Cộng đồng mạng châu Á mới đây đã phải chấn động khi một loạt báo Hàn đưa tin Sulli - nữ idol xinh đẹp, cựu thành viên nhóm F(x) - đã qua đời.
Theo đồn cảnh sát Seongnam Sujeong ở tỉnh Gyeonggi, một đồng nghiệp đã tìm thấy thi thể Sulli (Choi Jin Ri) tại một tòa nhà chung cư ở thành phố Sujeong-gu, Seongnam, khoảng 4h30 chiều nay và gọi cảnh sát. Nguyên nhân cái chết được cho là tự tử.
- Chuyên gia tâm lý từng cảnh báo tình trạng bất ổn của Sulli trước thông tin treo cổ tự tử
- Có ai ngờ, một Sulli nổi loạn ngoài đời lại diễn xuất thần sầu, khóc hết ruột gan trên phim như thế này
- Giật mình lời bài hát mới nhất của Sulli: "Tôi đã làm gì sai, tôi chỉ muốn kết thúc tất cả"?
Hiện tại vẫn chưa tìm thấy thư tuyệt mệnh ở hiện trường và cảnh sát vẫn chưa điều tra ra dấu hiệu của tội phạm nên có thể cho rằng Sulli đã có sự lựa chọn cực đoan.
Lý do thực sự gây ra cái chết của Sulli hiện vẫn đang được làm rõ. Nhưng hiện tại đang có khá nhiều nguồn tin hướng về việc cô ca sĩ có tình trạng tâm lý khá bất ổn. Đặc biệt theo SCMP đưa tin hồi tháng 10/2018, bản thân Sulli cũng đã thẳng thắn chia sẻ trên Instagram cá nhân rằng cô mắc 2 chứng bệnh tâm lý, đó là "Rối loạn hoảng sợ" (panic disorder" và chứng "Sợ xã hội" (social phobia).
"Những người thân nhất cũng rời bỏ tôi. Tôi bị họ làm tổn thương, cảm thấy không ai thấu hiểu mình." - Sulli từng chia sẻ như vậy trong một video trước show truyền hình thực tế Jinri Store. Hiện tại, đoạn video đã bị cô xóa đi.
Sulli - nữ ca sĩ xinh đẹp được xác nhận đã tự sát ngày hôm nay
2 căn bệnh Sulli chia sẻ thực sự là như thế nào? Hé lộ cho các bạn một chút: đó là những căn bệnh nhiều người mắc phải mà có khi bản thân không hay biết. Và đặc biệt, các chứng bệnh này đều có khả năng khiến bạn nghĩ đến cái chết.
Căn bệnh dẫn đến ý định tự sát
Cả 2 căn bệnh trên đều là các dạng bệnh nằm trong nhóm "rối loạn lo âu" (anxiety disorder).
Chứng rối loạn hoảng sợ xảy ra với các dấu hiệu như cơn hoảng sợ bộc phát, đột ngột và rất mạnh mẽ. Người mắc phải hội chứng này thường xuyên cảm thấy sợ hãi không lý do, không dấu hiệu báo trước, có thể đột nhiên cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, điên loạn hoặc cảm thấy mất kiểm soát trước các tình huống xung quanh. Các phản ứng gây ra cũng rất dữ dội, dù chỉ là trong thoáng chốc.
Còn hội chứng ám ảnh sợ xã hội thì thể hiện qua việc cảm thấy sợ hãi trước các tình huống xã hội thông thường, với các triệu chứng như tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu, bụng dạ nhộn nhạo, buồn nôn. Hội chứng này có thể can thiệp mạnh vào đời thường của người bệnh.
Cả 2 chứng bệnh trên dù rất ít người bàn đến, nhưng quả thực là không hề hiếm gặp. Như chứng rối loạn hoảng sợ, ít nhất tại Mỹ đang có 2,4 triệu người trưởng thành mắc phải nó - tương đương 1% dân số. Chứng sợ xã hội thì còn cao hơn khi là dạng rối loạn tâm lý phổ biến thứ 3 nước Mỹ, với tỷ lệ mắc bệnh là 3% - 13% ở người trưởng thành.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở cả 2 chứng bệnh này là đều có khả năng khiến người bệnh nghĩ đến việc tự tử. Theo một nghiên cứu nhỏ trên 150 người từ Viện tâm lý Clarke (Toronto, Canada), khoảng 31% người mắc rối loạn hoảng sợ và 34% bệnh nhân mắc chứng sợ xã hội chia sẻ rằng họ đã từng nghĩ đến chuyện tự tử, dù chỉ 3 người thực sự có ý định làm như vậy nhưng không thành.
Trong đó chứng "rối loạn hoảng sợ" được đánh giá là nguy hiểm hơn.
Trải nghiệm của chuyên gia và những người mắc rối loạn hoảng sợ
Gisele Bündchen - một người mắc phải chứng rối loạn hoảng sợ chia sẻ với tạp chí People rằng cô không chỉ thấy hoảng loạn, mà sự hoảng loạn ấy còn khiến cô thường xuyên nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời.
"Tôi thực sự đã có ý nghĩ: Nếu bây giờ nhảy qua ban-công, mọi thứ sẽ chấm hết, tôi sẽ không bao giờ phải lo sợ về nhưng gì mình cảm thấy nữa." - Gisele cho biết.
Người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có khả năng nghĩ đến việc tự sát
"Hoảng loạn là khi nỗi sợ hãi và căng thẳng đột ngột xâm chiếm, khiến bạn mất kiểm soát và sợ đến tột độ," - bác sĩ tâm lý Danielle Forshee cho biết. Theo bác sĩ, người mắc rối loạn hoảng sợ không phải chắc chắn sẽ muốn tự tử, nhưng chứng bệnh này sẽ khiến nạn nhân cảm thấy mắc kẹt, thực sự muốn giải thoát.
Tiến sĩ Carole Lieberman - bác sĩ tâm lý tại Beverly Hills cũng đồng tình với điểm này. "Khi một người bị hoảng loạn, họ sẽ thấy rất sợ. Nỗi sợ khiến nhịp tim tăng lên, thở khó hơn, và khiến họ nghĩ rằng mình sắp chết."
"Thường thì không ai nghĩ đến chuyện tự tử lúc cơn hoảng loạn ập đến. Nhưng giữa những lần như vậy, họ sẽ cảm thấy vô vọng, rằng mình sẽ chẳng bao giờ tìm thấy thuốc chữa."
Tuy vậy theo tiến sĩ thần kinh học Sanam Hafeez, cũng có một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy thực sự muốn chết khi cơn hoảng loạn xuất hiện. "Khi cảm thấy bế tắc, cảm giác về thực tại của người bệnh cũng thay đổi. Vào thời khắc ấy, ý định tự sát vô tình lại trở thành thứ có phần thực tế hơn."
Phải làm gì khi có dấu hiệu mắc rối loạn tâm lý
Rối loạn hoảng sợ lẫn sợ xã hội, 2 chứng bệnh này không phải cứ mắc phải là sẽ muốn tự tử, nhưng nguy cơ là hoàn toàn có. Vậy nên với bản thân người bệnh, khi nhận thấy bản thân có các suy nghĩ như vậy cần nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Chỉ có các chuyên gia mới giúp bạn cảm thấy mình cần phải làm gì khi đó mà thôi.
Với những người xung quanh, hãy lắng nghe người thân của mình nhiều hơn. Về cơ bản, các chứng rối loạn tâm lý chủ yếu đến từ sự cô đơn trong xã hội. Liều thuốc phù hợp nhất trong trường hợp này là sự cởi mở, chia sẻ với những người xung quanh.
Theo helino.ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.