Trẻ tự tử vì áp lực điểm số: Xin đừng bẻ gãy đôi cánh của con!

Chênh vênh ở lầu 7 của một tòa nhà chung cư, có một chú chim non vừa gẫy cánh. Đứa bé 12 tuổi vĩnh viễn không còn tương lai. Là do điểm 3 Anh Văn con vừa nhận được, hay những trầm cảm con đang đối mặt?

Chim non gẫy cánh

Những ngày này, con virus tang thương gieo rắc khắp Facebook của tôi một màu u ám, mà khởi nguồn đến từ câu chuyện buồn sau:

"...Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, 2 con trai đều đẹp trai xinh xắn học giỏi ngoan ngoãn, là hình mẫu của cả chung cư. Thế rồi bi kịch xảy ra. Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé trai lớn của anh ấy (năm nay học lớp 6) bị điểm 3 môn Anh văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà cuối cùng cũng không tránh được bi kịch. Trưa thứ 2 tuần rồi khi có mặt cả ba mẹ cùng ở nhà với bé, bé đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất và không qua khỏi…" 

Con virus thổi bùng "chiến tranh ngầm", và trẻ con vô tình trở thành nạn nhân của nền giáo dục đầy nước mắt (Nguồn: Facebook)

Lặng lẽ tìm kiếm thông tin, tôi rùng mình khi gần ba chục bài viết đầu tiên lướt qua, đều có chung tựa: "Cậu bé 10 tuổi tự tử vì điểm kém Tiếng Anh; Tự tử học đường; Bệnh thành tích…". Con quái vật mang tên Điểm số, thật biết cách để ăn mòn tuổi thơ con, cô lập con khỏi thế giới con đáng được tận hưởng, và ép buộc con chơi cùng người bạn Áp lực - người đang mang trong mình virus Trầm cảm.

Nhưng hơn cả một loại bệnh tật, virus này không chỉ ăn mòn vào cơ thể, mà còn là tinh thần con, tuổi thơ con, nó có thể bóp nghẹt con, và tước đi đôi cánh con chưa từng có dịp dùng. Còn điểm 3 trong câu chuyện trên, chỉ là giọt nước trên chiếc ly vốn chực tràn.

Trong một kết quả y tế trường học giai đoạn 2011-2015 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử. Và không ít em, đã biến điều đó thành sự thực. Nguyên nhân do đâu, thầy cô và bố mẹ là người hiểu rõ hơn ai hết.

Con quái vật đang bóp nghẹt cuộc sống của con, khiến con phải gồng gánh những áp lực quá mức với tuổi thơ (Ảnh: Pippa Keel)

Phải chăng tôi nhầm lẫn, khi vẫn mặc định rằng trường học là nơi nuôi dưỡng ước mơ của con, và trách nhiệm của bố mẹ là ở bên cạnh con, đỡ con vững dậy khi ước mơ gẫy cánh? Những gì tôi nhìn thấy qua câu chuyện đáng tiếc trên, nhà trường chính là nơi dập tắt sự tự tin của con. Khi nhà tù thả con quái vật Điểm số để hù dọa, tù nhân bé nhỏ đã chọn phương án giải thoát cho chính mình. 

Và bố mẹ - những người máu mủ ruột thịt với con mình, lại chọn cách đưa con đi khám tâm lý? Có hoang đường quá chăng, khi trách nhiệm đồng cảm và thấu hiểu con cái, phải là chính bạn? Câu chuyện ẩn chứa rất nhiều tranh cãi, khi từng chi tiết đều là vũ khí chống lại chính phụ huynh của đứa trẻ xấu số. Dấu hiệu trầm cảm manh nha xuất hiện từ khi con phải gánh chịu cái "mác" hình mẫu của chung cư, của lớp học, của bộ môn mà con yêu thích nhất. Và một kỳ thi oái oăm xuất hiện, như một que diêm thổi bùng trận đuối lớn, mà không cách nào dập tắt. Nếu có một điều mà tôi chắc chắn, thì đứa trẻ trên không phải là trường hợp duy nhất phải chịu đựng những áp lực nặng nề này. 

Con đi học, áp lực chẳng kém gì bố mẹ đi làm! Sáng - áp lực từ trường học, tối - áp lực từ bố mẹ. Là bởi bệnh thành tích, hay kỳ vọng quá nhiều? (Ảnh: Pippa Keel)

Theo tờ South China Morning Post, tính từ 2016 đến nay, hơn 22 người trẻ Hong Kong, trong đó có những đứa trẻ chỉ mới 11 tuổi đã được xác nhận tự tử, dẫn đến báo động tình trạng giáo dục ở mức nghiêm trọng tại đây. Việc cha mẹ bảo bọc, áp đặt con quá mức đang góp phần sản sinh một thời đại những mầm non "thiếu kháng sinh", yếu ớt, không đủ khả năng vượt qua những cú sốc tâm lý. Đến từ giáo viên một phần, thì từ phụ huynh phải 10 phần – những người đã ươm mầm sai cách, để con học nhầm trường. Còn nhớ cách đây chỉ hơn một tuần trước thềm khai giảng năm học mới, câu chuyện trường công trường tư được bố mẹ quan tâm và bàn cãi đến cùng, phải chăng mục đích sau chót, vẫn là để tìm kiếm một môi trường cho con học được tốt nhất, mà "tốt" – đồng nghĩa với việc "điểm số" của con phải cao?

Con đã can đảm để đối đầu, thì bố mẹ hãy can đảm để nói lời xin lỗi!

Lời xin lỗi ấy, dẫu đến muộn màng, hãy một lần nói ra!

Để con trẻ biết rằng, trên chiến tuyến thất bại, va vấp trên đường đời, chúng có bạn là người đồng hành. Thừa nhận mình đã nặng lời quá mức khi ép con phải học quá nhiều, xin lỗi vì đã khiến con mất đi tuổi thơ. Hãy cho con biết rằng, điểm số không phải thước đo để đánh giá một con người. Và quan trọng nhất, hãy thổ lộ bạn yêu con nhiều đến mức nào, dẫu con chưa biết đọc khi vào lớp một, hay trót nhận một điểm ngỗng trong bài tập hôm qua.

Đó là tất cả những gì bạn nên làm ngày khi đọc đến những dòng này. Bởi có thể, bạn sẽ không còn gặp lại thiên thần của mình một lần nào nữa!

Bởi vì ý nghĩa của việc học, là con được hạnh phúc.

Hãy để con thơ được là chính mình! (Ảnh: Pippa Keel)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang