Cái cảnh chen lấn ấy cũng chẳng lạ gì, tôi vẫn gặp suốt mỗi lần đi siêu thị hay vào các trung tâm thương mại. Chỉ có điều, thấy người mẹ ấy dắt theo cậu con trai chừng 4, 5 tuổi nên tôi chợt nghĩ, không biết đứa trẻ sẽ học được gì khi chứng kiến cảnh người mẹ của mình cố tình chen lấn chỉ để nhanh hơn người khác vài phút đồng hồ?
Không khó để chứng kiến những cảnh chen lấn, xô đẩy, không hàng lối trong các siêu thị (Ảnh minh họa)
Tôi lại nhớ đến dịp cả gia đình đi du lịch Đà Lạt mấy tháng trước đó. Vì vào ngày nghỉ lại đúng mùa du lịch nên rất đông. Tôi và chồng đưa cu Tút tới bến thuyền thiên nga để đạp vịt ngắm cảnh. Khách đến hồ đông vô cùng nhưng không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy. Mọi người đều bình tĩnh xếp hàng, bởi trên vé của ai cũng có ghi sẵn số thứ tự, đợi khi chủ thuyền gọi đến số thì theo thứ tự mà bước lên. Số thứ tự của tôi là 48, đứng sau tôi mấy người là một cặp vợ chồng với cậu con trai nhỏ chừng 3 tuổi có số thứ tự 52. Thấy cậu bé chờ lâu và bắt đầu mè nheo, tôi bèn ngỏ ý đổi chỗ cho cặp vợ chồng nọ, vì tôi có hỏi ý cu Tít và thằng bé cũng đồng ý nhường cho em nhỏ.
Thế nhưng thật ngạc nhiên, cặp vợ chồng đó cảm ơn tôi và vẫn kiên quyết chờ đúng đến lượt của mình. Họ nói rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào và ở đâu thì con trai cũng đang nhìn vào họ và học tập. Việc xếp hàng cũng vậy, con trai họ không nên được ưu tiên vì nó sẽ tạo thành thói quen xấu. Họ muốn con học những nề nếp tốt ngay trong cuộc sống thực tế này, chứ không phải qua sách vở để rồi quên luôn.
Tôi bỗng nhận ra rằng, quả thực những đứa trẻ luôn học hỏi từ chính bố mẹ của mình. Mọi thói quen, mọi hành động của chúng ta đều sẽ trở thành khuôn mẫu để con học theo.
Thói quen không phải tự nhiên mà có, nó hình thành dần dần, từng bước ngay trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi ngày con sẽ nhìn vào bố mẹ, học theo bố mẹ để rồi trở thành một bản sao về thói quen và nề nếp.
Khi bạn chen lấn ở siêu thị, bạn có thể nhanh hơn người khác vài phút đồng hồ. Vài phút ấy không giúp bạn kịp làm thêm điều gì, nhưng đủ để khiến con bạn thụt lùi về văn hóa và trở thành một đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, thiếu quy củ và thật đau lòng nếu một ngày không xa, con bạn bị người ta nhìn với ánh mắt “miệt thị” vì một hành vi không mấy đẹp.
Chúng ta vẫn cứ ước ao “Sao nước ta không được như nước Nhật?” Nhiều người thể hiện sự khâm phục thái độ bình tĩnh, kỷ luật, đặc biệt là ý thức văn hóa của người Nhật trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả trong thảm họa như sóng thần, người Nhật vẫn xếp hàng di tản, có được thói quen này không thể ngày một ngày hai, nó chắc chắn được rèn luyện qua nhiều thế hệ, chứ không phải chỉ là sự rao giảng sách vở.
Tôi lại nhớ cách đây không lâu, dư luận sôi sục chỉ trích một cô gái trẻ, đã không xếp hàng thanh toán, còn lớn tiếng quát nạt cả người già trong siêu thị. Câu chuyện đó khiến biết bao người phẫn nộ. Suy cho cùng, lối hành xử thiếu văn hóa và đáng chỉ trích ấy lại bắt đầu từ chính sự giáo dục của chúng ta. Thói quen xấu không tự hình thành, thói quen tốt cũng không tự phát triển. Tất cả đều phụ thuộc vào sự dạy dỗ của gia đình, của xã hội mà hình thành nên.
Câu chuyện về cô gái trẻ không xếp hàng còn quát nạt người già từng gây phẫn nộ (Ảnh minh họa)
Chỉ đơn giản là văn hóa xếp hàng, nhưng đằng sau đó là biết bao hệ lụy. Việc làm tưởng như rất bình thường của người mẹ có thể làm hỏng thói quen văn hóa đang hình thành ở một đứa trẻ. Sâu xa hơn, sự chen lấn ấy hình thành nên trong đứa trẻ thói sân si, nhỏ nhen, “khôn vặt” để kiếm lợi ích nhỏ. Nó còn khiến 1 đứa trẻ đánh mất sự kiên nhẫn và điềm tĩnh để thay vào đó là sự nóng vội và ích kỷ.
Tôi lại nhìn người mẹ này và lắc đầu tự hỏi, không biết trong giây phút cố đẩy người khác ra để leo tới gần cái máy tính tiền, liệu người mẹ này có chăng nghĩ đến những điều mà cậu con trai nhỏ sẽ học được từ mình?
Theo Làm Cha Mẹ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.