TP.HCM đã có 3.535 trường hợp mắc COVID-19, mở chiến dịch truy vết tìm F0 bằng xét nghiệm rộng toàn thành phố

Các lực lượng chức năng rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Đồng thời mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP.

Ngày 28/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, với các điểm cầu tại Thành uỷ TPHCM và UBND TP.HCM.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến sáng ngày 28/6, đã có 3.535 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố.

Trong đó 3.284 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 247 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly.

Trong ngày 27/6, TP không có bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi là 483. Có 7 bệnh nhân tử vong (BN5463, BN9493, BN11529, BN12007, BN9830, BN9830, BN14456) bà hiện đang điều trị 3.045 bệnh nhân dương tính mới.

Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc.

Giám đốc Sở Y tế nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh (tăng 32-42 ca).

Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối.

TP.HCM đã có 3.535 trường hợp mắc COVID-19, có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung - Ảnh 1.

Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Về tổ chức xét nghiệm COVID-19, tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng từ 26/5/2021 đến 27/6/2021 là 1.195.907 mẫu xét nghiệm.

Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã lấy 19.897 mẫu. Trong đó 18.875 mẫu âm tính, 1.022 mẫu chờ kết quả.

179.807 mẫu của F2 đã được lấy, trong đó 125.842 âm tính, 53.965 đang chờ kết quả.

Có 996.203 mẫu tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm được lấy, trong đó 846.384 mẫu âm tính, 149.819 mẫu (gộp 10) chờ kết quả.

TP cũng đã sử dụng 30.000 test kháng nguyên nhanh. Hiện tại đã tiếp nhận 80.000 test nhanh từ Hà Nội chuyển vào ngày 27/6/2021 (Medion).

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tính đến 18g ngày 27/6/2021, tổng cộng có 710.773 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 4 trên tổng số 797.420 người đến tiêm (có 93.264 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ 13.12 %).

Số lượng này chưa tính số liệu 26.000 nhân viên y tế tư nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

TP.HCM đã có 3.535 trường hợp mắc COVID-19, có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin COVID-19 đợt 4 tại TP.HCM.

Có 676 phản ứng sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (28 trường hợp độ 1, 42 trường hợp độ 2, 16 trường hợp độ 3, 02 trường hợp độ 4 và 14 trường hợp khác). Tất cả đều được theo dõi sát, hiện tại tất cả đều ổn định.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và các quận huyện, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, ngay từ khi phát hiện ổ dịch Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng mang chủng Delta, thành viên của nhóm lại có mặt ở cả 16 quận huyện, TP đã dự báo về khả năng dịch bệnh sẽ lây lan nghiêm trọng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất.

Đồng thời mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP Thủ Đức, quận - huyện để có các giải pháp phù hợp.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, hiện nay, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.

Trước lo ngại lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học.

Cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.

 

 

 

Theo Nhịp sống Việt

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang