4, trong bài phát biểu trước toàn quốc, ông Modi cho biết chính phủ đang làm việc để cung cấp 100.000 bình oxy mới cho các tiểu bang, và họ sẽ tạm dừng tất cả việc sử dụng oxy cho các mục đích công nghiệp để cung cấp cho mục đích y tế.
Ông Modi nói rằng họ đang nỗ lực để tăng số giường bệnh và xây dựng các bệnh viện chuyên Covid-19 ở một số thành phố.
Trong bài phát biểu của mình, Modi kêu gọi các bang tránh áp đặt lệnh phong tỏa nếu có thể, gọi các biện pháp này là "lựa chọn cuối cùng".
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ hôm 24.4 cho biết chính quyền trung ương đã cung cấp cho Delhi nhiều oxy hơn "những gì họ yêu cầu".
Ngày hôm sau, ông Modi nói rằng chính quyền của ông sẽ thiết lập 551 hệ thống tạo oxy "ở mọi quận để đảm bảo cung cấp đủ oxy".
Hiện chính phủ Ấn Độ đang tìm cách sử dụng đường sắt và Không quân một cách hiệu quả nhất để đưa oxy đến các trung tâm địa phương càng sớm càng tốt.
(Nguồn: CNN)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/toan-canh-tham-kich-o-an-do-dien-bien-khong-ai-ngo-dinh-dich-van-con-phia-truoc-161212804133554437.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.