#Tôi dạy con: Khi con 4 tuổi, tôi giúp bé trật tự hơn bằng "Bộ luật gia đình"

Khi con trai tôi 4 tuổi, chúng tôi đã có một buổi thảo luận về những điều được phép và không được phép làm trong nhà cũng như hình thức khen thưởng và kỉ luật. Những luật lệ trong nhà có vẻ nó khiến bé vui vẻ chấp hành luật lệ hơn.

Có nên lập luật lệ trong nhà?

Câu trả lời cá nhân tôi là có, rất cần thiết. Những quy định chung trong nhà là để cho con bạn thấy những giới hạn mà chúng được phép làm, khiến chúng hành động có trách nhiệm hơn cũng như đảm bảo các hoạt động tự do cho bé.

Bé An được cùng bố mẹ bàn bạc và thống nhất các điều khoản của bộ luật gia đình (Ảnh: NVCC)

Thời điểm nào nên thiết lập luật lệ?

Tôi bắt đầu lập ra các quy định chung trong nhà lúc bé 4 tuổi, thời điểm mà bé bắt đầu hiểu cơ bản các quy định cũng như phát triển ngôn ngữ để biểu đạt ý kiến của mình. Ở thời điểm này, con trai tôi cũng đã được rèn luyện và quen với nhịp điệu mà bé đã được bố mẹ thiết lập cho thời gian một ngày. Thời điểm thiết lập luật lệ phải tùy thuộc vào cá nhân mỗi bé nhưng tôi nghĩ thích hợp nhất là khi bé được làm quen với nhịp điệu sống ổn định trước đó. Bạn sẽ không thể lập luật lệ về việc vệ sinh cá nhân nếu trước đó bé chưa đưa dạy đánh răng. Bạn sẽ khó mà đưa ra quy định về thời gian xem tivi nếu trước đó bạn cho con xem tivi một cách bừa bãi. Bạn sẽ khó làm cho bé chấp nhận việc làm việc nhà nếu trước đó bạn không cho con mình nhặt rau hay vo gạo...Tất cả nên được thiết lập từ từ, sau một thời gian khi bé đã làm quen và được bố mẹ hướng dẫn với điều đó thì mới nên đưa ra các quy định.

Bộ luật nhà bé An bắt đầu được thiết lập khi bé lên 4 tuổi (Ảnh NVCC)

Luật lệ nên có những gì?

Nên-không nên, được-không được, phần thưởng-kỉ luật là những thứ bạn nên thảo luận với bé. Những điều khoản tùy mỗi gia đình nhưng tôi tin chắc các ông bố bà mẹ đủ thông minh để biết nên đưa những điều khoản nào vào có lợi cho sự phát triển của bé. Riêng gia đình tôi, chúng tôi nhấn mạnh nhiều đến những việc “được làm” là những việc tốt chúng tôi khuyến khích bé làm mà bản thân bé thấy hứng thú. Ví dụ: Được đọc sách, được hỏi bất cứ điều gì nếu khi đó bố mẹ không làm việc, được ăn khi đói, được làm bánh, được mua thêm đồ chơi nếu dọn đồ chơi mà không cần bố mẹ nhắc nhở, được mua thêm sách nếu biết giữ giá sách gọn gàng, được xì hơi, được làm bánh...Những điều “không được làm” chúng tôi nhắm đến những biểu hiện xấu của bé như: không được đánh người khác, không được vừa đánh răng vừa chơi, không được từ chối khi có người mời nếm thử đồ ăn...Những điều luật nên dựa trên tinh thần tôn trọng bé, ví dụ con trai tôi rất thích làm bánh nên khi bé yêu cầu điều đó chúng tôi vui vẻ chấp nhận.

Bộ luật quy định rõ những điều được làm và không được làm (Ảnh: NVCC)

Và cả quy định về khen thưởng cũng như kỷ luật (Ảnh: NVCC)

Chấp hành luật lệ thế nào?

Làm thế nào để bé chấp hành luật lệ đã đề ra là câu hỏi rất khó. Đôi khi bé sẽ quên và nhiệm vụ của bố mẹ là phải nhắc nhở bé. Nhưng điều quan trọng nhất là chính bố mẹ cũng phải chấp hành những luật lệ đã đề ra để làm gương cho bé. Tinh thần của gia đình tôi là vui vẻ, nhẹ nhàng. Để làm được điều đó chúng tôi chơi trò cảnh sát với bé. Mỗi khi bé vi phạm quy định, chúng tôi đóng vai cảnh sát đi tuần tra để nhắc nhở: “Nào điều 3 chương 1 luật lệ gia đình em An quy định không xem tivi quá giờ. Nào giờ bạn An có gì để nói khi đã quá 5 phút?” “Ôi, sao tay lại đánh mẹ, luật quy định tay này để ôm nhau thôi...” con trai tôi sẽ ngay lập tức nhập vai vui vẻ và chấp hành. Tinh thần của luật lệ trong gia đình nên để là công cụ nhắc nhở bé làm điều tốt, hạn chế điều xấu chứ không nên coi nó là công cụ để ép buộc, phạt bé khiến con sống trong căng thẳng, lo âu.

Bộ luật không được coi là công cụ để ép buộc hay phạt bé mà để nhắc nhở bé làm điều tốt và hạn chế điều xấu

Sau đây là một số điều có trong “Bộ luật gia đình” mà chúng tôi tạm thiết lập

A-Những điều được làm

1, Được xem tivi 1 tiếng/ngày

2, Được quyền ăn khi đói và từ chối ăn khi cảm thấy không đói

3, Được đọc sách mỗi tối

4, Được làm bánh khi có bột trong nhà

5, Được nói ý kiến của mình

6, Được quậy nếu không làm ảnh hưởng người khác

7, Được đi chơi khi thích hợp

8, Được xì hơi và ợ hơi khi muốn nhưng không được trước mặt khách đến chơi nhà

9, Được ôm nhau thoải mái.

10, Được tự chọn quần áo để mặc

B-Những điều không được làm

1, Không được để đồ chơi lung tung

2, Không được đánh người khác

3, Không được tự ý lấy đồ người khác khi chưa hỏi ý kiến

4, Không được từ chối khi có người mời nếm thử đồ ăn

5, Không được hét to khi tranh luận

6, Không được đái trên giường

7, Không được vừa ăn vừa xem tivi

8, Không được tự ý trèo lên kệ lấy điện thoại của bố mẹ

9, Không được lề mề, chậm trễ

10, Không được vừa đánh răng vừa chạy lung tung trong nhà

Theo Làm Cha Mẹ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang