Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ?

Tốn hàng chục triệu đầu tư cho con đi học năng khiếu, nhưng dường như rất nhiều bậc cha mẹ đang cho con học theo sở thích của bản thân, vì một ước mơ dở dang hồi bé chưa thực hiện thay vì thực sự lắng nghe sở thích của con.

Câu chuyện thật của một gia đình muốn con học đàn piano dù chưa chắc... con đã thích

Bấy lâu nay, các bậc phụ huynh đều có tâm lý chung là cần cho con đi học thêm các môn năng khiếu ngay từ khi còn nhỏ. Việc học năng khiếu đương nhiên là nên nhưng cho con học như thế nào cũng là một chủ đề đáng nói.

Bàn về chuyện này, có một câu chuyện hết sức thú vị anh bạn tôi kể trên Facebook về việc cô con gái Bí Ngô của mình đi học piano.

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 1.
 

 Anh bạn tôi kể trên Facebook: "Trước khi đi học cảm thụ âm nhạc, tớ đã hỏi nó một câu đơn giản: "Con thích học piano hay con chỉ thích chơi cái piano thôi?", nó trả lời rất trúng đích vì tớ đã hỏi một câu rất thẳng thừng như thế: "Con thích chơi cái piano thôi".

Sở dĩ bạn tôi hỏi con như vậy vì anh đã quan sát kĩ Bí Ngô, đã thử bằng nhiều thể loại nhạc khi cho con chơi cùng mình để đi đến kết luận là cô bé không quan tâm nhiều đến âm nhạc mà chỉ thích những giai điệu sôi động để có thể nhún nhảy.

“Việc lựa chọn một thứ rất cũ kỹ và hơn hết, con tớ nó không thích (lắm) là một điều khá tệ. Giống như việc người lớn đang ép con bé thực hiện những giấc mơ dang dở của mình. Điều này, tớ cật lực phản đối.

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 2.
 

Đọc đến đây, có lẽ nhiều bậc phụ huynh cũng phải chột dạ vì thấy… quen quen. Bởi câu chuyện của nhà Bí Ngô có lẽ cũng giống như câu chuyện cho con học năng khiếu của nhiều gia đình khác hiện nay. 

Câu hỏi đặt ra là, nhiều bố mẹ đang cho con học các môn nghệ thuật, môn năng khiếu bởi con thích hay bởi đó là sở thích của bố mẹ; hoặc cho con học để bằng con người ta hay vì một cái gì đó đẹp đẽ, sang chảnh?

Đành rằng không phải chỉ những trẻ thích hay có năng khiếu mới cần được học các môn năng khiếu; đành rằng năng khiếu của một đứa trẻ cũng cần ít nhiều thời gian để được bộc lộ hoàn toàn hay các kỹ năng nếu được rèn luyện, biết đâu sau này sẽ phát huy tác dụng lúc nào đó cần thiết; đành rằng piano hay âm nhạc theo lẽ thường sẽ rất tốt cho phát triển toàn diện; nhưng nếu bé không có năng khiếu, thậm không chút hào hứng, thích thú thì liệu bố mẹ có nên ép con học để làm vui lòng chính mình hay không? 

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 3.
 

Tôi từng biết nhiều đứa trẻ vừa học năng khiếu vừa ứa nước mắt, tất nhiên có những bé sau một thời gian thực sự tìm thấy sự đồng điệu, càng học càng mê, nhưng cũng không ít bé phải bỏ ngang vì thực sự không thể tiếp nhận.

Bố mẹ ai cũng mong cho con những điều tốt nhất, chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất vào đời, nhưng nếu cứ chuẩn bị hành trang tốt nhất ấy mà không màng đến tâm tư, không quan sát và thấu hiểu trẻ, thì cha mẹ rất dễ đẩy con vào tình trạng "cá leo cây" thay vì để nó được tung tăng bơi lội.

Điều quan trọng là bố mẹ cần tôn trọng sở thích của con

Hiện nay, việc nhiều bố mẹ cho con đi học năng khiếu mà con không thích có lẽ cũng là điều không hiếm. Không chỉ là suy nghĩ học sẽ tốt cho con, mà với nhiều gia đình, học cũng là một cách đầu tư nên nhiều người mong rằng sự đầu tư ấy phải mang lại nguồn lợi lớn. 

Có thể nhiều bậc cha mẹ nghĩ học những môn nhạc cụ hàn lâm cũng giống như đưa con vào học ở trường chuyên vậy. Con sẽ có nhiều kiến thức để có tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, với anh bạn tôi cũng như nhiều người thì quan niệm đó đã hơi lỗi thời, thậm chí có thể trở thành rào cản cho sự phát triển của con. Bởi trẻ cần nhất là được tôn trọng sở thích và được cha mẹ định hướng từ sở thích của chính mình. 

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 4.
 

Đây cũng là lý do anh từng tặng Bí Ngô 1 chiếc máy ảnh, mong cô bé sẽ say mê, sử dụng máy ảnh như một công cụ thể hiện ngôn ngữ bản thân nhưng rồi từ bỏ bởi thấy bé chán rất nhanh và cũng không hề quan tâm lắm tới việc chụp ảnh. 

“Tớ hiểu việc sống dưới áp lực phải trở thành một con người như thế nào theo ý của thế hệ trước nên tớ không hề đặt áp lực đó lên vai con mình. Ai cũng cần có sự tự do nhất định để thể hiện mình, ai cũng cần có cái riêng của mình. Việc con có sở thích riêng, kể cả không giống mình cũng là một điều tốt".

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 5.
 

Anh lý giải, nhiều người cho rằng con làm theo mình thì mình sẽ dễ truyền dạy kinh nghiệm của mình cho con hơn. Nhưng điều ấy cũng dễ tạo ra một giới hạn vô hình khiến con khó thoát ra được khỏi những gì mình có thể dạy. Một cái cây ngoài tự nhiên thường sẽ mạnh mẽ hơn một cái cây trồng trong vườn, chỉ có trong tự nhiên ta mới nhìn thấy những cây cổ thụ to lớn.

Hiện giờ, Bí Ngô vẫn học piano nhưng không đều lắm, thường thì 1 tuần 1 lần vào ngày Chủ nhật nhưng thỉnh thoảng lại nghỉ vì đúng dịp nghỉ lễ hay vợ chồng anh đưa con đi chơi xa, về quê. Sau một thời gian học, Bí Ngô cũng đã bắt đầu chơi được một vài bản đơn giản và đọc được nhạc phổ.

Từ câu chuyện cái đàn piano… đến việc cho con đi học năng khiếu, học cho con hay cho sở thích của bố mẹ? - Ảnh 6.
 

Dù vậy, anh bạn tôi không chắc việc học piano sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa, khi Bí Ngô luôn ưu tiên các hoạt động khác hơn piano. Chẳng hạn nếu phải chọn giữa học đàn và đi đâu đó khi trùng lịch thì Bí Ngô thường chọn đi chơi hoặc tham gia hoạt động khác. Gần đây thôi, cô bé sẵn sàng bỏ tập piano ngay tắp lự khi được bạn mẹ rủ đi Tà Xùa, trong khi mai, ngày kia là ngày học đàn. 

Học piano chỉ là một chuyện, hơn tất cả, dù là chuyện gì, phụ huynh nên tôn trọng năng lực và sở thích của con. Được làm việc mình yêu thích, dù vụng về nhưng chắc sẽ hạnh phúc hơn việc làm một con rối đẹp đẽ. Giống như bố Bí Ngô chia sẻ lý do để cô bé gần như tự do làm điều mình thích: "Nó đang sống cuộc sống của riêng mình, thứ mà tớ nghĩ rằng quý giá hơn tất cả những gì tớ hay bất cứ ai có thể mang lại cho nó".

 

 

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang