Tranh cãi không hồi kết: Phụ huynh có nên đánh giáo viên để bảo vệ con?

Liệu bản năng người mẹ trỗi dậy trong nhưng trường hợp này là đúng hay sai?

Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái nhất. Tình yêu thương đó luôn đi cùng bản năng ''xù lông bảo vệ con''. Không cha mẹ nào muốn con đi học, hay đi ra đời, mà bị người này bắt nạt, người kia trách mắng hay khiến con tổn thương... Vì lẽ đó, mới có nhiều vụ mâu thuẫn giữa phụ huynh và thầy cô giáo xoay quanh một vấn đề sự tổn thương của đứa trẻ.

Mới đây, hội bỉm sữa lại tiếp tục làm dậy sóng cộng đồng mạng khi ra sức tranh cãi và thể hiện quan điểm xung quanh chia sẻ của một mẹ bỉm sữa trong một group kín. Bằng giọng văn bực tức và mất bình tĩnh, bà mẹ này kể lại chuyện con của cô bị cô giáo xé vở ngay trước mặt vì viết chữ xấu. Cho rằng, đây là một hành động ''không thể chấp nhận nổi, quá vô văn hóa và coi thường nghề nghiệp của chính mình'', nên chị đã tới trường và định xông vào ''tát cho cô giáo mấy phát'' (nhưng may là cô né được), rồi chửi ầm ĩ lên đến mức ban giám hiệu phải mời vào phòng nói chuyện giảng hòa.

Dù đã được giảng hòa, nhưng bà mẹ này vẫn giữ quan điểm rằng ''đánh con em nhẹ nhàng em không nói, nhưng xé sách vở thì không được... Con em mới vào lớp 1, cũng đi học hè biết hết chữ rồi, nó cũng không phải viết xấu đến nỗi như thế mà cô giáo ứng xử kiểu đấy''

Ngay lập tức, bài đăng đã nhận được hơn 2 nghìn lượt like và tất nhiên là hàng trăm bình luận của các mẹ. 

Luồng ý kiến lập tức chia làm 3 phe: Đồng ý, phản đối và trung lập

Phe đồng ý cho rằng, nếu đây là tình huống xảy ra với con họ, thì họ cũng không giữ được bình tĩnh 

''Con mình mình xót, cho đi học là để các cô giáo rèn chữ, đạo đức, chuyên môn... Lớp 1 thì biết gì chữ xấu chữ đẹp. Chữ xấu thì uốn nắn lại, hoặc kiên nhẫn, chứ xe vở của cháu đi, thì có nghĩ đến việc cháu bị tâm lý và sợ viết chữ không? Hành động này khiến mình liên tưởng với phản ứng của thầy cô hồi xưa, lúc mình viết tay trái. Cứ đánh đập và bắt mình chuyển sang tay phải cho bằng được, gây ám ảnh cho mình kinh khủng. Trong trường hợp này, nếu cháu bé bị căng thẳng quá khi đi học, thì sẽ không bao giờ rèn được chữ đẹp đâu. Đồng ý là chỉ cần nhắc nhở, khiển trách nhẹ hoặc cho con thời gian, chứ không phải xé vở như thế này'' - mẹ Hoàng Oanh nói.

''Xé vở không phải là chuyên môn nghề giáo. Đây là hành động cho thấy sự bất lực trong giảng dạy, thay vì tìm cách để học sinh viết được chữ đẹp, thì cô giáo này lại xé vở đi để dọa dẫm'' - bạn Hương Tâm bày tỏ. 


''Làm gì khi con bị thầy cô đối xử thô bạo?''

Nhưng nhiều nhất vẫn là những ý kiến phản đối cách hành xử được cho rằng ''không đúng đắn'' của mẹ bỉm sữa này. 

Bạn Trờ Ang Trang: ''Bạn không hề tỉnh ra và bạn không hề hiểu chuyện, bạn như vậy thì con bạn không bao giờ lớn lên nổi, nếu bạn là nột người khôn khéo và đàng hoàng, bạn chỉ cần nói  chuyện đàng hoàng với cô giáo, chứ bạn hành xử như vậy thì khác nào chợ búa? Đồng ý con cái không xót, nhưng phải biết hành xử như nào cho đúng. 

Bố mẹ luôn làm quá mọi vấn đề, tới khi con hư con học dốt thì kêu ai? Tại sao khi con đi học về các bạn không nhẹ nhàng hỏi hôm nay con được học gì ở lớp??? Mà các bố các mẹ chỉ hỏi hôm nay cô có đánh con không??''


Chỉ cần một lần xảy ra chuyện, thì trẻ có thể sợ đến trường cả đời 

Đinh Thắng thì phân tích thiệt hơn hậu quả của hành động nóng nảy này của người mẹ: ''Phụ nữ mà nóng tính thế. Như này khó dạy con lắm. Giờ bạn vào tình cảnh rất khó xử đấy. Chuyển lớp vẫn trong trường đấy thì chắc gì đã yên. Chuyển trường thì cũng có tai tiếng, dù cô có sai đi chăng nữa. Bạn thì nóng giận không kiềm chế được nhưng Phụ huynh đánh giáo viên thì phản cảm lắm. Ngày trước mình đi học cũng viết xấu. Đến giờ chữ vẫn xấu. Cô giáo vụt vào tay. Xé cái trang viết xấu, tẩy xoá. Bắt viết trang mới. Phạt ở lại ngồi viết hết cái bài thơ Đi Học của Tố Hữu. Khi nào nhìn ổn mới cho về. Việc bị xé vở, vụt vào mông, véo tai, đánh vô lòng bàn tay... không biết bị bao nhiêu lần. Nhưng ba mẹ mình vẫn cứ bình thản. Về kiểm tra thấy sai mình còn bị mắng thêm. Lần sau nên bình tĩnh bạn à'' 

Phượng Kim: ''Là người mẹ thì nên biết kiềm chế. Đã chấp nhận cho con đi học thì phải để cho các cô dạy thành người uốn nắn từ nhỏ, chứ vì sự việc nhỏ mà đánh giá cả phẩm chất của cô giáo thì không nên''

Mẹ nên làm gì khi cô giáo có cách ứng xử không đúng mực với con?

Qua sự việc này mới thấy, thật sự không có một chuẩn mực chung nào để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên. Ai cũng có lý, có tình của riêng mình. Nhưng tựu chung, trước khi cả hai bên nóng giận, thì hãy nghĩ đến cảm xúc của con trẻ đầu tiên: Con cảm thấy như thế nào? Con có bị tổn thương? Nếu việc cô đánh con làm con đau đớn, thì sau đó, con trẻ cũng sẽ đau đớn không kém khi chứng kiến mẹ nhào vào đánh cô giáo của mình. Việc này sẽ gây nên một ký ức xấu trong đầu trẻ.

Vì vậy, trong mọi trường hợp, phụ huynh phải thật bình tĩnh và chọn cách đối thoại hòa bình trước, thay vì ''manh động''. Bởi sự manh động có thể khiến bạn thỏa mãn sự bức xúc trong nhất thời, nhưng không thể nào thay đổi hậu quả mà nó để lại. 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang