Những F1 "bất tử" trong gia đình toàn F0
Chị Nguyễn Thanh Hương, 28 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội, sống cùng nhà với F0, nhưng may mắn sau 5 ngày cách ly vẫn âm tính. Căn phòng trọ khá nhỏ, không chia phòng, chung nhà vệ sinh và không gian sinh hoạt, nên ban đầu chị hơi lo lắng.
Để không bị lây nhiễm chéo, chị đeo khẩu trang, sát khuẩn nhà và đồ vật, tránh dùng chung đồ và hạn chế tiếp xúc. Nữ nhân viên văn phòng còn uống vitamin C, ăn nhiều hoa quả, sát khuẩn họng hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng.
"Bạn mình xuất hiện triệu chứng bệnh nhẹ nên có thể tự chăm sóc bản thân. Chúng mình cũng hạn chế lạm dụng test Covid-19. Theo quy định, F0 cách ly đến ngày thứ 7 thì test, còn mình F1 thì đến ngày thứ 5", chị Hương kể.
Sau 5 ngày cách ly, sức khoẻ ổn định và test nhanh âm tính, ngày 28/2, chị Hương quay trở lại văn phòng làm việc.
Gia đình chị Nguyễn Quỳnh An, 33 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có 3 thành viên lần lượt mắc Covid-19, riêng chị là F1 "bất tử". Căn chung cư tuy có hai phòng ngủ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, là vấn đề nan giải cho F0 điều trị và cách ly tại nhà, trong khi các cơ sở, thu dung hiện đang quá tải.
Để chuẩn bị, chị An mua găng tay, khẩu trang, nước khử khuẩn. Bốn thành viên đều đeo khẩu trang, xịt khuẩn nhà mỗi ngày. Chị nấu đồ ăn riêng, tráng nước sôi các bát đũa, rồi đặt trước cửa phòng cho chồng.
Mỗi lần đi vệ sinh, các thành viên đều sử dụng găng tay để bấm khóa cửa. 2 ngày, gia đình dùng gần hết 3 hộp găng tay 280 đôi. Oái oăm hơn, trước khi vào nhà vệ sinh, chồng sẽ nhắn tin, để chị bế con gái từ phòng khách vào trong phòng ngủ để tránh tiếp xúc. Mỗi lần như vậy, cô bé lại khóc "hết nước mắt" vì đang xem dở chương trình ti vi.
Trong gia đình F0 nhiều hơn F1, thì F1 sẽ được "cách ly" như thế này (Ảnh: NVCC)
Dịch Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 27/2 đã vượt 11.000 ca nhiễm. Theo đánh giá cấp độ dịch, 74 xã, phường, thị trấn đã chuyển sang cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), chiếm 12,8%. Tuy nhiên số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà), kiểm soát số ca điều trị chuyển tầng 2 và 3.
Theo các chuyên gia, nửa tháng nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
Làm sao để tránh lây nhiễm chéo?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng người bệnh Covid-19, những người thân trong gia đình tốt nhất ở và sinh hoạt (tắm giặt, ăn uống) phòng riêng biệt. Dù là F0 hay F1, các thành viên đều tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên theo dõi sức khoẻ bản thân.
"Mọi người nên hạn chế nói chuyện, có thể gọi điện hoặc nhắn tin. Đặc biệt các vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa,... cần tránh tiếp xúc", ông Nga nói.
Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh, thì cả F0 và F1 phải có ý thức. Nếu giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng thì nguy cơ lây lan không lớn. Mỗi người sau khi sử dụng xong thì nên cọ rửa, dội nước xà phòng, tẩy rửa thì mới đảm bảo an toàn. Người dùng khi đi vệ sinh cần đậy nắp lại mới dội nước để tránh chất thải bắn ra ngoài. Các thành viên không nên ho, khạc nhổ bừa bãi để tránh virus lây lan. Chú ý vệ sinh thường xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện.
Các chuyên gia khuyến cáo cách phòng tránh lây nhiễm chéo khi sống cùng F0 (Ảnh minh hoạ)
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng khuyến cáo cách để tự phòng và chống nhiễm Covid-19.
1. Rửa tay đúng cách với xà phòng thông thường trước và sau ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi đi từ chỗ đông người về, sau khi chạm tay vào những chỗ như nút bấm thang máy, ATM, tay nắm cửa... Hạn chế tối đa việc đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.
2. - Ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) ngày 4-5 lần.
- Uống đủ nước, tốt nhất nên mang theo bình nước cá nhân, có thể thêm chút muối hoặc chanh hoặc bất cứ loại quả nào bạn thấy thích.
3. - Quần áo bẩn nên giặt ngay, tránh để lâu trong phòng, nếu có máy sấy thì sấy khô ngay. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa mỗi khi có thể để không khí trong nhà thông thoáng.
- Nên xông phòng các loại tinh dầu tràm, quế, chanh bạc hà...
- Cân nhắc việc dùng đèn cực tím để sát trùng đồ đạc cá nhân (tuyệt đối không để tia cực tím tiếp xúc với cơ thể người).
4. Sử dụng găng tay và kính
- Xem xét việc sử dụng găng tay/kính mỗi khi đi ra ngoài, đặc biệt khi phải tới những nơi có nguy cơ cao.
- Đeo găng tay, kính là cách phòng chống rất hiệu quả, tuy nhiên việc sử dụng còn khá bất cập trong cuộc sống thường ngày.
6. Đeo khẩu trang
- Thực hiện đúng hướng dẫn đeo khẩu trang y tế của Bộ Y tế.
- Đeo liên tục nếu có các triệu chứng giống cảm lạnh. Nên đeo khi đi thang máy, xe bus,... khi đến các chỗ đông người.
- Cân nhắc việc sử dụng khẩu trang vải nếu nguy cơ thấp.
Lưu ý: tác dụng của khẩu trang ngoài việc ngăn mầm bệnh, còn giúp hạn chế việc đưa tay lên chạm vào mũi, vào miệng rất nhiều.
7. Súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn họng trước khi ra khỏi nhà và sau khi về nhà. Nếu được, có thể mang theo dung dịch sát khuẩn họng để súc khi thấy có nguy cơ lây nhiễm.
8. - Hạn chế stress, suy nghĩ tích cực, lạc quan.
- Ngủ đủ giấc.
- Thể dục thường xuyên.
- Sự thoải mái về mặt tinh thần là yếu tố rất quan trọng để chống lại Covid-19.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.