Tâm sự về hai cậu con trai của mình, chị Dung phải cảm thán rằng: “Tôi có 2 cậu con trai, phải nói là bướng bỉnh và quậy phá vô cùng. Thật khó để mà giữ cho 2 cậu nhóc không làm gì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Đó là chưa kể mọi hiệu lệnh mà tôi đưa ra thật không dễ dàng gì được 2 chàng trai đáp ứng. Đang ở vào độ tuổi mầm non, nên việc bảo chúng nghe lời có vẻ như là một việc hết sức khó khăn.”
Hai cậu con trai của chị Dung là bé Cu Vip 6 tuổi và bá Cu Hiếu 4,5 tuổi đều ở độ tuổi hiếu động và khó bảo. Cách đây 2 năm, chị Dung đã từng phải trải qua khoảng thời gian khủng hoảng vì không biết phải làm cách nào để con chịu nghe lời mình hơn, ngoan hơn và chịu hợp tác với mình hơn. Chị tâm sự rằng: “Có vài lần tôi buộc dùng đến đòn roi và những lời nạt nộ để mong chúng nghe lời. Nhưng, ngày hôm sau mọi cái lại trở lại đúng với quỹ đạo và vòng quay quen thuộc của nó. Nghĩa là tôi vẫn cứ la hét, còn con thì vẫn cứ chơi, cứ bày bừa đồ chơi, quậy phá và làm những gì mẹ bảo là không được làm. Thậm chí, vì tôi hay đánh mắng nên các con của tôi có dấu hiệu ngày càng lì hơn và ngày càng ít muốn gần mẹ hơn.”
Là CEO của một công ty nội thất nên công việc của chị Dung rất bận rộn. Một mình chị phải quản lý tới mấy cửa hàng, chưa kể xưởng sản xuất nội thất của gia đình tại Bình Dương và hơn 30 cửa hàng đại lý trên toàn quốc. Mỗi ngày đi làm về áp lực và mệt mỏi với công việc, lại thêm một đống lộn xộn ở nhà và 2 đứa con nghịch ngợm không nghe lời khiến chị bức bối vô cùng.
Biết rằng việc đánh mắng, răn dạy đã không có kết quả, chị Dung bắt đầu đi tìm phương pháp khác để giúp mình cân bằng hơn giữa công việc và dạy con. Cũng từ đây, chị nghiệm ra nhiều điều mới mẻ giúp việc nuôi dạy con của tôi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Chị Dung đã có những chia sẻ sâu sắc về kinh nghiệm khiến con nghe lời mẹ vô điều kiện:
Chấp nhận sự bừa bộn của con:
Giờ đây, tôi đã không còn quá căng thẳng trước sự bày biện quá nhiều đồ chơi, đất sét trong nhà của mình nữa. Tôi coi sự bày bừa của trẻ như một nhu cầu tất yếu của trẻ. Giống như nhu cầu tất yếu của người lớn là muốn nhà cửa gọn gàng vậy. Tôi cũng không quá mệt mỏi khi thấy những đứa con của tôi nhảy lên nhảy xuống một cái ghế sa lông cho đến khi nó kêu răng rắc bởi gỗ nữa. Tôi cũng coi đó là nhu cầu để giải phóng năng lượng của bé. Từ khi tôi biết chấp nhận thực tế đó, tôi thấy mình nhẹ nhàng hơn, không còn mệt mỏi và bực bội với các bé nữa. Tuy nhiên, song song với đó tôi bắt đầu đề ra những luật chơi bằng các cuộc thi
Đề ra những luật chơi bằng sự khích lệ
“Con được quyền bày đồ chơi ra nhà. Nào bắt đầu thôi”! Đó là trò chơi đầu tiên. Các bé bắt đầu biến căn nhà đang hơi bừa bộn thành bừa bộn hơn. “Tuyệt vời” – tôi nói tiếp. “Ta đã biến căn nhà thành một bãi rác, và bây giờ bắt đầu cuộc thi, các bạn hãy nhặt tất cả vào 2 cái giỏ và đem cất phía sau. Bạn nào nhặt đầy giỏ trước sẽ là người nhện”. Cuộc thi lại tiếp tục, và lần này tôi vừa ngồi dựa lưng vào lan can cầu thang vừa quan sát. Thấy cái gì các bé nhặt còn sót là lại chỉ chỏ. Sau đó, khi các con đã cất đồ chơi tôi bắt đầu quét nhà.
Tôi cũng tiếp tục tổ chức cuộc thi tắm, mỗi khi bé lười đi tắm: “Mẹ đếm đến 10, nếu Hiếu lên đến phòng tắm là Hiếu chiến thắng. Bà Ba (Bà Vú) lại mà xem Hiếu tự cởi đồ đi tắm giỏi chưa nè, Hiếu lớn rồi, Hiếu tự cởi đồ được mà không cần ai giúp đâu”. Và chưa đếm đến mười con tôi đã yên vị trong phòng tắm, đồ cũng được tự con cởi đồ xong.
Hãy là bạn của các con – Nguyên tắc quan trọng nhất
Thực tế, không có công thức, hay bài giảng nào là áp dụng chung cho mọi đứa trẻ và mọi tình huống. Có lần tôi tham gia một lớp học về tâm lý chung của trẻ, 1 tình huống của một phụ huynh đưa ra, được chuyên gia tư vấn tâm lý tư vấn rất hợp lý. Tôi cũng đem cách đó về áp dụng với con mình, nhưng lại không hiệu quả. Sau này, tôi nhận ra, mỗi đứa trẻ có một cách suy nghĩ và hành động riêng, nên không dễ dàng gì áp dụng chúng lên con của mình trong từng tình huống cụ thể. Nhưng có một cách mà tôi thấy nó hiệu quả vô cùng đó là trở thành bạn của con.
Trở thành bạn của con có nghĩa là bạn phải ở vào lứa tuổi của con. Chơi theo cách của con, nói chuyện theo cách của con, và hiểu nó theo cách của con.
Vì dụ: Cu Vip nhà tôi bữa nay đi học về hay kể chuyện trên lớp cho mẹ nghe. Lần nào, tôi cũng ồ à, rồi hỏi lại bé, theo kiểu của một người bạn. Có lần, bé kể đến đoạn bạn đánh bé, tôi bắt đầu la lên oái oái: “Ôi! Kì vậy, Long béo làm vậy là không được. Xấu tính đúng không? Để mẹ đến mẹ mách cô?” Vip nói: “Không, Long béo chỉ đánh nhẹ thôi”. Tôi nói: “À, ý là chỉ vô tình thôi á, thế thì được, nhưng mà mẹ ý là mẹ không thích mấy đứa ỷ to mà ăn hiếp người khác đâu nhé…Hừ hừ, ghét thế!”
Cu Vip thích nhất là lắp ráp lego, những cái khó con đều hỏi mẹ, rồi 2 mẹ con cùng lắp ráp, Vip ráp được cái nào là mẹ luôn tỏ ra ngạc nhiên và nói “Vip giỏi quá đi, khó vậy mà vẫn làm được”
Thi thoảng, anh Vip còn rủ tôi chơi bài pokemon. Khi chơi, tôi chơi rất nhiệt tình và rõ ràng, nếu tôi thắng tôi kiên quyết thắng cho bằng được. Có lần chơi với nhau, anh thua nhưng anh tha thiết thắng lắm, vì chơi với người lớn khi nào cũng được nhường, nhưng với mẹ thì không, anh khóc nức nở, nói là mẹ không thèm nhường con nít.
Lúc thì ủng hộ khích lệ con, lúc thì cùng con như 2 đứa trẻ ngang hàng. Nhưng cứ từ những tình huống như thế tôi trở thành bạn của con khi nào không biết. Mà khi trở thành bạn, nói theo ngôn ngữ của một người bạn thì dễ chịu vô cùng. Thậm chí, đôi khi phụng phịu, dỗi hờn một chút thôi là các chàng trai lại cong cớn lên chạy đi phục vụ mẹ.
Theo Làm Cha Mẹ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.