Tại họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM tổ chức chiều 4-10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết tính đến ngày 3-10, Ban Chỉ đạo đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá và ghi nhận 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch.
5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động lại
Từ 18 giờ ngày 2-10 đến 18 giờ ngày 3-10, TP đã lấy 102.760 mẫu xét nghiệm, xét nghiệm nhanh kháng nguyên 100.008 mẫu. Tổng số mũi vắc-xin đã tiêm đến ngày 3-10 là 11.314.301, trong đó 6.947.437 mũi 1 và 4.366.864 mũi 2.
TP đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng đang thở máy. Trong ngày có 1.449 bệnh nhân nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện, 93 trường hợp tử vong (tổng số tử vong từ ngày 1-1 đến nay là 15.241 người).
Theo ông Hải, trong 3 ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 tại TP nằm ở mức 2 con số; số nhập viện cũng thấp hơn số ca xuất viện. Một tín hiệu lạc quan nữa là hiện TP không còn F0 phải can thiệp ECMO. Trước đó, số F0 phải can thiệp ECMO luôn nằm ở mức hơn 20 người.
Ngày 2-10, số bệnh nhân cần can thiệp ECMO còn 19 ca nhưng ngày 3-10 không còn ca nào. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết nguyên nhân không còn ca ECMO (điều trị ở các bệnh viện tầng ba) là do số ca phải điều trị trước đó đã chuyển nhẹ, được chuyển xuống tầng thấp hơn và một số người đã qua đời.
Thông tin về xét nghiệm định lượng kháng thể virus SAR-CoV-2, theo bà Mai, nhà nước không cấm thì các cơ sở y tế có thể thực hiện được. Hơn nữa, đây hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, các cơ sở y tế khi mở dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể cần đăng ký và xét nghiệm ở mức giá phù hợp. Về góc độ khoa học, bà Mai cho rằng hiện Bộ Y tế chưa có khuyến cáo, vì vậy người dân không nên làm.
Ông Hải cũng cho biết trong 3 ngày qua, TP đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục tái hoạt động.
Lực lượng Công an TP HCM tăng cường tuần tra trên đường. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lập biên bản 588 trường hợp
Về tình hình sản xuất tại các KCX, KCN, trước ngày 1-10, tổng số lao động khu vực này là 288.000, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến - 1 cung đường".
Từ ngày 1-10 đến nay, trong 70.000 lao động "3 tại chỗ" giảm còn 45.000 người và có đăng ký mới khoảng 33.000. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành sản xuất bình thường và có bổ sung thêm khoảng 57.000 lao động. Tổng cộng, hiện có khoảng 135.000 lao động tại các KCN, KCX, chiếm 46%. Do vậy, vẫn còn rất thiếu lao động nên các doanh nghiệp thuộc khu vực này đang tiếp tục tuyển dụng bổ sung.
Đối với khu công nghệ cao, trước ngày 1-10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó có 25.000 lao động "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến - 1 cung đường". Trong 50.000 lao động của khu công nghệ cao có 40.000 lao động tại TP HCM và khoảng 10.000 lao động sinh sống ở Bình Dương, Đồng Nai.
Thông tin về tổ tuần tra lưu động trên đường, thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết 3 ngày qua, 12 chốt trạm và 39 chốt cửa ngõ quận, huyện trên địa bàn và lực lương tuần tra trên đường đã kiểm tra hơn 547.000 phương tiện, lập biên bản 588 trường hợp vi phạm, phạt hơn 1,2 tỉ đồng. Trong số này có 120 trường hợp lưu thông trên đường chưa bảo đảm theo quy định, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ ngày.
Theo thượng tá Giang, ai không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân (khẩu trang, giãn cách) bị phạt từ 1-3 triệu đồng; không chấp hành quy định phòng chống dịch bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra xử lý, lực lượng chức năng sử dụng camera và điện thoại để ghi hình.
Số mắc Covid-19 mới giảm sâu
Bộ Y tế cho biết ngày 4-10, nước ta ghi nhận thêm 5.383 ca mắc Covid-19 tại 37 tỉnh, thành phố, trong đó 2.690 ca ngoài cộng đồng. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (400.003), Bình Dương (216.853), Đồng Nai (51.364), Long An (32.857), Tiền Giang (14.172)...
Trong ngày, có thêm 27.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 721.480. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.144 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.845 ca (chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm). Nước ta đã tiêm gần 45,5 triệu liều vắc-xin, trong đó hơn 10,8 triệu người tiêm đủ 2 liều.
Bộ Y tế cho biết liên quan chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã ghi nhận 41 ca mắc liên quan, trong đó: Hà Nội (33), Nam Ðịnh (4), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (1), Hải Dương (1). Có 18 trường hợp là người nhà bệnh nhân, 17 trường hợp là bệnh nhân, 5 trường hợp là nhân viên làm việc tại bệnh viện và 1 trường hợp khác lây nhiễm liên quan.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm cách ly với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ. Theo đó, người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn được quy định như sau: Với người đã tiêm đủ liều vắc-xin (có chứng nhận) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có giấy xác nhận hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu. Khi đến nơi tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày.
Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19, trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm ARN hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu. Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
N.Dung
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.