Theo đó, công tác kiểm tra được thực hiện từ ngày 1-30/11. Sau thời gian nói trên, địa phương tiếp tục các kế hoạch kiểm tra liên ngành, chuyên ngành phù hợp với từng thời điểm.
Đối tượng kiểm tra gồm bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học; cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nguyên liệu, phụ gia, bao bì; cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm bị đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; cơ sở có đơn phản ảnh, khiếu nại về an toàn thực phẩm.
Các nội dung kiểm tra gồm: quy trình chế biến thực phẩm; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra chất lượng dinh dưỡng bữa ăn đã đạt yêu cầu về dinh dưỡng cho học sinh hay chưa; kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; kiểm tra sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và công tác lưu mẫu.
Kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở, bao gồm điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người. Đồng thời còn kiểm tra các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các trung tâm kiểm nghiệm được chỉ định. Các nội dung khác có liên quan phục vụ công tác quản lý chuyên ngành sẽ theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra liên ngành.
Các đoàn kiểm tra phải báo cáo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm khi kết thúc đợt kiểm tra hoặc báo cáo nhanh kết quả kiểm tra khi có yêu cầu.
Như Báo Giáo dục và Thời đại đã đưa tin, tối 26/10, mạng xã hội xôn xao vì một số clip “tố” bếp ăn của Trường Tiểu học Phú Hữu có những thực phẩm hỏng, không thể sử dụng. Nhiều gia vị được đựng trong can nhựa không gắn nhãn mác, không rõ nguồn gốc, đơn vị cung cấp và thời gian sử dụng.
Liên quan đến vụ việc, trưa 27/10, thầy Phan Thanh Phải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu cho biết, nhà trường không có bếp ăn nên clip này không phải quay tại trường. Đồng thời thông tin, ngày 25/10, ban đại diện cha mẹ học sinh và lãnh đạo nhà trường đã kiểm tra, làm việc với công ty cung cấp suất ăn bán trú. Tại buổi kiểm tra, đại diện phụ huynh nhìn thấy chai tương không nhãn mác, chân gà không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
"Thực đơn của trường từ đầu năm học đến nay không có món ăn nào liên quan đến chân gà, nên đây không thể là thực phẩm nấu cho học sinh", ông Phải nhấn mạnh.
Được biết đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho Trường tiểu học Phú Hữu là Công ty Phương Anh Vĩnh Long (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Sau vụ việc bị “tố”, nhiều trường trên địa bàn TP Thủ Đức đã ngừng hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú với đơn vị này.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.