Tuân thủ “nguyên tắc 5Đ” tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Để tránh lây nhiễm từ mẹ sang con là cần phải phát hiện và điều trị sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ và tuân thủ theo đúng nguyên tắc 5Đ tỷ lệ lây sang con thấp. Điều này được nhấn mạnh tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Th.S Nguyễn Thị Lan Hương - Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Mất từ 7-8 năm để HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Vì vậy có rất nhiều trường hợp nhiễm HIV khi tới giai đoạn cuối mới phát hiện điều trị thì đã muộn. Việc điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho đứa trẻ sinh ra không nhiễm HIV dù mẹ bị nhiễm.

Nếu một người phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ở 3 tháng đầu của thai kỳ cần phải được điều trị sớm. Thai phụ sẽ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị theo nguyên tắc 5Đ (uống thuốc đều, đúng giờ, điều nhiều, đúng chỉ định, đúng cách).

Khi thai phụ đã uống thuốc đúng cần phải xét nghiệm máu 3 - 6 tháng/ lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao thì nguy cơ lây sang con sẽ thấp. Việc xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên điều trị thuốc sẽ giảm mức độ nặng của bệnh cho mẹ và phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Theo Th.S Lan Hương, trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được dùng các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên để làm giảm số lượng HIV trong cơ thể người mẹ giảm nguy cơ truyền virus sang con. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ.

Trẻ sơ sinh và bà mẹ nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ lúc sinh cho đến 4-6 tuần tùy phác đồ, nhằm giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm HIV do phơi nhiễm trong quá trình sinh, nhất là qua đường âm đạo. Đối với phụ nữ đang điều trị HIV, nếu muốn sinh con cần phải duy trì uống thuốc. Nếu xét nghiệm máu có tải lượng dưới 200 bản sao mới nên xin ý kiến bác sĩ để sinh con.

Th.S Lan Hương cho biết thêm, hiện nay việc quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hay không sẽ tùy theo quyết định của người mẹ nhiễm HIV. Trong trường hợp bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, cần phải đảm bảo sử dụng sữa thay thế trong 6 tháng, đảm bảo có nước sạch và người phụ nữ có hỗ trợ từ người khác.

Nguy cơ nhiễm HIV đang tăng ở nhóm đồng tính nam

Th.S Võ Hải Sơn - Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện 2.092 trường hợp mới mắc HIV. Các vùng có nhiều người nhiễm HIV tập trung là Tây Nam Bộ và Đông Bắc Bộ và Tây Bắc. Có 3 nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV: Nhóm tiêm chích ma túy, nhóm MSM (đồng tính nam) và nhóm phụ nữ bán dâm. Trong đó, xu hướng tăng lây nhiễm HIV ở nhóm MSM, bởi nhóm này quan hệ qua đường hậu môn nên tỷ lệ lây HIV sẽ cao hơn rất nhiều so với quan hệ truyền thống và không có biện pháp dùng bao cao su.

Theo một nghiên cứu nhóm MSM tại Hà Nội, có khoảng 12% số người mắc HIV, nhóm tuổi mắc từ 22 tuổi trở lên chiếm 50%. Ông Sơn cho biết thêm, sắp tới Việt Nam sẽ phát triển tự xét nghiệm HIV tại nhà bằng sinh phẩm nước bọt với giá 2 USD, khoảng 50.000 đồng.

Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân với mục tiêu đến năm 2018, 90% phụ nữ mang thai và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con bằng ARV; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV; đặc biệt giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.

Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, cả nước có khoảng 2,7 triệu phụ nữ có thai, trong đó có khoảng 1,5 triệu phụ nữ mang thai sinh con; số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV/phụ nữ có thai chiếm 50%; phụ nữ mang thai được xét nghiệm có HIV( )/số được xét nghiệm là hơn 1.000 người.

Kết quả dự phòng lây truyền mẹ con cũng cho thấy, gần 2.000 bà mẹ đã được điều trị ARV; 99% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền mẹ con bằng thuốc ARV... Theo đó, các can thiệp toàn diện về phòng lây truyền mẹ con đang được triển khai gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; dự phòng bằng thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ; tư vấn và hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; điều trị thuốc ARV khi trẻ nhiễm HIV...

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động truyền thông của tháng cao điểm hướng tới nội dung quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...; đảm bảo tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đặc biệt, trong tháng cao điểm, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (như: Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai), đẩy mạnh các can thiệp, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1-30/6 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”. Các hoạt động trong tháng cao điểm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi, nguy cơ cao... về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.

 

 

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang