Trung thu của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV: Khi háo hức, niềm vui hồn nhiên lắng xuống, chỉ còn lại những câu chuyện thật buồn

Có em bé hồn nhiên chẳng hiểu HIV là gì, nhưng được đeo ruy băng đỏ trên tay là thấy thích, nhưng cũng có những em ánh mắt thật buồn, của những tâm hồn bị tổn thương rất sâu.

Chuyện của Hồng: Con có H, mai mốt làm ca sĩ được không?

Hồng 14 tuổi, năm nay đã vào lớp 9, sắp trở thành thiếu nữ tới nơi rồi, nhưng vừa có vẻ ngây thơ, tồ tệch so với lứa tuổi của mình, vừa có chút gì đó rất "già cỗi" - cái già của một tâm hồn bị tổn thương và đầy sợ hãi. Hồng vui vẻ xếp hàng đợi ăn buffet với các em nhỏ cùng hoàn cảnh với mình, háo hức dò số lô tô mong trúng được gấu bông, khe khẽ hát theo ca sĩ trên sân khấu Trăng yêu thương bao nhiêu, khi gặp người lạ, Hồng lại bẽn lẽn, rụt rè bấy nhiêu.

Em vừa bước vào tuổi dậy thì 2 năm, nhưng đã sống chung với HIV từ ngày lọt lòng. Mẹ em là người có H, còn ba thì không. Ngày Hồng có kỳ kinh đầu tiên trong đời, đó là khi em được ba gọi riêng vô phòng trò chuyện. Ba nói với Hồng về cách giữ vệ sinh thân thể, sự thay đổi trong cơ thể em khi đã dậy thì, nói về chuyện giới tính và an toàn tình dục. Những chuyện đó Hồng không thấy lạ, vì trước giờ, từ khi ba mẹ em còn sống cùng nhau, ba vẫn luôn là người gần gũi, dạy dỗ, chăm sóc Hồng.

Artboard 1

Nhưng đến ngày đó, ba mới tiết lộ thông tin khiến bầu trời mộng mơ của cô bé sụp đổ: Hồng là một người có H. Trước đó, hồi em học lớp 5, ba có nói rằng em bị bệnh mãn tính, phải uống thuốc đúng giờ, phải tránh để cơ thể trầy xước, chảy máu ra sao, vệ sinh răng miệng thế nào... nhưng Hồng còn quá nhỏ để hiểu tường tận vấn đề sức khỏe của mình.

"Khi nghe ba thông báo, con khóc quá trời khóc, con chỉ muốn chết luôn cho rồi. Nhưng ba và bà nội ôm con vô lòng, nói con hãy cố lên mà sống, HIV không phải là dấu chấm hết. Từ nhỏ con đã được chăm sóc cẩn thận, dùng thuốc điều trị, ba và bà nội cũng yêu thương con, còn thương hơn bình thường vì con bị thiệt thòi, nên con phải cố sống tiếp. Sau đó, con tự lên mạng tìm hiểu thông tin, hỏi ba và một số nhân viên y tế để biết cách bảo vệ người xung quanh an toàn" - Hồng nói trong run rẩy.

Theo lời Hồng kể, từ nhỏ mẹ em đã ít khi ở nhà, cứ đi làm một thời gian rồi về thăm hai anh em Hồng một chút. Đến năm lớp 4, ba mẹ Hồng chia tay. Em và anh hai đều chọn sống với ba, vì em không "quen" mẹ lắm. Mẹ bây giờ ở đâu, làm gì, em cũng không rõ.

Hồng khép kín, gần như không có bạn cùng lớp, không bao giờ dẫn bạn về nhà, cũng không tới nhà bạn nào chơi, vì em sợ khi chuyện mình có H lộ ra, sẽ không ai chấp nhận và yêu thương em như cái cách bà nội và ba vẫn làm. Em sợ mình sẽ tổn thương thêm lần nữa.

Artboard 1 copy

Ba cũng giấu chuyện này với họ hàng, hàng xóm, chỉ một số cán bộ xã hội, nhân viên y tế biết chuyện của Hồng. Mới đây, cô bé lấy hết can đảm thổ lộ bí mật với người bạn thân duy nhất của mình. Bạn của Hồng nghe xong, ngẫm nghĩ một chút rồi đơn giản bảo: "Ủa vậy hả? Ừ, HIV thì cũng có sao đâu!", và vẫn chơi với Hồng như bình thường.

Hồng hạnh phúc muốn "phát điên" vì câu nói ấy, và vì bạn hứa giữ bí mật cho em, không nghỉ chơi hay tỏ ra thương hại em, như Hồng đã lo lắng. Ở tuổi 14, Hồng chưa vội lo mai mốt lớn sẽ làm nghề gì, chưa nghĩ nhiều về ước mơ, chưa biết mình sẽ trở thành người như thế nào khi lớn lên. Em mắc cỡ "thú nhận" mình học không quá giỏi, chỉ thích ca hát và mỹ thuật. Nhìn mấy cô ca sĩ mặc đồ đẹp, hát rất sung trên sân khấu Trăng yêu thương, Hồng hỏi tôi: "Con có H, mai mốt có làm ca sĩ được không ha?".

Nỗi niềm Trung thu của những em bé bị tổn thương bởi HIV

Hồng chỉ là một trong hàng chục ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV đang sống ở TP. HCM. Trong số các em bé này, không phải ai cũng là người có H, bị lây nhiễm thụ động từ ba mẹ mình. Có những bé âm tính với HIV, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị, dè chừng của cộng đồng khi có người thân nhiễm HIV/AIDS.

400 trẻ được mời đến dự chương trình Trăng yêu thương mang trong mình 400 câu chuyện khác nhau, những tổn thương nặng nhẹ khác nhau, nhưng các em vẫn khao khát được sống khỏe mạnh, được yêu thương, được che chở, và được đi học.

anh7

 

 

 

 

 

Có bé Vân Anh, ba đã mất vì AIDS, mẹ bỏ đi cho ông bà nội nuôi em. Phải rất khó khăn, em mới được chấp nhận cho đến trường, vì hầu hết phụ huynh ngần ngại không muốn cho cho một bé có H học chung với con mình.

Có bé Nam 8 tuổi, bà ngoại nước mắt nghẹn ngào dắt tay tới năn nỉ những người trong Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam hỗ trợ để bé có thể đi học lớp tình thương nào đó. Em không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu; mẹ sinh em khi chưa đủ tuổi vị thành niên, giờ cũng bệnh nặng; ba em là ai không ai biết… Nam hô to "Dạ thích lắm" khi được hỏi có muốn đi học không. Mắt Nam rất sáng, rất lanh, nhưng ở đáy đôi mắt ấy là một khoảng đen ủ ê và mặc cảm, nên em thường tránh ánh nhìn trực diện người khác xoáy vào mình.

Artboard 1 copy 2 (3)

Khi ai đó bị tổn thương thật sâu, người ta vẫn có thể cười thật tươi, nhưng ánh mắt thì không bao giờ giấu được. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV hiểu chuyện thường mang trong mình nỗi buồn, mặc cảm rất lớn, dù các em hoàn toàn là nạn nhân. Ước mơ của chúng cũng hệt như của những trẻ bình thường, có khi là được làm bác sĩ, y tá, làm ca sĩ, nhạc công, diễn viên múa; có khi giản đơn như được khỏe mạnh, được yêu thương, được có nhiều bạn; nhưng đôi lúc cũng là câu trả lời chung chung, mà rất đau như thế này: Một ngày còn sống, là một ngày được sống bình thường.

Artboard 1 copy 3

Có lẽ đó là lý do thúc đẩy ông Nguyễn Anh Phong, Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam, Trưởng BTC chương trình Trăng yêu thương cùng những cộng sự của mình đã nỗ lực hơn 10 năm qua để kêu gọi cộng đồng hãy dang rộng vòng tay yêu thương để các em tránh được kỳ thị, có thể hòa nhập, sống và lớn lên bình thường như những trẻ em khác và được học tập, vui chơi, phát triển. Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, rất nhiều em đã và đang cố gắng học tập, mong muốn trở thành những con người có ích, góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội, chỉ cần chúng được trao cho cơ hội bằng tình yêu thương.

 

 

*Tên các bé đã được thay đổi.

"Trăng yêu thương" là chương trình được Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) tổ chức, bắt đầu từ năm 2010, nhằm mục đích hỗ trợ cho một phần trong số 25.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.

"Trăng yêu thương" lần 8 vừa được tổ chức mới đây tại hai địa điểm Nhà thiếu nhi Quận 5 và Ủy ban nhân dân thị trấn Củ Chi, bên cạnh các chương trình văn nghệ, buffet, ban tổ chức còn trao tặng 400 phần quà bao gồm bánh Trung thu, lồng đèn, bánh kẹo, cặp sách, sữa… cho các em với mỗi phần trị giá 250.000 đồng.

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang