Dưới đây là chia sẻ của chị Linh Nga, 28 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình, về quyết định rời thủ đô về quê sống và lập nghiệp. Chị cho hay bản thân gặp nhiều khó khăn trước khi có được những thành quả hiện tại:
Tốt nghiệp ngành kế toán một trường Cao đẳng ở Hà Nội năm 2012, tôi ra trường với tâm thế sẽ trụ lại thủ đô. Bố mẹ tôi chỉ là công nhân viên chức bình thường, nên sẽ không đủ tiền để chạy cho tôi một chân công chức có giá vài trăm triệu ở quê. Mà ở chỗ tôi, nếu không làm nhà nước thì chỉ đi làm công nhân thôi.
Tôi ra trường vào thời điểm "người người có bằng kế toán" nên rất khó xin được một công việc đúng nghề. Vì thế, tôi chấp nhận làm trái ngành học để có tiền trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội. Tôi xin được vào làm nhân viên tổng đài của một công ty truyền thông chuyên về các dịch vụ trên điện thoại di động. Lương mỗi tháng chỉ 2,5 triệu.
Sau 6 tháng thử việc tôi được nhận vào chính thức với vị trí biên tập viên âm nhạc, lương tăng lên 3 triệu. Công việc của tôi là biên tập tin các file nhạc, lên chương trình để phát sóng vì công ty tôi có liên kết với đài phát thanh. Vốn là người yêu thích âm nhạc nên tôi rất hứng thú với công việc này. Chưa kể nơi tôi làm có môi trường tốt và được đóng bảo hiểm đầy đủ.
Tôi khá hài lòng với công việc đó cho đến khi một năm, hai năm vẫn không được tăng lương. Có thời điểm công ty gặp khó khăn chúng tôi thậm chí còn không được trả lương, nhưng vì gắn bó nên tôi và nhiều người vẫn ở lại. Tiền lương mỗi tháng chỉ đủ để tôi trả tiền phòng trọ, ăn uống, đi lại. Những khoản khác như mua sắm, đi chơi hay ốm đau tôi đều phải xin thêm bố mẹ. Mỗi lần về quê bị họ hàng hỏi đi làm rồi có gửi được nhiều tiền về nhà không là tôi chỉ biết câm nín.
Sau hai năm làm ở công ty truyền thông, tôi xin chuyển một mạch 3 việc khác trong cùng một năm là nhân viên tiếp thị sữa, bất động sản và bán thuê quần áo... Nhưng công việc nào cũng chỉ ở mức lương 3-3,5 triệu, lại không ổn định, nên chỉ vài tháng tôi lại nghỉ việc. Không làm ở đâu được lâu dài, tết không có tiền thưởng, lại đến tuổi cập kê, bố mẹ tôi lo lắng, kêu về quê cho đỡ tốn kém, dễ kiếm chồng. Và thế là tôi tạm biệt thành phố cuối năm 2015.
Chị Nga làm thêm nhiều nghề bên cạnh công việc nhà nước để có thêm thu nhập. Ảnh. Mộc miên. |
Nhờ các mối quan hệ quen biết và một ít tiền, bố xin cho tôi một chân dọn dẹp ở cơ quan nhà nước với mức lương chưa đầy 2 triệu/tháng. Nói dọn dẹp có vẻ vất vả nhưng thực chất công việc của tôi khá nhàn. Hàng ngày tôi quét dọn các phòng, sắp xếp lại giấy tờ, pha trà nước... thi thoảng làm chân sai vặt như đi mua đồ, photo tài liệu cho các anh chị.
Lương thấp nhưng tôi không phải lo tiền ăn, tiền trọ, bố mẹ cũng chẳng lấy xu nào của tôi, chỉ bảo cứ tiết kiệm sau này còn lập gia đình. Thế là ngoài tiền xăng xe, thi thoảng đi chơi với bạn bè, đi ăn với đồng nghiệp, mỗi tháng tôi để ra được 1 triệu.
Sau khoảng nửa năm, khi có được 6 triệu tiết kiệm, tôi nảy ra ý định bán trà đá vì nhà tôi ngay ngoài mặt đường, định tranh thủ bán chiều tối lúc đi làm về. Nghĩ là làm, tôi mua lại vài bộ bàn ghế nhựa cũ, mua cốc chén, bình ủ nước hết khoảng 1 triệu rồi ung dung ra bán. Tôi nhẩm tính bán mỗi cốc 2.000 đồng, chỉ cần bán được khoảng 20 cốc thôi, mỗi ngày sẽ thu được 40.000 đồng, một tháng cũng thêm được một khoản kha khá.
Thế nhưng "tôi tính không bằng trời tính", ở quê tôi người ta không có thói quen ra quán uống trà đá trả tiền. Thường nhà nọ chạy qua nhà kia xin chén nước chè thôi, chứ bỏ ra 2.000 ai cũng xót. Thế là chỉ sau 2 tuần mở ra tôi đã phải đóng cửa.
Lúc này, tôi mới nghĩ phải bán cái gì khác lạ, ở quê chưa có, nhưng cũng phải có giá hợp lý vì thu nhập ở đây không cao. Thấy ở Hà Nội rộ lên trào lưu bán phô mai que rán, nem chua, tôi lặn lội xuống tận nơi tìm nguồn rồi nhập một ít về bán. Lần đầu chỉ khoảng 50-80 cái, thấy bán được tôi mạnh dạn nhập nhiều hơn từ 200-300 cái/ngày. Tôi bán kèm với cá viên chiên, tôm viên... Hàng mỗi ngày đều có xe khách chuyển về tận nơi với phí 50.000 đồng nên rất tiện.
Đồ đạc tôi cũng không phải sắm nhiều ngoài chiếc chảo to để rán. Vì đồ ăn vặt khá lạ nên khách đến khá đông. Trừ tất cả chi phí, mỗi ngày tôi lãi được khoảng 100.000 đồng, ở quê như thế là khá ổn. Tôi thường chỉ bán từ 6 đến 9 giờ tối để còn có thời gian nghỉ ngơi, mai đi làm nhà nước. Toàn bộ số tiền tôi đều dành tiết kiệm.
Một thời gian sau mấy món chiên rán có vẻ bão hòa, trời bắt đầu nóng, hàng bán chậm, tôi lại đi tìm mặt hàng mới, lần này tôi thử sức với mấy món trà xanh Thái đang hot trên thị trường. Bán đồ uống này rất lãi, mua gói trà về và làm thạch, cho vào ngăn mát tủ lạnh, bán 7.000 đồng/chai cũng lãi được một nửa. Có ngày tôi bán được tới 50 chai, chủ yếu cho dân công sở.
Sau khoảng một năm xoay vòng bán đồ ăn, uống vặt, tôi tiết kiệm được khoảng 70 triệu và gửi ngân hàng. Bố mẹ giục tôi kết hôn nhưng tôi chưa muốn, đam mê làm việc của tôi vẫn chưa dừng lại, càng làm tôi càng hăng. Một lần, chị họ tôi ở Hà Nội nói gửi cho chị gà ở quê, vì gà chạy bộ, ăn giòn và chắc. Sau đó, chị giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng khen ngon nên tôi có mối đều đặn, mỗi tuần trung bình bán được khoảng 5 con. Tôi mua của nhà hàng xóm, hoặc những nhà có gà ngon gửi xe khách xuống. Tùy theo yêu cầu, mà mổ sẵn hay không, đóng túi chân không hay để đông lạnh.
May mắn là sau đó, người ta đặt tôi đều đặn mỗi ngày, không chỉ gà mà còn hoa quả sạch ở quê như cam, quýt. Vì còn đi làm nên tôi không dám nhận nhiều, sợ không gom đủ. Hiện tại, mỗi ngày tôi đồng ý gom khoảng 7 - 8 yến cam đang vào mùa. Mỗi cân tôi ăn giá chênh lệch khoảng 5 nghìn, tính ra cũng được hơn 300.000 nghìn/ngày. Số lượng không quá nhiều nên tôi gom tại các vườn cũng không quá khó.
Tôi thấy xu hướng người thành phố thích đồ quê sạch, chất lượng ngày càng gia tăng nên tôi dự định sẽ tiếp tục đi theo hướng này. Với số tiền tiết kiệm được, tôi dự định sẽ giúp bố mẹ sửa nhà trong năm tới. Có lẽ tôi cũng sẽ kiếm người yêu, người có thể sẽ giúp tôi phân phối và điều chuyển hàng cung cấp ra thủ đô thuận tiện hơn.
Tổng thu nhập mỗi tháng của tôi hiện khoảng 12 triệu/tháng. So với bạn bè tôi ở thành phố không phải là cao nhưng ở quê như vậy là ổn, quan trọng là tôi tiêu rất ít và để ra được nhiều. Nếu giờ này tôi vẫn bôn ba ở thủ đô, chắc mỗi tháng tôi vẫn phải xin tiền bố mẹ và ước mơ có được khoản tiết vài trăm triệu tiết kiệm là quá xa vời.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.