Trường CÔNG hay trường TƯ, lựa chọn nào mới là tốt nhất cho con? Bà mẹ ở Thanh Hóa đưa ra câu trả lời nhận "bão like" từ các phụ huynh

Câu chuyện về lựa chọn trường công hay trường tư cho con theo học luôn là đề tài được rất nhiều các cha mẹ quan tâm.

Cách đây vài chục năm, phụ huynh không phải nghĩ nhiều đến việc chọn trường bởi trường công là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những ngôi trường tư, trường quốc tế ngày nay khiến việc lựa chọn môi trường học trở nên đa dạng hơn. 

Dần dà, "chọn trường công hay trường tư" là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ "đau đầu" mỗi mùa tuyển sinh đến!

Bản thân chị Lê Nghĩa, phụ huynh của một em bé sắp vào lớp 1 ở Thanh Hóa cũng thế. Chị cũng cân nhắc rất nhiều khi đưa ra quyết định lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất với con và với hoàn cảnh kinh tế gia đình. 

Trường CÔNG, trường TƯ, lựa chọn nào mới là tốt nhất cho con? Bà mẹ ở Thanh Hóa đưa ra câu trả lời nhận

Chị Lê Nghĩa.

Ban đầu, như nhiều phụ huynh khác, chị đánh giá cao môi trường học tập ở các trường tư. Lý do vì cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên nhiệt tình, tận tâm hơn, sĩ số lớp ít hơn. Chưa kể chị còn được nhà trường chia sẻ rằng các con sẽ được học nhiều chương trình tân tiến, được tôn trọng, lắng nghe ý kiến... 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, bà mẹ này cho rằng, việc học ở trường tư cũng có những nhược điểm riêng. Chẳng hạn, họ có xu hướng nhẹ nhàng hóa và bao bọc các con, sức cạnh tranh không được như trường công. 

Việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS…, giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt.

Vậy nên, theo chị Nghĩa, nếu có điều kiện cho con học trường tư hay quốc tế thì rất tốt, còn không học trường công cũng không sao cả. Chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý... để lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. Dù học ở loại trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định. 

Dưới đây là những lý do được chỉ Nghĩa đưa ra. Chúng tôi xin được phép chia sẻ lại quan điểm của chị.


1. Thời đại thông tin mở (trường internet)

Nhiều cha mẹ cứ mải miết đi chọn trường, chọn lớp cho con mà quên mất bây giờ là thời đại của thông tin mở. Con của chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu, từ thành thị cho đến nông thôn hoàn toàn có thể tiếp cận với những giáo trình tiên tiến nhất trên thế giới. 

Chỉ bằng một cú kích chuột, con của chúng ta có thể học được với bất cứ thầy cô giỏi nào của Việt Nam, của thế giới với chi phí cực kì thấp, thậm chí là miễn phí. Chỉ cần con bạn có ý chí, tinh thần kỷ luật và kỹ năng tự học tốt thì không gì là không thể học được.

Điển hình là cậu bé Nam Long tại thành phố Hồ Chí Minh, dù mới học lớp 4 nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm lập trình, TOEIC 900 và được 6 công ty game top đầu Việt Nam mời về thực tập. Nếu là thời đại trước kia thì Nam Long rất khó để làm được điều này, nhưng với thời đại thông tin mở cùng với sự đồng hành sát sao của cha mẹ, cậu bé đã làm được những điều mà ai cũng phải suýt xoa.

2. Sự đồng hành của cha mẹ

Học ở đâu thì học, công hay tư thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian để đồng hành cùng con mỗi ngày. Ngày xưa dù gia đình mình rất nghèo, bố vất vả chạy xe, mẹ làm việc đồng áng. Nhưng tối đến gia đình mình lại quây quần bên nhau, cứ 7h tối là nhà mình đã cơm nước xong xuôi, chị em mình bắt đầu ngồi vào bàn học. Bố mẹ mình bận lại không được học nhiều nên chủ yếu là động viên, khích lệ mình học tập. Luôn nhắc nhở mình học là vì cuộc sống, tương lai sau này của bản thân. 

Vậy nên chị em mình đứa nào cũng cố gắng quyết tâm học thật tốt để không phụ sự hi sinh, cố gắng của bố mẹ. Ngày ấy mình học từ 7h - 9h tối là xong, sau đó lên giường đi ngủ. Tối thứ 7 được nghỉ vì chủ nhật không phải đi học, nhưng việc đi ngủ đúng giờ là điều bắt buộc.

Chị em mình đi chơi ở đâu thì đi nhưng 9h tối là phải có mặt ở nhà, nếu để bố mẹ phải đi gọi thì hôm sau sẽ không được đi chơi nữa. Mình rất cảm ơn bố mẹ vì đã xây dựng cho mình cùng các em những thói quen tốt từ ngày con bé, đó là lý do vì sao mình không hề đi học thêm ngày nhỏ mà vẫn học giỏi.

Trường CÔNG hay trường TƯ, lựa chọn nào mới là tốt nhất cho con? Bà mẹ ở Thanh Hóa đưa ra câu trả lời nhận

Con gái chị Lê Nghĩa.

3. Sự nỗ lực của trẻ

Vì sao cùng học cùng một trường, cùng một thầy cô, cùng có sự quan tâm của cha mẹ nhưng có trẻ thì đạt kết quả cao, nhưng có những trẻ thì đạt kết qủa rất thấp. Một trong những lý do nằm ở sự nỗ lực và cố gắng của đứa trẻ ấy. Mà muốn khơi gợi được sự nỗ lực và cố gắng ấy, cha mẹ phải theo sát, thấu hiểu và đồng hành cùng với trẻ. 

