Uống sữa có thực sự giúp bạn giải độc thủy ngân?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, trong tình hình hiện nay, nhiều người có suy nghĩ uống thật nhiều sữa mỗi ngày để giải độc thủy ngân đều cần xem xét lại.

Nhiều người đi mua sữa về uống nhằm giải độc thủy ngân sau vụ cháy công ty phích nước Rạng Đông

Đã gần một tuần trôi qua nhưng những nỗi lo về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy công ty phích nước Rạng Đông vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt là thông tin mới đây cho biết có khu vực thủy ngân vượt ngưỡng 30 lần càng khiến người dân thêm phần hoang mang.

Người ta tìm đến nhiều giải pháp khác nhau để mong giải độc thủy ngân ra khỏi cơ thể, nhất là những người dân sống gần khu vực đám cháy. Một trong những cách giải độc thủy ngân được mọi người rất ưa chuộng hiện nay chính là uống sữa.

d1

Mấy ngày hôm nay, tủ lạnh nhà chị Thơm (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) lúc nào cũng đầy ắp sữa. Hầu hết là những lọ sữa tươi tiệt trùng. Chị Thơm kể, từ ngày xảy ra vụ cháy lại nghe ngóng được thông tin uống sữa sẽ giúp giải độc thủy ngân nên gia đình chị mặc dù sống gần đó vẫn cứ ung dung, tự tại, miễn là uống sữa thật nhiều ngày qua ngày để giải độc thủy ngân.

"Mỗi ngày, mình mua khoảng 4 lít sữa tươi tiệt trùng cho cả nhà uống. Mỗi người phải uống ít nhất 1 lít sữa mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn là phương pháp giải độc thủy ngân mình được người quen mách nước cho nên yên tâm lắm", chị Thơm chia sẻ.

d2

Một trong những cách giải độc thủy ngân được mọi người rất ưa chuộng hiện nay chính là uống sữa.

Cũng giống như chị Thơm, anh Khánh (Thượng Đình, Thanh Xuân) cũng sử dụng cách giải độc thủy ngân bằng việc bổ sung thật nhiều sữa tươi mỗi ngày. Anh kể, từ ngày xảy ra vụ cháy, anh cũng rơi vào cảm cúm kéo dài mấy ngày. Lo sợ sức đề kháng yếu cùng những nguy hại khi hít phải thủy ngân, anh nghe người bạn mách uống thật nhiều sữa để giải độc thủy ngân.

"Không chỉ giải độc thủy ngân mà uống sữa còn giúp bạn giải độc nhiều kim loại nặng khác nên vô cùng tốt cho sức khỏe, nhất là trong thời điểm đám cháy mới xảy ra như hiện nay", anh Khánh chia sẻ thêm.

d3

Suy nghĩ uống thật nhiều sữa mỗi ngày để giải độc thủy ngân cần xem xét lại.

Uống sữa có thực sự giúp giải độc thủy ngân?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), sữa là một chất dinh dưỡng. Uống sữa để bồi bổ cơ thể tất nhiên rất tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ uống thật nhiều sữa mỗi ngày để giải độc thủy ngân thì cần xem xét lại.

"Đúng là việc uống sữa có thể tách được một phần thủy ngân có trong dạ dày. Tuy nhiên, nếu thông qua đường thở, khi hít phải thủy ngân thì nguy cơ thủy ngân ngấm vào trong máu, tế bào là chuyện có thật và không thể kiểm soát hay giải độc bằng cách uống sữa. Sữa khi uống sẽ đi vào dạ dày và cũng chỉ có vai trò thải độc một phần ở khu vực này mà thôi. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi giải độc thủy ngân trong dạ dày, chỉ mỗi việc uống sữa cũng không đủ loại bỏ hết ra ngoài", ông Thịnh cho hay.

d4

Muốn giải độc thủy ngân đòi hỏi phải có hệ thống thuốc giải độc thủy ngân này cũng như giải độc các loại kim loại nặng nói chung.

Thực tế, việc uống sữa cũng có vai trò như uống thật nhiều nước, sẽ có công dụng loại bỏ chất độc một phần nào đó ra khỏi bụng. Như vậy, với nhiều trường hợp nuốt phải thủy ngân thì việc uống sữa sẽ giúp giải độc được một phần nào đó.

Theo chuyên gia, muốn giải độc thủy ngân đòi hỏi phải có hệ thống thuốc giải độc thủy ngân này cũng như giải độc các loại kim loại nặng nói chung. "Điều quan trọng nhất lúc này là mọi người cần phải đi khám bệnh, tiến hành làm các xét nghiệm… để từ đó có hướng điều trị đúng đắn", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi đặc biệt muốn khuyến cáo toàn bộ những người dân sinh sống quanh khu vực cháy nổ cũng như nằm trong khu vực ảnh hưởng nên đi khám, xét nghiệm một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp giải độc, chữa bệnh kịp thời".

d5

Toàn bộ những người dân sinh sống quanh khu vực cháy nổ cũng như nằm trong khu vực ảnh hưởng nên đi khám, xét nghiệm một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp giải độc, chữa bệnh kịp thời.

Ngoài ra, những người sống và làm việc gần khu vực cũng cần cẩn thận xem xét các triệu chứng để đi khám bệnh, phía cơ quan y tế nên in phát tay thông báo các triệu chứng của nhiễm độc thủy ngân để người dân cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân có thể nặng, có thể nhẹ với từng người, trong trường hợp nặng thì bạn cần đi thăm khám và điều trị sớm.

Để dễ hình dung hơn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra một số triệu chứng nhiễm độc thủy ngân dễ nhận biết như run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý, viêm lợi... Nặng hơn có thể bị suy hô hấp, phù phổi cấp, nôn ra máu… Nhiễm độc thủy ngân có thể xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần sau khi tiếp xúc với nguồn nên cần phải theo dõi cẩn thận, kiên trì.

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang