Từ chuyện voi cha uốn nắn voi con hung hăng đến băn khoăn về cách dạy con trong thời đại số: Dạy mà như không dạy, quy trình học hỏi hiệu quả nhất chính là đây

Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, phương pháp dạy con tốt nhất là hãy trao quyền cho con, đồng hành cùng con trải nghiệm thực tế.

Chiếc nôi gia đình chính là nơi bắt đầu, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách một con người. Tuy nhiên với sự phát triển thần tốc của công nghệ, cuộc sống của cha mẹ đã thay đổi nhiều và ảnh hưởng đến phong cách dạy con. Nếu cha mẹ tìm ra cách dạy con hiệu quả của riêng mình thì niềm hạnh phúc làm cha mẹ sẽ được trọn vẹn, đó chính là sự an tâm con mình sẽ sống thành công và hạnh phúc ngay cả khi không có mình.

Chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã khiến môi trường sống thay đổi mạnh mẽ. Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á (HILL ASEAN) được công bố năm 2018, Việt Nam có tỷ lệ các cặp vợ chồng đều đi làm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, chiếm đến 97% (mức trung bình các cặp vợ chồng đều đi làm ở khu vực là khoảng 80%). Từ số liệu này có thể suy ra cha mẹ Việt ngày nay ít có thời gian dành riêng quan tâm con cái so với cha mẹ thời xưa vì thời xưa mẹ thường ở nhà chăm con, còn cha đi làm.

Từ chuyện voi cha uốn nắn voi đực con hung hăng đến những băn khoăn về cách dạy con trong thời đại số: Dạy mà như không dạy, quy trình học hỏi hiệu quả nhất chính là đây - Ảnh 1.

Ngày nọ, Giáo sư Trương Nguyện Thành tình cờ đọc được câu chuyện về cách voi cha uốn nắn tính hung hăng của các voi đực con trong công viên quốc gia Pilanesberg ở Nam Phi. Các nhân viên ở công viên quốc gia Pilanesberg phát hiện có những voi đực con quá hung hăng đã dùng vòi đâm hoặc giẫm chết nhiều động vật, kể cả tê giác. Sau đó, họ quyết định tìm cách đưa voi cha đến đây.

Chỉ sau vài tuần bên cha, voi đực con hoàn toàn chấm dứt những hành vi bạo lực. Những gì voi cha đã làm chính là dùng bản thân và cuộc sống của mình để làm gương cho con về những chuẩn mực hành vi và lối sống hài hòa với các loài động vật khác. Voi đực con cứ thế noi gương cha, học hỏi và thực hành. Điều này rất giống cách dạy con của Giáo sư, thế nên ông đặt tên cho phong cách dạy con của mình là Cha Voi.

Ông tin tưởng rằng tất cả trẻ em nếu được dưỡng dục trong môi trường sống đầy yêu thương, được rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, được mài giũa nhân cách và được khai phóng tư duy – thì sẽ có thể trở thành công dân có giá trị cho xã hội, đạt được những thành quả vượt bậc và sống cuộc đời hạnh phúc.

Nếu ngày mai bạn không còn trên đời, bạn mong điều gì cho con?

Từ nhỏ, Giáo sư Trương Nguyện Thành được cha đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển từ lần thi học sinh giỏi Toán. Ông cũng là đứa con duy nhất trong gia đình được cha đặt hy vọng sau này có khả năng lo cho các anh em và gia đình. Thế nên cha ông tìm cách vay mượn tiền vàng để ông "ra nước ngoài" cùng đứa em trai 14 tuổi.

Lời cuối cùng cha nói với Trương Nguyện Thành khi tiễn hai anh em lên thuyền rời Việt Nam vào một ngày cuối tháng 4/1980 là: “Con đã đủ lông đủ cánh rồi, đã đến lúc con đi tìm tương lai cho mình như ba năm xưa. Bay càng cao thì con sẽ thấy được càng xa con nhé!”

Những ngày ở trại tị nạn, có lúc chúng 2 anh em ngủ ở chùa, có khi ngủ ở nhà thờ, hoặc “ngủ nhờ” ở chòi người quen đi cùng thuyền. Khi không thể ngủ ở tất cả những nơi ấy thì họ đành ngủ ngoài đường. Những ngày phiêu bạt ấy, ông thực sự thấm thía ý nghĩa cụm từ “màn trời chiếu đất”.

Bất kỳ mỗi cha mẹ nào trên thế giới này đều yêu thương con mình và mong muốn đứa trẻ sẽ được hạnh phúc trên đường đời sau này. Những người làm cha mẹ đều nghĩ cho con cái đầu tiên hơn là bản thân mình. Không ai có thể đoán trước chuyện gì xảy ra trong tương lai, thế nên cha mẹ cần chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết để con chủ động đối diện với những thử thách, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống khi không có sự hỗ trợ của cha mẹ.