Có bạn sẽ nói nhưng cha mẹ quan tâm rồi nhưng trẻ vẫn không chịu nghe, không chịu hiểu thì làm thế nào? Theo mình thì cha mẹ quan tâm chưa đúng cách. Nhiều cha mẹ nghĩ nhắc con học, ngồi kè kè bên con, quát con, thúc ép con làm bài mỗi tối... đó là sự quan tâm. Nhưng sự quan tâm này lại khiến mối quan hệ của cha mẹ và con cái rơi vào bế tắc. Trẻ cảm thấy cha mẹ không quan tâm đến trẻ, thứ cha mẹ quan tâm chính là thành tích, là điểm số.

Do đó chính cha mẹ cần phải thay đổi cách nói, cách giao tiếp, truyện trò với trẻ. Giúp trẻ hiểu được cha mẹ thực sự đang muốn giúp đỡ và đồng hành với trẻ mà thôi. Có thể cách làm của cha mẹ chưa đúng nhưng tình yêu thương dành cho trẻ là không bao giờ thay đổi. 

Mình quan sát thấy nhiều gia đình cha mẹ chưa làm được điều này, mẹ dạy con học mà quát con như hát hay, đứa trẻ vừa làm bài vừa khóc. Mẹ dạy con xong thì mặt đùng đùng sát khí, doạ nạt con, nếu không học thì phạt cấm túc một ngày, không được ra ngoài chơi. Chúng ta luôn nghĩ làm vậy là tốt cho trẻ, là rèn cho con sự kỉ luật, sự chăm chỉ học tập nhưng thực chất cách đó sẽ khiến trẻ chán trường, ác cảm với việc học.

Chúng ta có thể giúp con yêu thích việc học bằng rất nhiều cách khác nhau như chơi trò chơi, giải ô chữ, tổ chức cuộc thì xem ai tính nhanh hơn. Thậm chí tìm hiểu về lịch sử của môn mà con đang học, ai là người nghĩ ra cách tính này, nó ra đời như thế nào, trong hoàn cảnh nào.

Hai mẹ con cùng tìm đọc, con không những được truyền cảm hứng từ câu chuyện ấy mà hai mẹ con còn được đọc thêm tài liệu bổ ích bằng tiếng Anh, giúp con hiểu lý do vì sao học ngoại ngữ lại quan trọng. Chưa kể con còn học được cách tìm hiểu những kiến thức mà mình chưa biết qua internet nhờ chỉ dẫn của mẹ. 

Như vậy cứ mỗi thử thách phát sinh lại là một cơ hội để giúp hai mẹ con khám phá nhiều thứ hơn. Điểm kém không quan trọng, quan trọng là khơi dậy được sự yêu thích của con với việc học, điểm số của con sẽ được cải thiện rõ nét nhờ sự yêu thích ấy theo thời gian.

4. Tư duy của cha mẹ trong việc giáo dục con

Mình tin đây là yếu tố cốt lõi trong việc đồng hành cùng con. Nhiều cha mẹ nói rằng đứa trẻ học trường công giỏi mấy thì giỏi sau này vẫn thua những đứa trẻ học ở trường tư. Lý do vì những đứa trẻ học trường tư có kỹ năng xã hội tốt hơn, ăn nói khôn khéo hơn lại có gia thế nên thành ra thành công hơn hẳn. 

Mình nghĩ điều này cha mẹ đang nhìn ở hiện tượng chứ không phải về mặt bản chất. Nếu con học trường công nhưng biết cách kết nối với thầy cô, bạn bè, luôn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường thì kỹ năng xã hội của con không kém bất cứ bạn nào học ở trường tư cả.

Trường CÔNG, trường TƯ, lựa chọn nào mới là tốt nhất cho con? Bà mẹ ở Thanh Hóa đưa ra câu trả lời nhận

Chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý... để lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. (Ảnh minh họa)

Cuối cùng, bây giờ là thời đại của năng lực chứ không phải bằng cấp. Mình vẫn tin tấm bằng đaị học là căn cứ đầu tiên để đánh giá một người - một người đã được đào tạo. Tuy nhiên nó lại không phải yếu tố cốt lõi vì nó cần nhiều thứ hơn là một tấm bằng. 

Thứ chúng ta cần đánh giá chính là năng lực của người đó, mà năng lực lại dựa trên ba yếu tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Do đó bản thân của mỗi người cần phải tích cực trau dồi, hoàn thiện bản thân mình. Dù tốt nghiệp bất cứ ngôi trường nào, danh giá cỡ nào đi chăng nữa nhưng lại không có kiến thức thực tế, không có tư duy đa chiều, không có các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc thì không ai nhận bạn vào làm cả.

Vậy nên thứ chúng ta cần giúp con chính là xây dựng cho con sự yêu thích, say mê học tập, khám phá thế giới, thấu hiểu bản thân thông qua quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi... Để mỗi ngày trôi qua con hiểu hơn con là ai, con thích làm gì, con muốn trở thành người như thế nào, con muốn mang lại giá trị gì để phục vụ cho xã hội... Đó mới là điều chúng ta cần hướng tới chứ không phải chuyện mải miết đi lựa chọn trường công hay là trường tư. Vì dù học trường gì đi chăng nữa nếu không có sự nỗ lực của con, sự đồng hành của cha mẹ thì con sẽ không tài nào thành công trong tương lai được.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

https://afamily.vn/truong-cong-hay-truong-tu-lua-chon-nao-moi-la-tot-nhat-cho-con-ba-me-o-thanh-hoa-dua-ra-cau-tra-loi-nhan-bao-like-tu-cac-phu-huynh-20220623222710332.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang