Gần đây ở Trung Quốc xuất hiện nhiều trường hợp trẻ nhỏ phát triển đầu to bất thường sau khi uống một loại thức uống protein đặc được bán dưới dạng sữa công thức trong một thời gian dài.
Theo như thông tin từ kênh truyền hình Kinh tế Hồ Nam đưa tin, hôm thứ 4 (13/5) vừa qua, Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc đã yêu cầu thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam điều tra một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng cho mẹ và em bé, vì đã bán một loại thức uống đặc chứa protein dưới dạng sữa công thức khiến một số trẻ em mắc bệnh "đầu to" và còi xương sau khi sử dụng sản phẩm.
Theo đó, đã có một nhóm các cha mẹ ở quận Vĩnh Hưng (Sâm Châu, Hồ Nam) phát hiện con mình bị sụt cân nghiêm trọng, trán có những vết sưng bất thường, tăng trưởng kém, xương mềm. Thậm chí có một số bé còn biểu hiện như bị phát ban và thiểu năng trí tuệ sau khi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Điểm chung của những đứa trẻ này là đều đã uống một loại "sữa bột y tế đặc biệt" được bán tại cửa hàng này, sau khi các bé được chẩn đoán là bị dị ứng sữa và các bác sĩ khuyên cha mẹ nên tìm loại sữa bột có chứa axit amin cho con uống.
Theo lời của nhân viên cửa hàng thì loại sữa bột y tế đặc biệt này đang rất bán rất chạy. Khi được hỏi tại sao lại ghi là đồ uống đặc trên bao bì, nhân viên chỉ giải thích đơn giản đó là "tên gọi khác của sữa". Một lon 400gram sữa bột này có giá bán đến 298 nhân dân tệ (khoảng 980.000 đồng), đắt hơn gấp đôi so với các loại sữa bột khác.
Một ông bố họ Chu cho biết con gái 3 tuổi của anh đã uống 89 lon sữa y tế đặc biệt này trong suốt 2 năm. Trong quãng thời gian đó, cô bé thường bị ho, nổi ban và rất hay tự vỗ đầu của mình. Dù đã được 3 tuổi, nhưng bé gái chỉ nặng 15kg, tóc chuyển sang màu vàng, tốc độ phát triển các cột mốc chậm và thể chất chỉ như một đứa trẻ hai tuổi. Sau khi đi khám, con anh Chu được chẩn đoán bị còi xương, đồng thời thiếu vitamin A và B.
Một người mẹ họ Trần cũng mô tả con gái chị đang có một cái trán "nhô ra": "Những người khác đều nói con tôi trông như một đứa trẻ "đầu to" và hỏi xem bé có bị dị tật gì không". Chị Trần còn cho biết thêm là lương hàng tháng của chị chỉ có 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu đồng), nhưng chị đã phải chấp nhận chi 3.000 nhân dân tệ (khoảng 9,8 triệu đồng) để mua loại sữa bột đặc biệt này cho con uống mỗi tháng.
Không chỉ có vậy, một ông bố khác còn cho biết con gái ông thường tự đánh vào đầu mình nhiều lần trong ngày sau khi bị thiểu năng trí tuệ do sử dụng sữa bột này thường xuyên.
Theo thông tin từ cuộc điều tra, sản phẩm thức uống này có tên là Bei An Min được sản xuất bởi một công ty có địa chỉ ở tỉnh Hồ Nam. Mặc dù nhà sản xuất ghi trên bao bì vỏ hộp là "thức uống protein đặc" nhưng sản phẩm này lại được bày bán tại khu vực sữa công thức dành cho trẻ em của một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng mẹ và bé nổi tiếng.
Khi thông tin về tác hại nguy hiểm của loại sữa bột này được đưa lên truyền hình, đã có rất nhiều ông bố bà mẹ "than khóc" khi họ cũng cho con sử dụng loại sữa này.
- Khi nghe tin đó chỉ là một loại thức uống, tôi đã bị sốc. Tôi cứ nghĩ đó sữa công thức. Rõ ràng các nhân viên bán hàng đã nói với tôi rằng đó là sữa bột công thức mà.
- Mãi sau này tôi mới phát hiện ra đây là một loại đồ uống sau khi con tôi đã sử dụng nó suốt 2 năm liền.
Đại diện dịch vụ khách hàng của công ty sản xuất đồ uống Bei An Min nói rằng sản phẩm của họ là thức uống thường xuyên dành cho "khách hàng bình thường" và được sản xuất theo quy định của chính phủ. Người đại diện cũng tuyên bố rằng công ty không hề biết chuyện đồ uống của mình được bán cho trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa.
Hiện tại, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc đang tiến hành điều tra vấn đề này, đồng thời đã ra lệnh cho chi nhánh tỉnh ở Hồ Nam kiểm tra kỹ lưỡng các doanh nghiệp có liên quan.
Được biết, sự việc này đã làm sống lại sự kiện đã từng xảy ra cách đây hơn 10 năm. Lúc đó, các ông bố bà mẹ ở Trung Quốc bấn loạn khi các cơ quan chức năng phát hiện một loại sữa bột chứa chất độc hại hóa học melamine được sản xuất bởi một công ty chuyên sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc đã làm 6 trẻ tử vong và gần 300.000 trẻ bị bệnh. Thế nên, vụ việc lần này đang thu hút sự quan tâm lớn của tất cả mọi người.
Nguồn: Dailymail, Global
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.