Sự phát triển của một con người dựa trên 4 trụ cột chính

Từ chuyện voi cha uốn nắn voi đực con hung hăng đến những băn khoăn về cách dạy con trong thời đại số: Dạy mà như không dạy, quy trình học hỏi hiệu quả nhất chính là đây - Ảnh 2.

Hệ thống giáo dục công cộng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào cột kiến thức, hầu như không quan tâm mấy đến ba cột còn lại. Một số trường tư quốc tế có quan tâm một tí về kỹ năng sống. Do đó, việc giáo dục kỹ năng, nhân cách và tư duy cho trẻ chủ yếu rơi vào trách nhiệm của cha mẹ.

Nhưng trước khi giáo dục con những điều quan trọng này, cha mẹ cần xây dựng môi trường sống cho con ấm áp tình thương và có khuôn khổ rõ ràng để con cảm thấy an toàn. Nhiều cha mẹ ngày nay hoang mang không biết nên dạy con điều gì. Theo Giáo sư "quần đùi", sự phát triển của một người dựa trên bốn trụ cột chính gồm: kỹ năng, nhân cách, tư duy, kiến thức.

Khi dạy con, cha mẹ cần trầm tĩnh, nói năng chậm rãi. Nếu cảm thấy mình giận dữ trước sự kiện, tốt nhất cha mẹ hãy tìm cách “hạ hỏa” trước khi nói chuyện với con, có thể tạm gác vấn đề ấy sang bên, chờ đến lúc thích hợp thì khơi gợi lại. Điều đầu tiên muốn dạy con kiểm soát cảm xúc, cha mẹ cần có khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình trước!

Trước khi bài học bắt đầu và sau khi bài học kết thúc, cha mẹ cần cho con biết cha mẹ mong muốn con có hành vi thế nào. Khi con thể hiện được hành vi đó, cha mẹ hãy thể hiện sự vui vẻ và lòng yêu thương con. Tuy nhiên, không nên thưởng cho trẻ vì trẻ đã không làm việc gì đó không nên làm, tức không nên thưởng cho trẻ ngay lúc trẻ không ăn vạ.

Ba triết lý chính của phương pháp dạy con

Từ chuyện voi cha uốn nắn voi đực con hung hăng đến những băn khoăn về cách dạy con trong thời đại số: Dạy mà như không dạy, quy trình học hỏi hiệu quả nhất chính là đây - Ảnh 3.

Muốn con trở thành người như thế nào thì cha mẹ chỉ cần sống như thế ấy. Đó là “dạy nhưng mà không dạy”. Cha mẹ không nên dạy trẻ bằng roi vọt, răn đe, mắng nhiếc hay sách vở. Con trẻ học phong cách sống và ứng xử từ việc quan sát hành vi của cha mẹ và noi gương.

“Không dạy nhưng mà dạy” là khi con không biết mình đang học. Con thích thú với những trải nghiệm được thiết kế với mục tiêu rõ ràng, được triển khai vào thời điểm thích hợp, từ đó con tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình chứ không phải bài học được truyền tải từ người dạy. Ở đây không có người dạy và quy trình dạy mà chỉ có người hỗ trợ và đồng hành. Triết lý này xuất phát từ thuyết Vô Vi của Lão Tử.

Trong cuộc đời mỗi người đều sẽ gặp những giây phút đen tối nhất. Đó là những lúc ta cảm thấy tuyệt vọng và phải đối diện với chính ta. Đó là những cuộc chiến nội tâm với chính ta chứ không phải cuộc tranh tài với ai khác. Thua người khác có thể khiến ta không vui, thua chính mình có thể dẫn đến cái chết của chính ta. Triết lý này xuất phát từ thuyết Nhân Ái của Lão Tử. Tuy nhiên nội lực (tự động viên và tự kiềm chế, có thể gọi là ý chí) là yếu tố chủ lực để giúp con duy trì phấn đấu trước những thách thức trong cuộc sống.

Triết lý “không chờ có sự kiện mới dạy con” phát sinh từ việc Giáo sư Trương Nguyện Thành không có nhiều thời gian với hai con sau khi ly thân, ly hôn. Nếu chờ đến khi con làm điều gì sai hoặc có sự kiện nào đó xảy ra với con thì cha mẹ mới có phản ứng thì cha mẹ có thể sẽ mất nhiều cơ hội dạy con những bài học cuộc sống quan trọng vì con trẻ đã quá lứa tuổi để học những bài học ấy.

Trải nghiệm là quy trình học hỏi hiệu quả nhất. Do đó, cha mẹ cần tạo cơ hội trải nghiệm cho con, trao quyền cho con, đồng hành giúp con phát triển tư duy và kỹ năng để đối diện với những khó khăn và gặt hái thành công trong cuộc sống thực tế.

*Theo cuốn sách Cha Voi của Giáo sư Trương Nguyện Thành.

 

 

Theo Theo Tri thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang