Hai điểm mới trong chọn SGK
Theo Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK mới của Bộ GD&ĐT, có 2 điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất, mỗi trường học sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông và phân công nhiệm vụ cho từng người. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn sách cho từng môn học. Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học bao gồm cả giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng… của cơ sở giáo dục phổ thông tham gia lựa chọn sách của các môn học.
Thứ hai, ở dự thảo này, việc chọn lựa SGK mới có cả sự tham gia ý kiến của cha mẹ học sinh. SGK được lựa chọn đảm bảo có từ 1/2 số giáo viên trở lên lựa chọn. Sau đó, nhà trường tổng hợp kết quả lựa chọn sách của các tổ chuyên môn để lập hồ sơ lựa chọn SGK về cấp quản lý là Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương. Sau đó, UBND tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK mới được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30/4 hằng năm.
Dự thảo cũng quy định, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các nhà trường đề xuất Phòng hoặc Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách.
Việc trả lại quyền chọn SGK cho đội ngũ nhà giáo được đưa ra trong bối cảnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK năm thứ 4 và chỉ còn một năm nữa hoàn tất việc thay sách ở các lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9, lớp 12. Trong 4 năm qua, đã có 2 phương thức chọn SGK, trong đó năm đầu tiên các trường được chọn sách nhưng đến năm thứ 2, thứ 3, thứ 4 việc chọn sách mới giao cho các tỉnh, thành phố lập một hội đồng lựa chọn. Từ đó đã có nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên không được tôn trọng ý kiến chọn sách để dạy học.
Bà Trương Thị Hiền Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình (Hà Nội), nói rằng, khi giao quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường, giáo viên sẽ phải vất vả hơn trong việc nghiên cứu, đánh giá để chọn lựa nhưng đó là hướng rất phù hợp. Khi đó, giáo viên sẽ phải đọc tất cả đầu sách và đánh giá, so sánh ưu, nhược điểm cũng như mục tiêu của sách này có phù hợp học sinh của khu vực hay không; với SGK đó, phụ huynh có thuận lợi để phối hợp với giáo viên trong việc đồng hành, hỗ trợ trẻ hay hay không.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Dũng qua 3 năm dạy học mới thấy việc nhặt từng đầu sách ở các bộ sách khác nhau phù hợp với nhà trường.
Cần có cơ chế giám sát
Bà Phan Thị Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), cho rằng, qua 3 năm thay SGK mới, nhà trường vẫn phải thành lập hội đồng để giáo viên nghiên cứu, đánh giá và có ý kiến về việc chọn sách. Tuy nhiên, ý kiến của giáo viên thời gian qua chỉ mang tính chất đề xuất. Với dự thảo mới của Bộ GD&ĐT, ý kiến của giáo viên sẽ đóng vai trò quyết định. Việc lấy ý kiến của phụ huynh học sinh cũng thêm một kênh để hội đồng căn cứ đi đến quyết định chọn lựa. Nếu vẫn cách làm như lâu nay nhưng ý kiến của đa số giáo viên được tôn trọng, không có sự vênh lệch thì bản chất sẽ không khác so với nhà trường chọn sách. Tuy nhiên, có thể ở đâu đó, nhà trường muốn dạy bộ sách này nhưng tỉnh, thành phố lại chọn khác hoàn toàn ở một bộ khác sẽ không phù hợp.
Giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cho rằng, giao quyền chọn SGK là chủ trương đúng đắn, tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế giám sát, tránh việc người đứng đầu cơ sở giáo dục can thiệp để chọn bộ sách này hoặc bộ sách khác và buộc giáo viên trong trường phải nghe theo. Thực hiện chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK nhưng đến thời điểm này chỉ có 3 bộ sách nên có phần hạn chế sự lựa chọn của giáo viên. Nếu có thêm tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, khi đó có 4-5 bộ sách, ngữ liệu phong phú, giáo viên có thêm sách để tham khảo, lựa chọn sẽ thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) nói rằng, các nhà trường, giáo viên có mong muốn tự chủ, tự chọn bộ sách phù hợp để dạy học nên dự thảo mới của Bộ GD&ĐT sát với thực tiễn. Hơn ai hết, chính giáo viên đứng lớp biết chọn bộ sách để dạy học. “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục SGK đã được thẩm định do đó, chọn đầu sách, bộ sách nào cũng đều đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Vấn đề đặt ra là khi giao quyền chọn sách cho giáo viên, họ phải nghiêm túc đọc, đánh giá và chọn ra cuốn phù hợp nhất với học sinh của mình”, ông Hậu nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.